Dù có ngôi nhà “cao nhất xóm” nhưng diện tích lại thuộc loại “tý hon”, chính điều này khiến bà Tuyết cùng các thành viên trong gia đình sinh hoạt vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa hè. Hơn thế nữa, câu chuyện phía sau trong căn nhà ấy lại càng khiến mọi người đau xót, thương cảm.
Ngôi nhà 4 mét vuông không đủ chỗ ăn cơm chung, đi vệ sinh phải chờ tới lượt
Trưa đầu mùa Hạ, Hà Nội nắng như đổ lửa, có lúc nhiệt độ lên đến 40 độ C. Thời điểm đó, mọi người đều tất bật về nhà nghỉ ngơi, tránh nắng, còn bà Phạm Thị Tuyết (70 tuổi) lại lê từng bước chân nặng nhọc từ cầu thang xuống tầng một để tránh nóng. Bà nói rằng: “Mang tiếng nhà cao nhất ngõ mà mùa hè thì nóng không chịu nổi, mùa mưa dột ướt, mùa đông lạnh thấu xương”.
Quả thật! Nhà bà Tuyết cao nhất trong khu tập thể ở ngõ 241 Đê La Thành (Hà Nội) khi có những 4 tầng. Thế nhưng, diện tích thì chỉ vọn vẹn 4 mét vuông. Duy chỉ có tầng một được bao phía ngoài bằng tường vôi cũ kỹ. Các tầng trên chỉ được hàn gắn bằng những miếng tôn mỏng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Cầu thang gỗ bên trong để kết nối các tầng được dựng thẳng đứng, ọp ẹp, khiến các thành viên mỗi lần di chuyển đều phải cúi khom người, bước nhẹ nhất có thể để phòng bị gãy.
Nắng nóng, bà Tuyết không thể "cố thủ" được trên phòng mà phải xuống tầng một cho mát.
Dù chỉ có 4 mét vuông nhưng đây lại là nơi một gia đình 3 thế hệ đang sinh sống. Trong đó, tầng 1 là khu sinh hoạt chung với cửa hàng tạp hóa, bếp và phòng tắm. Tầng 2 trở lên là phòng ngủ của các thành viên trong gia đình. Tận mắt chứng kiến cách sắp xếp chỗ ở, sinh hoạt nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu họ sẽ sinh hoạt ra sao, nhất là vào giờ cao điểm. Như đoán được thắc mắc của mọi người, bà Tuyết phân trần: “Cơm nấu chung nhưng mỗi người ăn một bát vì không có chỗ dọn mâm. Khu vệ sinh có lúc mọi người phải xếp hàng chờ tới lượt. Bí bách quá thì sang nhà vệ sinh công cộng”. Vừa nói, bà vừa chỉ tay sang nhà vệ sinh công cộng của cả khu tập thể cách đó chỉ tầm chục mét.
Khu bếp và nhà tắm ở tầng 1 chỉ 4 mét vuông, trong khi mọi sinh hoạt chung đều diễn ra tại đây.
Quán tạp hóa nuôi cả gia đình sau hàng loạt biến cố ập đến
Bà Tuyết vốn là giảng viên đại học nhưng phải xin về hưu sớm để lo cho gia đình. Bao năm qua gia đình bà sống nhờ vào vài triệu tiền lương hưu và quán tạp hóa nhỏ ở tầng một ngôi nhà. Nói là quán nhưng chẳng hề có kệ hay tủ đựng đồ. Hàng là những túi bim bim, vài bao thuốc, áo mưa… được treo khắp tường, chân cầu thang và cả cánh cửa. Khách đến mua cũng chỉ là người quen trong khu tập thể, đa số họ mua để ủng hộ gia đình bà Tuyết, để bà cháu có đồng rau, đồng cháo qua ngày.
Hàng hóa bà Tuyết xếp dọc cầu thang, cánh cửa và cả cổng ra vào.
Hướng mắt nhìn xa xăm, bà Tuyết kể rằng trước đây gia đình bà cũng thuộc hạng “số má”, khi bà thì làm giảng viên đại học, chồng là bộ đội phục viên về làm nghề lái xe. Hai vợ chồng có nhà Hà Nội, hai con một trai, một gái học giỏi, chăm ngoan.
Tai họa bắt đầu ập đến gia đình bà cách đây hơn 20 năm trước. Khi đó chồng bà làm nghề lái xe, trong một lần chở tôn chồng bà phanh gấp khiến tôn trên xe rơi xuống đè trúng 6 người, khiến họ bị thương. 4 người bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu 1 tuần, sau đó ông bà đón về nhà riêng chăm sóc suốt 3 tháng trời. 2 người bị thương nhẹ hơn chấp nhận số tiền đền bù.
Để có tiền nuôi những người gặp nạn và trang trải cuộc sống sau đó, hai vợ chồng bà quyết định bán đi ngôi nhà 70 mét vuông cả gia đình đang ở. Bán nhà, cả gia đình bơ vơ nên đành quay về nương tựa bố mẹ già. Thương con cháu, bố mẹ chồng bà Tuyết quyết định cắt khu bếp rộng 4 mét vuông để gia đình 4 người làm nơi trú ngụ. Kể từ đó đến nay đã hơn 20 năm gia đình bà sinh sống tại đây. “Để có đủ chỗ ở chúng tôi đã cải tạo thành ngôi nhà 4 tầng như hiện tại”, bà Tuyết nói.
Bà Tuyết nghĩ rằng có lẽ điều kiện ở chật chội khiến con dâu bà bỏ lại 2 con nhỏ ra đi biệt tích.
Sau khi có chỗ ở mini, con cái cũng lớn dần và dựng vợ, gả chồng. Con trai bà Tuyết tên Nguyễn Dương Nam (hiện 40 tuổi) kết hôn khi mới ngoài 20 tuổi. Năm 2005, vợ chồng anh Nam sinh một bé trai tên Nguyễn Trung Hiếu và năm 2007 sinh một bé gái tên Nguyễn Thị Huyền Trang. Hiện con trai và 2 cháu nội đều đang ở cùng bà trong ngôi nhà 4 tầng ọp ẹp.
Con trai bà Tuyết lấy vợ, sinh con được vài năm thì sự cố tiếp tục xảy ra. “Hôm đó, mẹ hai đứa trẻ nói rằng cho con về ngoại chơi nhưng không ngờ lại bỏ đi biệt tích. Cả gia đình ngược xuôi tìm kiếm nhưng không thấy. Sau một thời gian mới nhận được tin các cháu đang ở trong nam. Khi đó, mình tôi lặn lội vào nam đón 2 cháu về nhà, còn mẹ cháu vẫn bặt vô âm tín”, bà Tuyết kể.
Đến năm 2013, con dâu bà Tuyết liên lạc về với gia đình, mong đón một cháu đi để chăm sóc. Ban đầu bà Tuyết không muốn, nhưng nghĩ thương cháu thiếu tình cảm của mẹ nên đành đồng ý. Thế nhưng chưa đầy một năm sau, người phụ nữ đưa con cho bố mẹ đẻ rồi bỏ đi. Ông bà ngoại sau đó lại đưa con về Hà Nội, giao trả lại cho ông bà nội chăm sóc từ đó đến nay.
“Có lẽ vì điều kiện sống khó khăn nên con dâu không chịu được. Giờ đây chúng tôi cũng không biết cô ấy ở đâu, làm gì. Nhiều lúc muốn liên lạc để về giải quyết dứt điểm thủ tục ly hôn mà không được”, bà Tuyết nói.
Người phụ nữ 2 tay nắm chặt vào nhau, mắt nhìn xa xăm khi nghĩ đến tương lai của cả gia đình.
Mong ước nhỏ nhoi của người phụ nữ tuổi xế chiều
Khi hai cháu ổn định việc học hành, hai vợ chồng bà Tuyết cùng con trai cố gắng chắt chịu từng đồng để lo tương lai hai đứa trẻ. Thế nhưng, khó khăn vẫn chưa dừng lại, mọi điều bất hạnh tiếp tục ập lên đầu cựu nữ giảng viên đại học.
Năm 2014, con trai bà Tuyết khi đang làm nghề lái xe thì bị tai biến và mất khả năng lao động từ đó đến nay. Từ trụ cột gia đình giờ thành người ăn bám, anh Nguyễn Dương Nam mặc cảm với bản thân, tự ti với mọi người, hiện chỉ sống khép mình trong căn phòng tối ở tầng 3 ngôi nhà.
Cuộc sống khó khăn, vợ chồng bà Tuyết thay nhau làm việc nuôi con trai và hai đứa cháu thơ dại. Trong nghịch cảnh, bà vẫn luôn lạc quan, gom nhặt niềm vui từ tiếng cười hồn nhiên của hai đứa cháu và những lời động viên của những người hàng xóm mỗi khi đến mua hàng.
Chiếc cầu thang dựng đứng và ọp ẹp khiến bà Tuyến đi lại vô cùng khó khăn khi tuổi đã xế chiều.
Đến năm 2019, chồng bà Tuyết phát hiện ung thư phổi, bệnh tiến triển nhanh lại trùng đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Hà Nội. Năm 2020, ông qua đời. Kể từ đó đến nay mọi gánh nặng dồn lên đôi vai người vợ, người mẹ, người bà lam lũ. “Cuộc đời tôi đúng là bảy nổi, ba chìm. Hồi trẻ ai cũng nói tôi sướng nhất. Vậy mà hậu vận lại gánh đủ các vai từ người giúp việc cho đến ông bà, rồi nhận luôn cả vai bố mẹ của hai đứa trẻ", bà Tuyết vừa nói, vừa cố kìm nén giọt nước mắt.
Dù khó khăn, bệnh tật tuổi già nhưng bà Tuyết vẫn không nề hà bất kể công việc gì. Bà cố gắng làm mọi việc chỉ mong các cháu có nhiều thời gian học tập và nghỉ ngơi. Bà hiểu những áp lực sau giờ học, những tủi thân, nhọc nhằn của hai đứa trẻ thiếu vắng tình yêu, sự quan tâm của bố mẹ.
Hai cháu nội của bà cũng rất hiểu chuyện, luôn nghe lời bà và cố gắng học tập. “Cháu trai lớn năm nay thi đại học, tôi hướng cháu thi vào trường Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia) nơi tôi từng công tác. Bởi nhiều học trò của tôi khi biết hoàn cảnh họ nói sẽ hỗ trợ được phần nào. Còn cháu gái năm nay học lớp 10, cháu tự nguyện vào học trường nghề, để vừa được học văn hóa, vừa được học nghề ra trường có thể đi làm được luôn”, bà Tuyết kể.
Bà Tuyết ngồi soạn lại những bộ quần áo còn tốt của hàng xóm cho để cháu mặc lại, tiết kiệm chi phí mua sắm.
Cách đây 2 năm, ước mơ lớn nhất của bà Tuyết đó là hai cháu được tổ chức một buổi sinh nhật đúng nghĩa. Bởi từ trước đến giờ cháu chưa từng được tổ chức, mà chỉ đi dự sinh nhật của bạn bè. Vào tháng 10/2021, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi Chương trình Điều ước thứ 7 đã bí mật tổ chức sinh nhật cho hai cháu. Nói điều ước trong buổi tiệc sinh nhật, các cháu bà Tuyết ngoài mong bà thật mạnh khỏe thì còn ước sẽ chạm được tay vào ước mơ đại học, để sau này có việc làm, kiếm tiền chuyển chỗ ở mới cho bà và bố.
Còn bà Tuyết, khi ước mơ tổ chức sinh nhật cho các cháu đã trở thành hiện thực, bà lại mong mình được khỏe để ở gần và chăm lo cho con cháu lâu hơn. “Khi các cháu lớn hơn, tự lo được cuộc sống, lúc đó tôi có ra đi thì cũng không có gì hối tiếc, ân hận”, bà Tuyết nói.
Đại diện chính quyền địa phương cho biết, gia đình bà Tuyết thuộc diện khó khăn của phường Ô Chợ Dừa. Cụ thể, con trai bà Tuyết là Nguyễn Dương Nam đang hưởng chế độ hộ cận nghèo, trong các dịp lễ tết luôn được hỗ trợ theo quy định. Các con của anh Nam khi đi học cũng được hưởng chế độ theo quy định hiện hành. Đồng thời, các cháu cũng nhận được sự quan tâm, nhiều sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm.