Một tử tù Anh lên giá treo cổ tới ba lần nhưng vẫn sống vì cửa sập dưới chân y không hoạt động, còn một cô gái Iran thoát chết nhờ phản ứng của những người xem cuộc hành hình.
Hoãn thi hành án tử nhờ mang thai
Năm 1692, một tòa án tại bang Massachusetts, Mỹ, kết án tử hình Elizabeth Proctor Proctor và chồng, John Proctor, vì tội sử dụng thuật phù thủy, Daily Beast đưa tin. Vì Elizabeth đang mang thai nên nhà chức trách hoãn thi hành án với cô ta. John cũng cố gắng để hoãn thi hành án nhưng không thành công. Cuộc hành hình John diễn ra vào ngày 19/8/1692. Vào tháng 1/1693, Elizabeth sinh con trong tù. Cô ta đặt tên con là John. Vì một vài lý do, cô ta vẫn không bị hành hình theo bản án trước đó. Vào năm 1693, Thống đốc bang cho rằng tòa đã kết án sai nhiều người nên ra lệnh trả tự do cho 153 người, bao gồm Elizabeth.
Tranh minh họa một phiên xử nghi phạm phù thủy tại Mỹ trong thế kỷ 17. Ảnh:Wikipedia
Lên giá treo cổ ba lần vẫn không chết
Năm 1884, cảnh sát Anh phá hiện thi thể của cô Emma Keyse tại nhà riêng ở thị trấn Torquay, hạt Devon, Anh, với nhiều vết chém và vết cắt ở cổ. Nhà của nạn nhân cháy rụi. Cảnh sát bắt John Henry George Lee, một người làm công ở đó, vì nghi anh ta là hung thủ giết người, Independent đưa tin. Trong phiên xử, thẩm phán tuyên anh ta án tử hình. Theo bản án, vụ hành hình anh ta diễn ra vào ngày 23/2/1885 tại nhà tù Exeter. Trong buổi hành hình, cửa sập dưới chân tử tù không hoạt động. Sau khi cố gắng hành hình tới ba lần mà vẫn thất bại, cảnh sát dẫn Lee về trại giam. Sau đó, Bộ trưởng Nội vụ quyết định giảm mức án của y xuống tù chung thân.
John Henry George Lee. Ảnh: murderpedia.org
Do áp lực của dư luận, tòa án buộc phải trả tự do cho Lee (lúc đó đã bước sang tuổi 41) sau khi giam y 23 năm. Mỉa mai thay, quyết định phóng thích y không xuất phát từ những lần xét xử, mà từ những lần hành hình thất bại.
Tử tù hồi sinh sau khi thi hành án tử
Vào năm 1740, William Duell, 16 tuổi, cùng 4 người khác lĩnh án tử hình bằng hình thức treo cổ vì tội danh cưỡng hiếp và giết một cô gái ở làng Tyburn, thành phố London, Anh. Lúc bấy giờ, trại giam thường cung cấp thi thể tử tù cho các trường đại học y khoa. Tuy nhiên, khi người ta đưa thi thể của Duel đến trường Đại học Bác sĩ phẫu thuật hoàng gia Edinburgh, các bác sĩ phát hiện hắn vẫn còn thở, Guardian đưa tin. Nhịp thở của hắn ngày càng nhanh. Hai giờ sau, hắn có thể ngồi dậy. Tối hôm đó, nhà chức trách quyết định giảm án của Duel xuống mức lưu đày.
Cô gái thoát chết nhờ sự giận dữ của dân làng
Năm 1997, cảnh sát Iran bắt Zoleykhah Kadkhoda, 20 tuổi, vì tội quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Theo luật đạo Hồi, tòa ra lệnh tử hình cô bằng cách ném đá. Cuộc hành hành diễn ra vào ngày 11/8/1997. Nhân viên thi hành án đào hố rồi chôn cô gái tới thắt lưng trước khi ném đá. Ngay sau khi nhân viên thi hành án ném đá, những người dân ở một làng gần đó phản ứng dữ dội nên họ không ném nữa. Người ta tưởng Kadkhoda đã chết nên đưa thi thể cô đến nhà xác. Nhưng tại nhà xác mọi người phát hiện cô vẫn còn thở và đưa cô tới bệnh viện. Sau đó tòa án không ra lệnh thi hành lại bản án tử hình đối với Kadkhoda, The Weekly Standard đưa tin.
Nhân viên thi hành án đào hố để chôn Zoleykhah Kadkhoda tới thắt lưng trước khi cuộc hành hành bằng đá diễn ra vào ngày 11/8/1997. Ảnh: executedtoday.com
Chính phủ Iran khẳng định với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng họ đã hủy án tử hình đối với Zoleykhah Kadkhoda và trả tự do cho cô vào ngày 26/11/1997.
Người lính vẫn sống sau khi bị hành hình
Ngày 18/3/1915, phe nổi dậy tại Mexico bắt Wenseslao Moguel, một binh sĩ của chính quyền, vì tham gia chiến dịch đàn áp cách mạng. Họ ra lệnh bắn ông mà không xét xử. Đội thi hành án bắn 9 viên đạn vào Moguel. Một người bắn vào đầu Moguel ở cự ly gần để đảm bảo ông sẽ chết. Sau đó họ để ông trên mặt đất vì nghĩ ông đã chết, Fox News đưa tin. Nhưng trên thực tế ông vẫn sống. Vào năm 1937, Moguel xuất hiện trong chương trình của một đài phát thanh. Trong chương trình, ông chỉ vào vết sẹo do viên đạn cuối cùng gây ra.
Khuôn mặt của Wenseslao Moguel biến dạng vì tác động của viên đạn cuối cùng trong vụ hành hình ông vào năm 1915. Ảnh: Fox News