Chen chúc nhau sống trong những khu nhà ổ chuột, không hề có bất cứ biện pháp phòng chống nào, những người sống trong trại tị nạn lớn nhất thế giới lo sợ bản thân có thể chết vì COVID-19.
Trại tị nạn Kutupalong nằm ở gần thị trấn biên giới Cox's Bazar của Bangladesh, được coi là trại tị nạn lớn nhất thế giới. Đây là nơi sinh sống của của hơn 1 triệu người tị nạn Rohingya, sau khi họ tràn sang Bangladesh tránh cuộc đàn áp của quân đội ở bang Rakhine, Myanmar hồi năm 2017. Khu vực này chỉ rộng khoảng 13 km2, với mật độ dân số hơn 40.000 người/km2 đã trở thành một trong những khu vực đông dân nhất thế giới.
Chật chội, đông đúc, nghèo đói và bẩn thỉu là những gì mà người Rohingya phải chịu khi sống trong trại tị nạn Kutupalong. Người dân phải sống trong những ngôi nhà ổ chuột, không có đủ nhà vệ sinh và nước sạch, nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng và nguy cơ lây nhiễm bệnh tật lúc nào cũng thường trực. Chính vì vậy, người dân nơi đây càng lo ngại hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Một đứa trẻ chờ lấy nước sạch trong vô vọng.
Ngày 17/3, Bangladesh xác nhận có bệnh nhân đầu tiên tử vong vì COVID-19. Nếu dịch bệnh lan đến trại tị nạn Kutupalong, hơn 1 triệu người dân nơi đây chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề.
Anh Aziz Khan, 23 tuổi, một trong số những người tị nạn, chia sẻ rằng mọi người đều đang rất lo lắng và hoang mang về dịch bệnh sau khi nghe tin một trường hợp dương tính với COVID-19 được xác nhận tại thị trấn Cox’s Bazaar gần đó. Anh Aziz cho biết nơi mình sống vô cùng đông đúc và chật hẹp, là điều kiện lý tưởng để lây lan virus, vì vậy tất cả mọi người đều lo lắng về tương lai của họ.
"Điều chúng tôi cần nhất bây giờ là nước sạch và các biện pháp bảo vệ y tế", anh Aziz nói.
Những người sống trong trại tị nạn Kutupalong luôn phải đối mặt với sự chật chội và đói nghèo, nay lại thêm nỗi lo dịch bệnh.
Anh Amjad Parvez, một nhân viên cứu trợ của tổ chức từ thiện Restless Beings, hiện đang cung cấp nước sạch, xà phòng và khẩu trang cho trại tị nạn. Anh Amjad nói rằng người Rohingya ở đây luôn thường trực nỗi lo sợ nơi này sẽ biến thành một nơi chết chóc. "Chúng tôi gần như không có khẩu trang để đeo. Người dân ở đây cần được cung cấp khẩu trang, thuốc khử trùng và găng tay", anh Amjad chia sẻ.
Anh Mabrur Ahmed, giám đốc của tổ chức từ thiện trên, cho biết: "Ở đây họ không giữ khoảng cách, điều đó rất khó. Có hơn 1 triệu người sống gần nhau trong những túp lều tre. Không có đặc quyền của sự cách ly. Chính quyền Bangladesh đã tắt internet và đột ngột giới nghiêm, không có bất cứ sự chuẩn bị nào cho người tị nạn. Không có internet, không có TV, mọi người đều dựa vào giao tiếp truyền miệng. Họ cũng phải sử dụng nguồn nước chung. Nếu virus xuất hiện, hàng trăm nghìn người có thể sẽ chết. Chỉ có duy nhất một cơ sở y tế tại khu vực này nhưng không có thiết bị để xét nghiệm".
Anh Mabrur Ahmed cũng nói thêm rằng có 3 vấn đề nghiêm trọng nhất tại trại tị nạn này là: Thiếu sự bảo vệ cho con người, không có cơ sở y tế và thực phẩm khan hiếm.
Một số tổ chức từ thiện đã cung cấp nước sạch cho nơi đây nhưng chưa đủ.
Chris Norman, giám đốc của Tổ chức Cứu trợ và Phát triển Đối tác Vương quốc Anh, một tổ chức từ thiện hoạt động trong các khu vực xung đột và đã hỗ trợ người tị nạn Rohingya, cho biết trại tị nạn Kutupalong quá đông và chẳng khác nào một quả bom hẹn giờ. Anh Chris nói thêm: "Theo hướng dẫn của Liên Hợp Quốc, các trại tị nạn được xây dựng với tối thiểu 45 m2 một người. Nhưng tại đây, mỗi người chỉ có khoảng 10 m2".
Anh Chris cho biết thêm rằng trại tị nạn này được xây dựng trên sườn đồi với những ngôi nhà làm bằng tre nứa. Các bệnh nhiễm trùng như bệnh tả và một số bệnh khác như lao và viêm phổi vốn đã xuất hiện tại đây. Do đó, nếu COVID-19 xuất hiện, nó sẽ lây lan nhanh như cháy rừng và không thể kiểm soát được số người chết.
Tổ chức từ thiện của Chris Norman vẫn đang cố gắng cung cấp xà phòng và tuyên truyền, khuyến khích người dân vệ sinh thân thể. Tuy nhiên, họ vẫn cần kêu gọi tài trợ thêm xà phòng, nước sạch, thực phẩm và hõ trợ thêm nhân viên y tế.
Việc cách ly xã hội gần như không thể thực hiện được tại một nơi đông đúc như Kutupalong.
Hiện tại, hơn 2.000 tình nguyện viên đang làm việc với những người đứng đầu cộng đồng và tôn giáo tại trại tị nạn để tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Họ sử dụng nhiều biện pháp như loa phát thanh, video, phát áp phích và tờ rơi bằng cả tiếng Rohingya, tiếng Myanmar lẫn tiếng Bengal.
Mặc dù hiện tại, chưa có trường hợp nhiễm COVID-19 nào được phát hiện tại trại tị nạn Kutupalong nhưng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc đã chỉ thị cho các nhà quản lý trại giữ các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong khu vực cách ly tạm thời cho đến khi họ được chuyển đến các đơn vị cách ly được chỉ định đặc biệt.