"Nó làm sai thì nó phải chịu tội. Nhưng tôi cũng vẫn mong gia đình nạn nhân xấu số và mọi người tha thứ cho con tôi”, bà Trần Thị Nguyệt - mẹ bác sĩ Tường rưng rưng nói.
“Chưa đêm nào tôi ngủ được”
Đã gần nửa năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường – chủ cơ sở thẩm mĩ Cát Tường ném xác nạn nhân là chị Lê Thị Thanh Huyền (khách hàng bị tử vong trong quá trình phẫu thuật thẩm mĩ) xuống sông nhằm phi tang, cũng là thời gian mà bà Trần Thị Nguyệt (73 tuổi) mẹ của bác sĩ Tường không đêm nào được yên giấc, bà phải sống trong nỗi lo lắng, sự dằn vặt và khổ tâm bởi những hậu quả từ việc làm của đứa con trai duy nhất của mình gây ra.
Cũng sau nửa năm, chúng tôi – những người viết bài đã về gặp bà từ những ngày đầu xảy ra vụ việc – mới gặp lại bà. 6 tháng qua, như lời bà nói, là quãng thời gian bà phải chịu “cực hình” bởi những áp lực từ dư luận.
Nửa năm qua, bà Trần Thị Nguyệt (73 tuổi) mẹ của bác sĩ Tường không đêm nào được yên giấc
“Tôi buồn lắm các chú ạ. Giờ có nói nữa cũng thế thôi, người ta đã nói nhiều lắm rồi. Nửa năm qua chưa khi nào tôi ngủ yên, đêm nào cũng thấp thỏm và lo âu, nhiều đêm gặp ác mộng. Đêm thì tôi mơ thấy thằng Tường, có đêm thì tôi lại mơ thấy ông nhà tôi về, tỉnh dậy mới biết là mình mơ, gối còn đẫm nước mắt. Đúng là con dại cái mang, tôi không ngờ cả đời tần tảo nuôi con khôn lớn, những tưởng con trưởng thành thì niềm vui trọn vẹn thì đến những ngày tháng cuối đời tôi lại phải khổ tâm vì nó…”, bà Nguyệt vừa nói vừa lấy vạt áo lau nước mắt.
Về phiên tòa sơ thẩm xét xử bác sĩ Tường sắp diễn ra, bà Nguyệt cho biết: “Tôi cũng đã được người ta thông báo về thời gian và địa điểm sẽ diễn ra phiên tòa. Tôi không biết nói gì cả, con tôi nó dại dột, nó đã gây ra tội thì tự nó phải chịu những hình phạt của pháp luật thôi. Tôi là mẹ nó, tôi đau lòng lắm, nhiều lúc tôi nghĩ giá như tôi có thể đi tù hay chết thay cho nó để nó có thể làm lại cuộc đời từ đầu… Nhưng mà cũng đành bất lực”.
“Từ khi vụ việc xảy ra, tôi không dám đọc báo, nghe đài hay xem ti vi nữa, cứ mỗi lần nghe người ta nói đến thằng Tường là tôi lại thấy đau và sợ. Tôi đau vì tôi là mẹ nó, tôi sợ vì lại phải nghe về tội ác của con mình gây ra. Đến hôm có người bảo với tôi là có thông tin thằng Tường không bị xử tội chết, chỉ bị án tù, nhưng tôi cũng không nhẹ nhõm đi được bao nhiêu. Bên gia đình nạn nhân, họ mất con thì họ có quyền kêu gọi đòi được thực thi công lý, tôi hiểu tâm trạng của họ lắm chứ, họ có nỗi đau mà, họ có quyền làm điều đó, cũng như tôi cũng có nỗi đau về con mình vậy. Tôi mong con tôi sẽ được pháp luật khoan hồng để nó được làm lại cuộc đời từ đầu, mất nó có lẽ tôi không sống nổi nữa…”, bà Nguyệt nghẹn ngào.
Theo lời bà Nguyệt, từ khi xảy ra vụ việc đến nay bà cũng đã nhiều lần gọi điện và trực tiếp đến thăm gia đình nhà chị Lê Thị Thanh Huyền và xin lỗi gia đình, chia sẻ với nỗi đau mất mát người thân và mong gia đình thông cảm, tha thứ cho tội lỗi do con trai bà gây ra.
“Tôi chỉ có thể chia sẻ nỗi đau và mong gia đình chị Huyền tha thứ cho con trai tôi thôi chứ tôi đâu có quyền đòi hỏi gì hơn nữa, tôi hiểu gia đình họ cũng rất đau đớn mà. Cũng đều là cha mẹ, tôi hiểu tâm trạng của gia đình họ chứ. Nếu là tôi thì tôi cũng sẽ làm như họ thôi”, bà Nguyệt nói.
Hoàn cảnh gia đình éo le
Theo bà Nguyệt, sau khi sự việc xảy ra, bà cũng chỉ mới lên Hà Nội được một lần, đó là lần đến viếng chị Huyền và xin lỗi gia đình vì do hoàn cảnh gia đình, bà không thể đi được. Phiên tòa sơ thẩm sắp tới bà sẽ cố gắng thu xếp để đến.
“Tôi già yếu rồi, lại phải chăm sóc mấy đứa nhỏ nữa, thành ra cũng không mấy khi đi ra khỏi nhà”, bà Nguyệt phân trần. Rồi chỉ vào 3 người con gái đang ngồi ngơ ngác ở góc nhà bà ngậm ngùi: “Cái số tôi với nhà tôi khổ lắm các chú ạ, không hiểu kiếp trước mình có làm gì nên tội mà kiếp này ông trời bắt phải chịu tội thế. Ba đứa nó đều là em gái thằng Tường đấy, nhưng mà đều bị nhiễm chất độc màu da cam nên ngơ ngác không biết gì, sống gần như thực vật. Mấy chục năm nay tôi và ông nhà tôi đều phải thay nhau chăm sóc cho chúng từ việc bón cơm đế thay quần áo vì ba đứa con tôi không tự làm được. Ông nhà tôi mất đã hơn chục năm nay rồi, giờ một mình tôi làm”.
Ngôi nhà của bà Trần Thị Nguyệt (73 tuổi)
“Ông nhà tôi đi bộ đội bị nhiễm chất độc màu da cam trong kháng chiến chống Mỹ. Thằng Tường được sinh ra là kết quả sau một lần ông về nghỉ phép năm 1974, khi đó ông chưa bị nhiễm độc. Sau này, khi đất nước thống nhất, chồng tôi trở về thì ông đã bị nhiễm chất độc da cam rồi. Liên tiếp mấy năm sau đó, 3 đứa con tôi sinh ra đều là nữ và chúng đều bị tật nguyền do di chứng từ chất độc để lại. Cả nhà đặt tất cả niềm hi vọng vào thằng Tường, vậy mà...”, giọng bà Nguyệt run run.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Công Bản – Chủ tịch UBND xã Nhân Khang (Lý Nhân, Hà Nam) – quê của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, cho biết: “Gia đình bà Nguyệt có 4 người con, trong đó có anh Nguyễn Mạnh Tường là con cả và cũng là con trai duy nhất không bị nhiễm chất độc màu da cam. Sau anh Tường còn có 3 người em gái nữa, nhưng cả 3 đều bị nhiễm chất độc màu da cam.
Từ trước đến nay, gia đình nhà bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường được đánh giá là gia đình có công với cách mạng, bố anh Tường là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, ông bị nhiễm chất độc màu da cam. Chú anh Tường là liệt sĩ Nguyễn Vũ Phát, sinh năm 1947, hi sinh năm 1966 ở mặt trận Quảng Bình”.
“Bản thân anh Tường cũng được bà con làng xóm cũng quý mến. Trước, mỗi khi khuyên răn con, chúng tôi còn vẫn thường bảo với con mình rằng: “Đấy, phải nhìn gương học tập và vượt khó của anh Tường kia mà học theo kìa”. Vậy mà có ai ngờ đâu trong giây phút quẫn trí, bác sĩ Tường lại làm điều dại dột thế”, ông Bản nói.
Tóm tắt vụ việc: Chiều 22.10, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội đủ căn cứ bắt khẩn cấp Nguyễn Mạnh Tường, (SN 1973, ở tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), là bác sĩ, chủ Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường về hành vi giết người. Nạn nhân là chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, ở 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trước đó, ngày 18.10, chị Huyền đến Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường (ở 45 đường Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực. Chị Huyền đã đặt cọc tại đây 50 triệu đồng, được các nhân viên hẹn 11h ngày 19.10 đến làm phẫu thuật. Đến khoảng 16h thì xong quá trình phẫu thuật. Nhưng đến khoảng 17h45, chị Huyền có biểu hiện sùi bọt mép, mặt tím tái, khó bắt mạch. Bác sĩ Tường có tiêm thuốc trợ tim nhưng nạn nhân đã chết lâm sàng. Phát hiện vụ việc, thay vì khai báo với cơ quan chức năng, Bác sỹ Tường cùng bảo vệ đã chở xác nạn nhân lên cầu Vĩnh Tuy và vứt xuống sông Hồng. Kể từ ngày chị Huyền mất tích đến nay, dù gia đình và các cơ quan, tổ chức và nhiều người có tâm... cố gắng tìm kiếm thi thể chị nhưng vẫn không một chút manh mối. Xem thông tin về Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người tại Eva.vn |