Từ khi mới lọt lòng, Phương chưa một lần được biết mặt và gọi tiếng cha như bao đứa trẻ khác. Đi học, cô bị bạn bè trêu trọc là đứa con hoang. Tự ti và xấu hổ, Phương bỏ học giữa chừng. Bi kịch chồng lên bi kịch, sự ngây thơ khiến Phương bị chính người chị họ lừa bán qua biên giới lúc chưa đầy 18 tu
Đã có lúc trên đất khách quê người, trong nỗi tủi nhục vì bị hành hạ, Phương đã tuyệt vọng tin rằng cuộc đời mình chẳng thể có ngày về. Nhất là khi, cô bị những kẻ buôn người bên kia biên giới ép gả cho một gã chồng già giữa rừng sâu, núi thẳm.
Bữa cơm định mệnh
Mất tích đằng đẵng 15 năm, sự kiện chị Nguyễn Thị Phương (SN 1981, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đột ngột tìm về gia đình đã khiến những người thân cũng phải ngỡ ngàng. Ngày chị Phương trở về, mẹ và người thân vỡ òa trong hạnh phúc, họ hàng lối xóm ùn ùn kéo tới thăm hỏi động viên. Nhờ sự chỉ dẫn của người dân nơi đây, chúng tôi tìm đến nhà chị Phương. Gặp chị, tôi giật mình, trông chị giống người Trung Quốc từ giọng nói cho tới hành động. Có lẽ trải qua quãng thời gian quá lâu nơi đất khách, chị chưa dễ gì thay đổi. Vẻ ngoài của chị khá ưa nhìn, mái tóc đen dài ngang lưng, thân hình mảnh khảnh, cao ráo, và ẩn sâu trong đôi mắt là một nỗi buồn chất chứa.
Nhiều ngày sau khi trở về, chị Phương đã đi bán nước để kiếm thêm thu nhập và cũng là để trò chuyện với mọi người cho vơi buồn chán. Kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và câu chuyện tủi nhục, chị Phương nhiều lần không cầm được nước mắt: “Từ lúc sinh ra, tôi chưa từng một lần được nhìn thấy mặt cha. Trong làng, nhiều người ác miệng vẫn gọi tôi là đứa con hoang. Tôi lớn lên trong sự thiếu thốn, cơ cực đủ đường. Hồi còn đi học, mỗi lần bạn bè trêu là tôi lại cảm thấy xấu hổ. Những khi tan học, thấy các bạn có bố đến đón rồi mua quà bánh, tôi lại tủi thân chỉ biết đứng khóc”. Đi qua những ngày thơ ấu bão giông, năm 15 tuổi, Phương quyết định nghỉ học ở nhà phụ mẹ.
Mối quan hệ gia đình và cả quan hệ họ hàng của chị Phương khá phức tạp. Ông nội Phương lấy hai người vợ, Phương là cháu của bà hai. Trớ trêu hơn, Phương sinh ra mà không biết cha mình là ai, bởi vậy hai mẹ con chị thường xuyên phải chịu sự dè bỉu và kỳ thị trong chính gia đình. “Tôi còn nhớ ngày đó, anh em trong nhà chẳng có ai muốn chơi với tôi. Chỉ có cháu bà cả tên L., do sàn sàn tuổi nên chúng tôi chơi với nhau khá thân. Không ngờ, người chơi với tôi thân nhất từ nhỏ tới lớn lại là người chị độc ác và nham hiểm, rắp tâm lừa tôi đi chơi rồi bán sang Trung Quốc”, chị Phương nghẹn giọng kể lại.
Khuôn mặt thất thần, nhớ lại câu chuyện đau buồn của 15 năm về trước, chị Phương kể: “Tôi vẫn nhớ như in cái ngày bị lừa bán sang Trung Quốc, rồi lần lượt được 3 người đàn ông khác nhau mua về làm “vợ”. Hôm ấy, chị L. qua nhà rủ tôi sang nhà chị gái của L. ở Gia Lâm chơi. Lúc đó, tôi đồng ý ngay mà không nghi ngờ gì. Tôi không lường được, đó lại là chuyến đi định mệnh, chuyến đi mà cho tới 15 năm sau tôi mới có thể trở về nhà”.
Ngày bị lừa bán, chị Phương vừa tròn 18 tuổi. Cô thiếu nữ cả tin đã theo L. bắt xe sang nhà chị gái L.. “Đến đây, chúng tôi đã ở lại ăn cơm, trong bữa cơm còn có sự xuất hiện của người yêu L.”. Nhớ lại bữa cơm cuối cùng với người chị tệ bạc, chị Phương phẫn uất: “Là chị em với nhau, trong bữa ăn thấy chị xới bát cơm rồi gắp thức ăn cho, tôi cứ thế bưng bát lên ăn. Nhưng được một lát thì bỗng dưng chân tay tôi, rồi cả thân người đều đuội dần, không còn sức lực. Cứ thế, tôi cứ ngủ li bì cho đến cửa khẩu Lạng Sơn mới tỉnh. Lúc này, tôi vẫn không thể ngờ chị họ lại đang âm mưu làm cái việc mất hết tính người như vậy”.
Chị Phương không cầm nổi nước mắt khi kể về những năm tháng bị bán sang Trung Quốc. Ảnh TG
Bẽ bàng thân phận “món hàng”
Tiếp chuyện chúng tôi, bà T. (mẹ chị Phương) nghẹn ngào chia sẻ: “Thời gian cháu mất tích biệt tăm quả là ác mộng với tôi. Đau xót, thương con đứt gan, đứt ruột nhưng tôi cũng chẳng biết phải làm sao để tìm được con. Kể từ ngày Phương xin phép đi chơi với chị họ, tôi mất liên lạc hoàn toàn với con. Không thể ngờ sau 15 năm, cháu trở về như một phép màu làm tôi mừng lắm”. |
Khi tỉnh, tôi hỏi L. đang đi đâu thì chị ấy đáp lại: “Sang bên biên giới mua sắm quần áo rẻ đẹp lắm, đi một hôm rồi mai về”. Lúc này, L. và bạn trai gọi hai chiếc xe ôm rồi cùng nhau qua cửa khẩu. “Sợ tôi đòi về, người yêu L. ngồi một xe, còn L. và tôi ngồi cùng xe khác. Trên suốt chặng đường, chị ta không ngớt dỗ dành, hứa hẹn sẽ đưa tôi qua đó ăn uống và mua sắm thoải mái. Chiếc xe máy phóng đi rất nhanh làm tôi rơi mũ nhưng họ không cho dừng lại nhặt mà bắt đi tiếp. Đi suốt một ngày đường, tới một nơi toàn rừng núi heo hút thì họ tạt vào một ngôi nhà toàn những người nói tiếng Trung Quốc. Tại đây, tôi thấy họ nói chuyện với nhau nhưng nghe không hiểu. Những người đàn ông Trung Quốc nhìn tôi từ đầu đến chân với ánh mắt soi mói và thô thiển, khiến tôi sợ hãi nhất quyết đòi về. Đáp lại, người chị họ nói đây là nhà người quen của chị ta và yêu cầu tôi ngừng phản ứng "mất lịch sư". Sau bữa cơm trưa diễn ra chóng vánh, L. lấy cớ đi vệ sinh rồi lẩn mất cùng với người bạn trai. Một lúc sau, người đàn ông trong nhà cầm trên tay một sấp tiền chỉ ra ngoài đường rồi kéo tôi vào. Lúc này, tôi mới nhận ra mình đã bị chị họ lừa bán. Nghĩ đến những chuyện khủng khiếp đọc được trên báo hiện ra trong đầu, tôi ôm mặt khóc nấc lên nhưng tất cả đã quá muộn”.
Một người đàn ông to béo tiến sát lại phía tôi nói bằng tiếng Việt: “Chị em bán em cho anh và về rồi. Từ giờ, em phải nghe lời anh”. Nghe lời người đàn ông nói, chị không đồng ý, một mực khóc lóc đòi về nhà nhưng vô vọng. Sau khi nhốt chị vào căn phòng kín khủng bố tinh thần mấy ngày, hắn ra lệnh ép Phương phải chấp nhận làm vợ một người Trung Quốc đã đứng tuổi. Không vâng lời, chị Phương bị hắn dùng thừng trói chặt lại và hành hạ dã man. “Tôi chỉ nhớ lúc tôi la hét, họ đã nhét giẻ vào miệng tôi, lấy dây buộc chân, tay tôi lại và trói vào ghế, rồi đánh đập tôi hết sức tàn bạo. Sau đó, 4 gã đàn ông đã lần lượt vào cưỡng hiếp tôi. Đau đớn, tủi nhục nhưng tôi không còn một chút sức lực nào để kháng cự”, chị Phương cay đắng kể lại phút giây kinh hoàng.
Sau nhiều ngày bị đánh đập, chúng nhốt chị Phương vào một buồng tối. Hàng ngày, chúng mang cơm, nước vào trong phòng nhưng chị nhất quyết không ăn, không uống. Sợ mất món hàng, rồi “xôi hỏng bỏng không” một đống tiền, lũ buôn người đã cho một người phụ nữ khác tới ngon ngọt dỗ dành chị. Chị Phương kể: “Người phụ nữ đó nói với tôi: “Thôi chấp nhận đi em ơi, đã rơi vào đây rồi em không làm gì được đâu. Em cứ lấy chồng đi rồi may mắn chồng cho tiền mà về với mẹ”. Biết mình không còn sự lựa chọn nào khác, chị Phương đành phải gạt nước mắt, gật đầu chấp nhận. Lập tức, họ đưa chị vào rừng bán cho người chồng đầu tiên - một người đàn ông Trung Quốc đã lớn tuổi.
Và từ đây, chuỗi ngày dài tủi nhục bắt đầu. Suốt 15 năm ròng, chị bị bán hết cho người này đến người khác. Sống nơi đất khách quê người, người phụ nữ bất hạnh cứ khóc mãi, khóc đến cạn nước mắt. Trong bóng tối của ngôi nhà ở giữa khu rừng hoang vắng, chị Phương thầm nghĩ: “Đến nước này, không nghe lời nó thì nó đánh mình chết thật. Mình như chiếc lá rụng xuống giữa rừng sâu, nhưng còn nước còn tát, mình phải cố sống, phải lựa thời cơ mà trốn về quê hương”, người phụ nữ bất hạnh ấy đã tự động viên bản thân mình như thế.
* Tên nhân vật đã được thay đổi