Để ứng phó với thời tiết nồm ẩm, nhiều gia đình chọn ra hiệu giặt là, vì thế đây chính là thời gian “hốt bạc” của nhiều chủ tiệm, thậm chí họ hoạt động hết công suất đến 1-2 giờ sáng.
Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung đang trải qua những ngày nồm ẩm cao điểm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Theo đó, rất nhiều người dân sống ở các khu tập thể, nhà mặt đất phải hứng chịu cảnh quần áo hôi ẩm, nhà đổ mồ hôi… trong suốt những ngày vừa qua.
Chị Thu Thảo (ở khu tập thể Thành Công, Hà Nội) cho biết, tính đến nay gia đình chị phơi quần áo đến ngày thứ 3 nhưng vẫn chưa khô. Thậm chí, một số loại quần áo dài như quần bò, áo len dù đã vắt đi vắt lại bằng máy 2 lần nhưng khi đưa lên giàn phơi đến hôm nay vẫn còn ẩm.
Thời tiết nồm ẩm là nỗi sợ kinh hoàng của nhiều gia đình, nhất là việc quần áo phơi mãi không khô.
Chung cảnh nồm ẩm, bà Loan (ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cũng chia sẻ, do cháu nhỏ học lớp 2 rất hiếu động, trời thì mưa ướt nên hôm nào về quần áo cũng lấm lem, phải giặt ngay chứ không mặc lại được. Trong khi quần áo giặt nhiều ngày không khô mà cứ ẩm ướt, nên bố mẹ cháu phải “chữa cháy” bằng cách mua thêm quần áo mới cho con, đồng thời khẩn cấp đi giặt khô quần áo ở ngoài hiệu.
Theo bà Loan và chị Thảo, kể cả trường hợp quần áo có khô sau 3-4 ngày bị ẩm như vậy mặc cũng rất hôi hám, thậm chí là bị nấm mốc, ảnh hưởng đến sức khỏe. “Chúng tôi ở tập thể chẳng có tiền mua máy sấy, mà mua về dùng vài ngày cũng tiếc nên đành gom chung quần áo của cả nhà trong 2 ngày rồi đưa ra tiệm giặt một lượt. Mong những ngày nồm ẩm sớm qua đi”, bà Loan chia sẻ.
Nhiều gia đình chấp nhận đi giặt sấy thuê để có quần áo sử dụng trong những ngày nồm ẩm.
Ghi nhận tại các cửa hàng giặt là, sấy khô trên địa bàn Hà Nội trong những ngày này, lượng quần áo người dân mang đến thuê giặt luôn trong tình trạng quá tải, chật kín cả phòng giặt. Các máy móc luôn trong tình trạng chạy hết công suất, còn chủ cửa hàng cũng làm việc thâu đêm. Bù lại, kinh phí thu về gấp nhiều lần so với những ngày không nồm ẩm.
Tại tiệm giặt là Hương Nết (Cầu Giấy, Hà Nội), số lượng hàng khách mang đến giặt trong những ngày nồm tăng hơn gấp 2 lần, do số lượng máy có hạn, nhân công không nhiều nên cửa hàng này chỉ nhận đủ giặt, không dám nhận nhiều vì sợ làm không kịp trả khách. Chị Hương cho biết dù số lượng hàng nhiều, nhu cầu người dân lớn nhưng giá cả chị vẫn giữ nguyên như ngày thường, 11.000 đồng/kg. Được biết, mức giá này khá rẻ so với những tiệm giặt là khác ở cùng khu vực quanh địa bàn Hà Nội. Cụ thể, theo ghi nhận tại một số cơ sở khác, giá giặt và sấy khô hiện đang là 15.000-20.000 đồng/kg tùy độ dày mỏng khác nhau.
Cửa hàng giặt là của chị Hương chật kín quần áo nhận của khách trong những ngày này.
Trong những ngày nồm ẩm này, chị Hương cho rằng mọi người có thể khắc phục bằng cách phơi quần áo ở trong nhà (nếu nhà có máy hút ẩm) sẽ nhanh khô hơn. Hoặc nếu có điều kiện thì nên sắm một chiếc máy sấy quần áo để dùng không chỉ đợt nồm ẩm, mà còn dùng suốt trong năm. Còn việc ra hiệu giặt là chỉ là giải pháp tạm thời.
Chị Vân vận hành hết công suất tất cả các máy, làm việc đến 1-2h sáng vẫn chưa hết việc.
Chị Vân vận hành hết công suất tất cả các máy, làm việc đến 1-2h sáng vẫn chưa hết việc.
Video: Dàn máy sấy giặt tại cơ sở nhà chị Vân ở Yên Hòa (Cầu Giấy) luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất
Tại cơ sở giặt là ở 96 Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Vân đang vận hành hết công suất 14 chiếc máy giặt, sấy to nhỏ khác nhau. Ngay dưới sàn nhà và trên các kệ để đồ tại cơ sở này cũng không còn một chỗ trống. “Tất cả hàng để trên bàn và dưới nền là đồ chưa giặt, tôi mới nhận của khách hàng. Còn trên kệ, các túi đã ghi phiếu kèm giá tiền là đồ đã được giặt sạch sẽ, thơm tho”, chị Vân chia sẻ và chỉ vào các túi quần áo.
Theo chị Vân, số lượng quần áo như vậy là còn ít, 2 ngày trước đó cửa tiệm còn không có chỗ để vì quá nhiều người gửi đồ để sấy giặt. Bà chủ cửa tiệm cho biết, nếu nhìn qua cứ nghĩ máy chạy là nhanh, nhưng thực tế làm công việc này cũng rất vất vả. Bởi ngoài việc không được giặt chung đồ giữa các gia đình thì còn phải phân loại quần áo trắng giặt riêng, quần áo màu giặt riêng nên mất nhiều thời gian.
Số quần áo đã giặt xong cũng chất cao như núi, hết cả chỗ để trong những ngày Hà Nội nồm ẩm.
“Lượng quần áo ngày nồm ẩm gấp nhiều lần so với ngày trước đó. Thời gian làm việc của tôi từ 6h sáng cho đến 1-2 giờ sáng ngày hôm sau mà vẫn chưa hết việc”, chị Vân tâm sự. Thời gian làm việc nhiều, thu nhập chắc chắn cũng sẽ nhiều hơn. Hiện chị Vân đang sấy giặt với giá: đồ mùa hè 12.000 đồng/kg; đồ mùa đông 15.000 đồng/kg. Trong những ngày nồm ẩm, chị Vân thu về khoảng 4-5 triệu đồng/ngày. Trong khi những ngày bình thường cao nhất chỉ 2 triệu.
Dù có thu nhập cao nhưng chị Vân mong muốn nồm ẩm nhanh chấm dứt. Bởi với chị tiền kiếm cả đời, nhưng nồm ẩm làm đảo lộn sinh hoạt của nhiều người, chưa kể trẻ nhỏ, người già rất dễ bị ốm, phải đi viện.