Nobel hóa học 2015: Sửa ADN để trị bệnh ung thư

Ngày 08/10/2015 07:49 AM (GMT+7)

Ba nhà khoa học Thụy Điển, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đường điều trị ung thư.

Ngày 7-10, ba nhà sinh học Tomas Lindahl (Thụy Điển), Paul Modrich (Mỹ) và Aziz Sancar (Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ) đã được trao giải Nobel hóa học năm 2015 về các công trình nghiên cứu tiên phong về sửa chữa ADN.

Trước kia, giới khoa học cứ ngỡ vật liệu di truyền ADN của chúng ta là phân tử hết sức ổn định.

Thật ra do rối loạn ngẫu nhiên hoặc trong quá trình nhân đôi, ADN thường bị đột biến. Các tổn thương gây ra đột biến chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh ung thư, bệnh di truyền và hiện tượng lão hóa sớm.

Năm 1970, nhà khoa học Tomas Lindahl đã phát hiện mỗi ngày trong ADN xảy ra hàng ngàn thay đổi do tác động từ các tác nhân bên ngoài như tia tử ngoại, phân tử gốc tự do hay các chất gây ung thư.

Các thay đổi này đã làm ADN bị hư hại. Đúng ra các thay đổi ấy đã làm chuỗi ADN nhanh chóng bị hủy diệt, thế nhưng vì sao ADN vẫn tiếp tục tồn tại? Tomas Lindahl đã nhận ra một cơ chế liên tục sửa chữa ADN.

Nobel hóa học 2015: Sửa ADN để trị bệnh ung thư - 1

Ba nhà khoa học Paul Modrich, Aziz Sancar và Tomas Lindahl (từ trái sang). Ảnh: NBC NEWS

Trong khi đó, nhà khoa học Aziz Sancar đã lập được bản đồ của cơ chế giúp tế bào sửa chữa ADN bị hư hại do tia tử ngoại.

Cuối cùng nhà khoa học Paul Modrich đã chứng minh được tế bào có thể sửa chữa sai sót xảy ra trong quá trình ADN nhân đôi.

AFP đưa tin ngày 7-10, khi công bố giải Nobel hóa học năm 2015, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển nhận định các công trình nghiên cứu về vai trò của tế bào sửa chữa ADN bị hư hại của ba nhà khoa học nêu trên đã mở đường cho các giải pháp điều trị bệnh ung thư di truyền học.

Ví dụ: Từ một khiếm khuyết do Paul Modrich phát hiện, hiện nay người ta đã nhận ra tác nhân chính gây bệnh ung thư ruột kết. Hoặc từ một bất thường do Aziz Sancar phát hiện, nguyên nhân gây bệnh khô da sắc tố (nhạy cảm với tia tử ngoại có thể phát triển thành ung thư da) đã được phát hiện.

Aziz Sancar là tác giả 33 cuốn sách và hơn 200 bài viết khoa học, một trong ba công dân Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Viện Hàn lâm khoa học Mỹ. Ông là công dân Thổ Nhĩ Kỳ thứ hai nhận được giải Nobel. Người đầu tiên là ông Orhan Pamuk đoạt giải Nobel văn học năm 2006.

Hay tin được trao giải Nobel hóa học, nhà khoa học Tomas Lindahl phát biểu: “Thật là ngạc nhiên. Tôi cũng như hàng trăm người khác đã được đưa vào danh sách dự kiến trao giải đã nhiều năm rồi”.

- Tomas Lindahl (77 tuổi) người Thụy Điển lớn lên và nghiên cứu trong nước. Ông đang làm việc tại Viện Francis Crick ở London và phòng thí nghiệm Clare Hall tại Hertfordshire (Anh).

- Aziz Sancar (69 tuổi) chào đời tại TP Savur (Thổ Nhĩ Kỳ). Đội tuyển trẻ quốc gia giữ ông lại đào tạo thủ môn nhưng ông quyết sang Mỹ học ĐH Texas ở Dallas. Ông đang giảng dạy tại ĐH Bắc Carolina ở Chapel Hill.

- Paul Modrich (69 tuổi) người Mỹ lấy bằng tiến sĩ tại Stanford (bang California). Ông đang nghiên cứu tại Viện Y học Howard Hughes ở Washington và là giáo sư hóa sinh tại ĐH Dunke ở Durham (bang Bắc Carolina).

 ________________________________________

Các công trình nghiên cứu của họ đã cung cấp kiến thức cơ bản về cách thức một tế bào sống hoạt động và các công trình này đã được sử dụng để phát triển cách thức điều trị mới về bệnh ung thư.

Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển

Theo Hoàng Duy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot