Không chỉ tự nuôi bản thân, Nhung còn nuôi cả 3 em của mình ăn học hàng tháng.
Trong khi nhiều sinh viên còn chật vật với tiền học phí, sinh hoạt thì nữ sinh năm 3 trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Phan Thị Tuyết Nhung đã có thể phụ giúp bố mẹ nuôi 3 em ăn học.
Phan Thị Tuyết Nhung - "cô giáo sinh viên"
Bằng việc dạy thêm tiếng Anh tại nhà, suốt hơn 2 năm qua, Nhung thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, có tháng lên đến 15 triệu đồng – mức lương đáng mơ ước của nhiều nhân viên văn phòng.
Không cần “chiêu sinh”, học sinh vẫn lũ lượt đến học
Tuyết Nhung là chị gái cả trong một gia đình nông nghiệp ở thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Tốt nghiệp THPT, Nhung thi đỗ vào khoa Biên – Phiên dịch của trường ĐH Ngoại ngữ và Đại học Công Đoàn Hà Nội (khối A1). Nhưng vì yêu thích ngành Phiên dịch nên cô nữ sinh quyết định chọn Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dù nhà cách trường khá xa (hơn 20km) nhưng Nhung vẫn đi – về để đỡ tiền thuê trọ. Mỗi tuần, cô được mẹ cho 200.000 đồng để tiêu vặt.
Trong nhà còn ba người em đang ở tuổi ăn học, gánh nặng cơm, áo đổ dồn lên vai cha mẹ nên học kỳ đầu tiên, Nhung rất sốt ruột và lo lắng. Bước sang kỳ 2, cô quyết định tìm lớp dạy thêm.
Nhung vay tiền mẹ nộp cho trung tâm gia sư nhờ họ tìm một lớp ở Hà Đông. Tháng lương đầu tiên cô nhận được là 600.000 đồng. Lần đầu trong đời làm ra tiền, cô mừng quýnh, cuống quýt chạy về đưa cho mẹ nói: “Con trả nợ”. Sau đó, cô tiếp tục tìm thêm lớp bởi còn nhiều thời gian rảnh trong ngày.
Mỗi lớp học của Nhung có khoảng 20 học sinh
Sau đó không lâu, một vài học sinh gần nhà đến nhờ Nhung giúp ôn thi đại học. Các bậc phụ huynh ở đó cũng ngỏ ý muốn cô dạy cho một nhóm học sinh lớp 10. Tận dụng căn phòng nhỏ ở nhà ông nội, gắn thêm chiếc bảng đen và vài bộ bàn ghế, cô đã có một lớp học của riêng mình.
“Tiếng lành đồn xa”, học sinh từ xã này đến xã khác lũ lượt tìm đến lớp học của “cô giáo sinh viên”. Nhung dạy cho cả học sinh lớp 10, 11 và 12, tổng số học sinh luôn duy trì ở mức trên dưới 60 người.
“Học sinh lũ lượt tìm đến khiến mình rất sốc. Cảm giác trách nhiệm của mình lớn hơn và càng được tin tưởng thì càng phải nghiêm túc trong cách dạy”, Nhung chia sẻ.
Hiện tại, cô sinh viên năm 3 đang dạy cho 88 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Một tuần, Nhung có 12 ca dạy kéo dài từ thứ 2 đến chủ nhật, ngày ít thì 1 ca, ngày nhiều lên đến 3 ca, mỗi ca 2 tiếng. Sắp tới, Nhung dự định tăng số học lên 100 người bởi vừa có một nhóm khác đến xin lập lớp.
Nhung cho hay, cô thu học phí mỗi học sinh từ 25 – 30.000 đồng/buổi, tùy theo độ khó của chương trình. Mỗi ca học, Nhung thu được từ 300 đến 600.000 đồng tiền học phí. Tổng thu nhập hàng tháng cô nhận được là 10 triệu đồng, có những tháng cao điểm lên đến 15 triệu.
“Cũng vì phải chi phí photo tài liệu, tiền điện, tiền nước nên một số lớp mình tăng 5.000 đồng/người/buổi. Trước khi tăng học phí mình đều hỏi ý kiến các em. Mình cũng không thu tiền một lúc mà tùy vào điều kiện từng người, ai không đủ tiền đóng luôn thì để tháng sau đóng gộp. Mình cũng từng phải xin tiền bố mẹ đi học thêm nên hiểu và xót tiền cho các em ấy”, Nhung kể.
Một điều khá đặc biệt là Nhung chưa từng phải tìm cách quảng bá tên tuổi hay “chiêu sinh”, mọi thứ cự tự nhiên đến khiến chính cô cũng phải bất ngờ. Cô gái 21 tuổi cho rằng, lý do chính khiến học sinh tìm đến lớp học của cô nhiều như vậy là bởi cách dạy gần gũi và phù hợp với sức học từng người.
Từng trải qua thời gian học và ôn thi tiếng Anh nên Nhung hiểu vấn đề học sinh của mình gặp phải. Thay vì giảng dạy theo trình tự sách giáo khoa, Nhung tìm cách hệ thống và gây dựng cho học sinh nền tảng kiến thức. Cô chia ra từng chủ đề rõ ràng rồi kiên trì giảng giải từng vấn đề nhỏ nhất, sau đó tập trung vào truyền đạt kiến thức và luyện đề.
Chạy đua với thời gian
Vừa đi dạy 48 ca/tháng, vừa hoàn thành việc học và thi cử trên lớp, vừa soạn bài, chấm điểm cho học sinh ở nhà… tưởng chừng phải có đến “ba đầu sáu tay”, cô gái 21 tuổi mới đảm đương được từng ấy việc.
Nhưng cô nữ sinh năm ba có cách phân bố thời gian hợp lý để việc nào cũng hoàn thành xuất sắc. Nhung kể, cô thường đăng ký lịch học vào buổi sáng và tập trung dạy vào buổi chiều. Ngày học ít, cô dạy 2 đến 3 ca, ngày học nhiều chỉ dạy 1 ca. Nhưng hầu hết, mỗi ngày, Nhung đều kết thúc việc học và dạy vào lúc 9 giờ tối.
“Cứ hôm nào rảnh là mình xếp kín lịch dạy vào hôm đó. Nếu ở trường có việc đột xuất mình xin phép các em cho hoãn buổi học để hoàn thành. Đặc biệt là vào mùa thi cử, mình thường cho các em nghỉ 2, 3 ngày để tập trung ôn thi. Thi xong sẽ trở lại dạy bình thường”, Nhung chia sẻ.
Với Nhung, cuộc sống là chạy đua với thời gian
Nhung thường học bài vào lúc 12h giờ đêm và đi lúc ngủ 2, 3 giờ sáng. Cô thường mang cả tài liệu đến trường, tranh thủ giờ nghỉ giải lao soạn bài và chấm điểm. Hầu như trưa nào cô cũng có mặt ở thư viện để soạn bài cho kịp buổi dạy vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày.
Nhung nói, cuộc sống của cô là chạy đua với thời gian. Cô không cho phép mình rảnh rỗi để than thở hay thấy mệt mỏi. Giành nhiều thời gian cho việc dạy học nhưng kết quả học tập của Nhung vẫn khá tốt. Tính đến nay, điểm tích lũy của cô là 3.1 (điểm tích lũy loại giỏi là 3.2). Ngoài ra, Nhung còn là cán bộ lớp, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa của trường.
Nhưng với khối lượng công việc lớn đến vậy, cũng có lúc cô nàng thấy quá tải. Đặc biệt là thời điểm năm 2 đại học, khi cô bắt đầu dạy hơn 60 học sinh.
“Mình bị căng thẳng bởi bài tập trên lớp quá nhiều, chương trình học của học sinh lại khác nhau yêu cầu phải có bài soạn riêng. Lúc ấy cũng có một nhóm ôn thi đại học nữa, mình chỉ sợ không giúp các em ôn tốt nhất. Mỗi buổi tối khi dạy xong, mình nằm vật ra giường nghỉ, không nói với ai. Sau này, khi quen hơn rồi mình mới sắp xếp được mọi thứ hợp lý”, Nhung kể.
Được cho là có duyên với nghề giáo, lại có mức thu nhập cao nhưng sau khi ra trường Nhung vẫn muốn được thử sức với những gì đã được học. Cô dự định sẽ xin một công việc chuyên ngành và tiếp tục dạy học ngoài giờ.