Mặc dù biết rõ chồng mang thi thể khách hàng ném xuống sông Hồng nhằm phi tang nhưng bà Nguyễn Thị Hằng (vợ chủ cơ sở TMV Cát Tường) vẫn không trình báo các cơ quan chức năng. Nhiều ý kiến cho rằng, VKSND Hà Nội không truy cứu trách nhiệm hình sự bà Hằng là bỏ lọt tội.
VKSND Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng, truy tố các bị can trong vụ án xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội). Theo đó, Nguyễn Mạnh Tường- Chủ cơ sở TMV Cát Tường bị truy tố về hai tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác". Bị can Đào Quang Khánh- nhân viên bảo vệ tại TMV Cát Tường bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và tội “Trộm cắp tài sản".
Đáng chú ý, trong cáo trạng, VKS xác định, vợ bị can Tường là bà Nguyễn Thị Hằng biết chị Huyền tử vong tại Thẩm mỹ viện Cát Tường. Thậm chí, bà Hằng còn theo chân chồng trong quá trình đưa thi thể nạn nhân ra cầu Thanh Trì rồi ném xuống sông Hồng để phi tang. Cùng với bà Hằng, cơ quan chức năng cũng xác định một số nhân viên của cơ sở TMV Cát Tường biết hoặc có tham gia phụ giúp bị can Tường phẫu thuật thẩm mỹ và đã gây nên cái chết của chị Huyền. Tuy nhiên, VKS đã không đề cập xử lý hình sự những người này về các hành vi che giấu, không tố giác tội phạm.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng trao đổi với phóng viên
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng VKSND Hà Nội đã bỏ lọt tội phạm khi không truy tố bà Hằng và các nhân viên TMV Cát Tường. Thậm chí, nhiều người còn liên tưởng tới vụ án Lê Văn Luyện xảy ra 3 năm trước tại Bắc Giang. Trong vụ án đó, sau khi xuống tay thảm sát gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích, Luyện sau đó về nhà và kể lại sự việc cho bố ruột hung thủ. Ông bố không những không tố giác mà còn giúp Luyện giấu vàng rồi bao che cho con bỏ trốn khỏi địa phương. Vụ án này, ngoài bố ruột của Luyện, 5 bị can khác cũng phải ra trước vành móng ngựa, bị xử lý vì các tội danh "Che giấu tội phạm" theo Điều 313 (BLHS) hoặc "Không tố giác tội phạm" theo Điều 314 (BLHS).
Trở lại vụ án xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, rõ ràng, khi chị Huyện tử vong tại đây vào chiều ngày 19/10 đã có nhiều người biết. Tuy nhiên, đã không ai báo sự việc tới cơ quan chức năng. Phải tới 4 ngày sau đó, tức ngày 22/10, sự việc mới được phát giác khi chồng nạn nhân phát hiện hóa đơn thanh toán trước tiền phẫu thuật và báo sự việc tới cơ quan công an.
Chính vì vậy, khi bản cáo trạng được VKS đưa ra, nhiều độc giả thắc mắc rằng: Tại sao bà Nguyễn Thị Hằng cùng một số nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường không bị xử lý, đặc biệt là về các tội danh "Che giấu tội phạm" và "Không tố giác tội phạm"?
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Theo luật sư Thắng, việc cơ quan chức năng không xử lý đối với những người nói trên là có cơ sở. Bởi lẽ, “Tội che giấu tội phạm” và “Tội không tố giác tội phạm” được quy định tại Điều 313 và 314 Bộ luật hình sự thông thường chỉ áp dụng cho những hành vi che giấu, không tố giác tội phạm được thực hiện với cấp độ “rất nghiêm trọng” mà khung hình phạt cao nhất của Tội danh đến 15 năm tù hoặc các tội “đặc biệt nghiêm trọng” có khung hình phạt tù cao nhất trên 15 năm, chung thân hoặc tử hình.
Nguyễn Mạnh Tường tại CQĐT
Vụ án Lê Văn Luyện phạm tội giết người, cướp tài sản hoàn toàn khác hẳn vụ án TMV Cát Tường. Trong vụ án này Luyện đã bị khởi tố, truy tố về 2 tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là "Giết người" và "Cướp tài sản". Do đó, những người che giấu, không tố giác hành vi của Luyện phải bị xử lý trách nhiệm hình sự, kể cả bố đẻ, mẹ đẻ.
Đối với vụ án xảy ra tại TMV Cát Tường, Cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ pháp luật khi không khởi tố bị can đối với những người biết hành vi phạm tội của Tường và Khánh mà không tố giác, khai báo. VKSND có cáo trạng đề nghị truy tố ra Tòa án để xét xử đối với Nguyễn Mạnh Tường về 2 tội danh “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" là 2 tội danh không thuộc các tội phạm rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng nên việc bà Hằng và những nhân viên của TMV Cát Tường không bị khởi tố theo Điều 313 Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp luật.
"Đối với bà Nguyễn Thị Hằng, mặc dù bà này có biết việc chị Huyền bị tử vong và chồng bà đưa xác đi ném xuống sông phi tang. Tuy nhiên, cáo trạng vụ án thể hiện là bà đã nhiều lần khuyên can chồng không được làm điều đó. Ngoài ra, Điều 314 Bộ luật hình sự quy định: “Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều 314”. Bởi vậy, việc cơ quan chức năng xác định bà Hằng không phạm tội là hoàn toàn có cơ sở"- Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho biết.
Giả sử, khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra tìm thấy thi thể chị Huyền và có đủ cơ sở để ra quyết định khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự. Trường hợp này, bà Hằng và những người liên quan cũng sẽ bị khởi tố, về hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm. "Như tôi đã phân tích ở trên, trong quá trình truy tố, xét xử và thi hành án sau này, nếu cơ quan tố tụng phát hiện có căn cứ để khởi tố Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường về những tội phạm được quy định tại Điều 313 BLHS thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự của những người liên quan"- luật sư Thắng nhấn mạnh.