Giúp việc gắn bó cả đời cùng gia đình đại gia giàu nhất nhì phố cổ một thời, khi mất gia chủ lập ban thờ như người thân

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 20/03/2023 06:16 AM (GMT+7)

Cả đời làm giúp việc cho gia đình đại gia ở Hà Thành, khi già yếu được con cháu đón về nhưng vài tháng lại về nhà chủ và rồi đến khi mất được chủ nhà lập ban thờ thắp hương tại gia đình.

Trong xã hội hiện đại, giúp việc được coi là một nghề và những người đi làm cũng chỉ mong kiếm được đồng tiền về lo cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, có những người giúp việc lại mong muốn cả đời gắn bó với chủ nhà, thậm chí khi tuổi cao gia đình lên đón về quê nhưng vì nhớ chủ nhà họ lại xin đến ở. Chính cách sống tình nghĩa như vậy, khi mất đi họ được gia chủ lập di ảnh, thờ tự ngay tại gia đình. Câu chuyện này tưởng chừng chỉ có trên phim ảnh hay chuyện cổ tích, thế nhưng nó lại diễn ra ở giữa Hà Nội, trong một gia đình từng giàu có nhất nhì phố cổ một thời.

Trong ngôi nhà rộng hàng trăm mét vuông ở Hàng Bè (Hà Nội), bà Lê Thanh Thủy (68 tuổi, chủ nhà) hàng tháng cứ đến ngày Rằm, mùng Một, ngoài ban thờ gia tiên, bà lại chuẩn bị thêm một số đồ lễ theo phong tục để thắp hương cho người giúp việc của gia đình trước đây. Người giúp việc mà bà Thủy nhắc tới là bà N.T.Đ (quê Nam Định), giúp việc cho gia đình bà qua ba thế hệ, từ thời ông ngoại của bà, đến thời bố mẹ bà và cho đến cả đời bà. Trong ký ức của bà Thủy hiện còn nhớ rất nhiều kỷ niệm về người giúp việc này, mà có lẽ cả đời này bà chẳng bao giờ quên được.

Di ảnh, ban thờ của người giúp việc qua ba thế hệ tại nhà bà Thủy, ở Hàng Bè, Hà Nội.

Di ảnh, ban thờ của người giúp việc qua ba thế hệ tại nhà bà Thủy, ở Hàng Bè, Hà Nội. 

“Ông ngoại tôi xưa là chủ cai thầu xây dựng, chủ một hãng xe xích lô nổi tiếng ở Hà Nội. Tôi còn nhớ cứ mỗi buổi trưa, chiều, người làm về chật kín trước sân nhà, mà đất của gia đình tôi rộng hơn 800 mét, vậy mà xích lô xếp hàng dài ra tận đầu phố.

Ngày đó bác Đ. đã giúp việc cho gia đình tôi rồi, bác cùng 2 người nữa lo việc bếp núc, cơm thợ… Dù số người đông vậy mà bác ấy vẫn quán xuyến được hết mọi việc, cơm luôn ăn đúng giờ”, bà Thủy nhớ lại.

Theo bà Thủy, dù là chủ nhà nhưng gia đình bà đối xử với công nhân, người làm rất tử tế, không bao giờ phân biệt vai thứ, giúp việc ăn cơm cùng gia chủ là chuyện bình thường. “Ngày đó, những người giúp việc cùng thời phải ăn dưới bếp, ăn đồ thừa của chủ nhà nhưng gia đình tôi thì không. Kể cả quả chuối tráng miệng gia chủ ăn thế nào thì người làm ăn như vậy”, bà Thủy nói.

Ngoài là cai xây dựng, ông ngoại bà Thủy còn sở hữu một hãng xích lô nổi tiếng ở phố cổ thời xưa.

Ngoài là cai xây dựng, ông ngoại bà Thủy còn sở hữu một hãng xích lô nổi tiếng ở phố cổ thời xưa. 

Căn biệt thự nơi người giúp việc tên Đ gắn bó cả cuộc đời mình cho đến lúc mất.

Căn biệt thự nơi người giúp việc tên Đ gắn bó cả cuộc đời mình cho đến lúc mất. 

Sau khi ông ngoại bà Thủy mất, người giúp việc này tiếp tục sống với bà Trương Thị Mô (là mẹ bà Thủy), hai người dường như chẳng có khoảng cách “chủ-tớ”, thậm chí khi ra ngoài mọi người còn tưởng hai chị em. Đến khi bà Đ. già, các cháu ở Nam Định lên đón về quê sinh sống, bà Đ. chiều theo ý người thân về quê nhưng chỉ 1 tháng lại nằng nặc, khăn gói lên ở với chủ nhà.

“Tôi còn nhớ khi quay lại, bác Đ. nói rằng cả thanh xuân đã ở đây nên muốn sống ở đây trọn đời. Tất nhiên, cả gia đình tôi đồng ý vì khi bác ấy về chúng tôi cũng rất nhớ nhung. Riêng với tôi được bác Đ. chăm sóc từ khi 3 tuổi cho đến khi bác ấy mất, lúc ấy tôi đã gần 50 tuổi”, bà Thủy chia sẻ.

Dù được chăm bẵm từ bé, nhưng bà Thủy chưa phải người mà người giúp việc thương yêu nhất, người đó chính là em trai bà Thủy. “Bác Đ. thương và quý em trai tôi lắm. Hồi còn nhỏ mỗi khi em tôi đi học về muộn, bác Đ. ra đứng đầu cổng đợi bằng về thì mới vào nhà. Thậm chí mợ (mẹ) tôi có mắng, phạt em trai tôi thì bác Đ. cũng đứng ra bênh chằm chặp”, bà Thủy nhớ lại.

Bà Thủy bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm với người giúp việc mà gia đình mình coi như là người thân.

Bà Thủy bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm với người giúp việc mà gia đình mình coi như là người thân.

Ở lâu trong một gia đình gốc Hà Nội, bà Đ. cũng học được phong thái, cách ứng xử của người phụ nữ Hà Thành. Bà Thủy kể rằng, ngày bà Đ. còn trẻ, mỗi khi mặc áo dài ra đường không ai biết đó là người giúp việc, với cách ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn ai cũng nghĩ bà là người con gái Hà Nội gốc.

Sau này khi tuổi đã cao, bà Đ. bất ngờ phát hiện một nốt nhỏ ở dưới cằm (sau này mới biết là ung thư), rồi sức khỏe yếu dần, đến năm 76 tuổi bà Đ. mất ngay tại ngôi nhà mà cả đời bà gắn bó, làm giúp việc. Khi đó, cả gia đình bà Thủy đứng ra lo tang lễ cho người giúp việc này, rồi đưa về quê hương, tiếp tục lo chu toàn mọi thứ.

“Nhiều người vẫn nói, có lẽ có duy nhất gia đình tôi để di ảnh, lập bát hương cúng người giúp việc. Thế nhưng với toàn thể gia đình tôi, bác Đ. không còn là một người giúp việc đơn thuần, làm công ăn lương, mà cả nhà tôi luôn coi bác là người thân trong gia đình”, bác Thủy tâm sự.

Bản thân bà Thủy cũng học được rất nhiều từ người giúp việc này, đặc biệt là những công việc bếp núc. Để có thể nấu ăn ngon như hiện nay, nhất là những món đặc sắc của người Hà Nội gốc bà Thủy học từ người giúp việc rất nhiều.

Gặp lại đôi vợ chồng hơn 40 năm sống trên nóc nhà vệ sinh giữa phố cổ Hà Nội: Ra đường bơm vá xe còn thích hơn ở nhà
Dù đã gần 90 tuổi nhưng ông Hải hàng ngày vẫn ra vỉa hè bơm vá xe. Với ông, việc được ra đường ngắm nhìn phố phường còn sướng hơn ở ngồi nhà tạm bợ trên nóc nhà vệ sinh.

Chuyện phố cổ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h