Mấy ngày qua, trên trang cá nhân Facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có chia sẻ một bức thư đầy tình cảm của con gái liệt sỹ đảo Gạc Ma.
Cuộc đời là những chuỗi bất hạnh
Người viết lá thư trên chính là Phan Thị Trang (27/10/1988) quê xóm 2 xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An là con gái thứ 2 của liệt sỹ Phan Huy Sơn hy sinh tại đảo Gạc Ma (1988).
Sinh ra trong một gia đình không 'đầy đủ' như bạn bè đồng trang lứa, thiệt thòi đủ thứ về vật chất tinh thần, cũng chính vì thế bản lĩnh của Trang lúc nào cũng vững vàng, chín chắn. Từ nhỏ, Trang là một cô gái siêng năng, cần cù.
Khi sinh ra Trang đã không được nhìn mặt bố. Tuổi thơ của Trang được nuôi nấng dưới bàn tay của người mẹ, Trang là người nhanh nhẹn và hoạt bát, sống có tình cảm chan hòa.
Trang còn có người anh trai tên Phan Huy Hà (1984), do bị bệnh thần kinh bẩm sinh nên mọi công việc sinh hoạt hàng ngày đều do tay mẹ hoặc Trang chăm sóc.
Trang và mẹ hy vọng sẽ có người giúp đỡ, để có tiền mua thuốc cho mẹ, chăm anh trai bệnh tật
Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, hơn 26 năm qua để lo cho Trang ăn học bằng bạn bằng bè, bà Trần Thị Ninh (1963, mẹ của Trang) đã phải còng lưng, cố gắng vay mượn, chạy vạy khắp nơi.
Bà Nguyễn Thị Như, hàng xóm của gia đình Trang, cho biết: "Kể từ khi chú Sơn mất, cho đến nay hài cốt của chú cũng chưa được tìm thấy, chú hy sinh là một mất mát lớn với gia đình. Chúng tôi xem đó là một tấm gương cho các thế hệ noi theo, tiếp bước. Hoàn cảnh của gia đình cháu Trang vô cùng éo le, bố mất sớm, để lại 3 mẹ con lủi thủi trong căn nhà vắng tanh, đứa con trai đầu bị bệnh thần kinh bẩm sinh, gia đình đã vất vả rồi, Trang còn học đến tận bậc cao đẳng, khiến cho kinh tế gia đình vốn vất vả nay lại nặng nề hơn”.
Bỏ dở 2 năm sư phạm để về với nghành y
Mẹ Trang chia sẻ: “Sự mất mát về tinh thần, mấy mẹ con chúng tôi đã gánh chịu từ hàng chục năm nay rồi, lý do để cho Trang ăn học đến nơi đến chốn là vì tôi không muốn nó thiệt thòi thêm chút nào nữa”. Bà Ninh nói thêm, lúc đi thi đại học, Trang bảo rất thích ngành y, thế nhưng nhà không có đủ tiền học phí, con quyết định thi vào ngành sư phạm, cho mẹ đỡ vất vả.
Trang buồn đau khi nói về hoàn cảnh gia đình, sự nghiệp học hành
Thế nhưng nó học đại học sư phạm hơn 2 năm, thì đùng đùng quyết định thi lại ngành y. Hỏi ra mới biết, nó muốn theo nghiệp bố nó, vì trước đây liệt sỹ Phan Huy Sơn trước khi hy sinh cũng làm ngành y. Tôi khuyên ngăn nó, học lỡ 2 năm tốn bao nhiêu tiền của rồi đừng có nên bỏ, Trang khóc lóc rồi nói, đêm nào bố cũng về nói với con “con có muốn trở thành bác sỹ không”, vì vậy mẹ hãy cho con được kế nghiệp bố. Thuyết phục mãi bà Ninh cũng đành chiều lời con, năm ấy Trang đã đỗ vào trường Cao đẳng Y tế Nghệ An, ngành điều dưỡng. Những năm học ở trường y, bao nhiêu của cải, trâu bò đều được bà Ninh bán hết lo cho Trang ăn học, đợi chờ một ngày Trang “thành sự” trả ơn.
Cái ngày mà mẹ của Trang chờ đợi cũng đã đến, Trang tốt nghiệp ra trường cầm trên tay chiếc bằng điều dưỡng. Với sự tự tin vốn có, Trang “lên đường” đi tìm “duyên nghiệp” nhưng đến nay, sau một năm ra trường, Trang vẫn chưa thể xin được việc làm mặc dù cũng đã bươn chải, bôn ba khắp xứ người. Mẹ Trang tuổi cao, cộng với sự vất vả nên bệnh tật ngày một nhiều hơn. Bà Ninh được chuẩn đoán teo thận, u xơ tử cung, thoái hóa… gánh nặng cơm áo gạo tiền lại tiếp tục đè lên đôi vai gầy yếu của Trang.
Mỗi đêm về nằm nghĩ, học cao đẳng ra mẹ già ốm đau, anh trai bệnh tật mà chẳng giúp được gì cho gia đình, Trang lại khóc. Ngày 14/3 vừa qua, lúc cả nước đang làm lễ kỹ niệm 64 liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma (Trường Sa), trong đó có cả bố của Trang. Cô gái này quyết viết "tâm thư" gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày về hoàn cảnh, cuộc sống của gia đình mình, mong bộ trưởng giúp đỡ rồi xem đây là cơ hội cuối cùng về sự nghiệp học hành.
Công văn của Bộ Y tế, gửi xuống Sở Y tế Nghệ An
Hạnh phúc đã ùa về khi Bộ trưởng đọc được những dòng tâm sự ấy, rồi cũng đã đáp lại những lời nói chân thành, tình cảm hứa sẽ giúp đỡ Trang. Được bạn bè chỉ bảo là Bộ trưởng đã có hồi âm, Trang sung sướng đến rơi nước mắt, vì từ trước đến nay Trang gửi nhiều “tâm thư” song có ai hồi đáp lại đâu. Nguyên cả ngày đêm hôm ấy, Trang ăn không ngon ngủ không yên, rồi hóng chờ kết quả từ nhiều cơ quan chức năng. Trang tâm sự rằng, giờ đây miễn là có việc là đúng ngành, gần nhà, có tiền nuôi mẹ, chăm anh trai là hạnh phúc nhất cuộc đời của Trang rồi, Trang hy vọng.
Ngày 13/3/2015 vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Sở Y tế Nghệ An với nội dung, tạo điều kiện cho Trang được làm việc đúng ngành, gần nhà … Hy vọng rằng, mọi kết quả sắp tới sẽ tốt đẹp với cô gái con của liệt sỹ đảo Gạc Ma.