Chiến tranh đã qua đi nhưng trong giấc mơ và cả khi tỉnh táo, người phụ nữ ấy vẫn hằn sâu những ký ức về những người đồng đội, đồng bào gục ngã dưới mưa bom, bão đạn của quân thù.
Trung tâm chăm sóc người có công ở Ứng Hòa, Hà Nội là một nơi khá đặc biệt. Tại đây đang chăm sóc và nuôi dưỡng 40 người có công, trong đó có người là vợ liệt sĩ, có người là mẹ liệt sĩ và có cả những nhân chứng sống của chiến tranh.
Trong mỗi căn phòng khang trang, sạch sẽ hàng ngày được trung tâm chăm sóc từ miếng ăn, tấm áo thế nhưng khuôn mặt ai cũng có chút đượm buồn. Họ không buồn vì cung cách phục vụ, mà buồn vì chiến tranh đã cướp đi của họ quá nhiều thứ, từ tuổi thanh xuân, đến niềm hy vọng…
“Tôi đã khóc rất nhiều, tôi muốn chôn vùi vào quá khứ nên tôi không thể kể về ngày xưa được nữa. Tôi mất tất cả rồi”, bà T, vợ một liệt sĩ hy sinh ở chiến trường nghẹn ngào nói.
Bà Nga - người vợ có chồng là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến để bảo vệ đất nước.
Bà Nga năm nay hơn 80 tuổi, có chồng hy sinh ở chiến trường. Thời thanh xuân họ yêu thương nhau và đến được với nhau. Sau đám cưới 15 ngày chồng bà vào chiến trường rồi sau đó hy sinh, cả thanh xuân bà vò võ chờ đợi, cuối cùng nhận được là tờ giấy báo tử. Bà nói rằng, đau đớn khi mất chồng, buồn tủi khi thời gian vợ chồng ở bên nhau quá ngắn, nhưng bà tự hào vì sự hy sinh của chồng bà thật ý nghĩa, góp phần giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Bà Vương Thị Là là người đặc biệt nhất đang được chăm sóc tại đây. Năm 20 tuổi bà Là đi thanh niên xung phong vào chiến trường B – chiến trường ác liệt nhất thời đó. 4 năm chiến đấu tại đây, bà đã chứng kiến nhiều nỗi đau của đồng đội, đồng bào, đến giờ những ký ức ấy vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của bà.
Bà Là vô cùng đau đớn khi kể về sự hy sinh của đồng đội ở chiến trường.
“Đội chúng tôi có 12 chị em. Khi mọi người đang véo von, bỗng xoẹt một tiếng, rồi đất đá rung chuyển khắp nơi. Vừa kịp định thần tôi tỉnh dậy và gọi to tên từng người nhưng chỉ 3 người còn sống”, bà Là kể. Thời điểm đó, bà cùng hai đồng đội còn sống sót chẳng ai bảo ai, vừa khóc vừa cào, bới sỏi đá tìm từng bộ phận thi thể đồng đội để lắp ghép lại với nhau sao cho đầy đủ nhất.
“Mỗi phần thi thể một nơi, chúng tôi chỉ lắp ghép lại cho đủ tay, đủ chân, có chút da, chút thịt rồi cho vào bao tải, xong vùi xuống để các bạn được bao bọc trước khi yên nghỉ. Tôi biết rằng, có thể tay người nọ sẽ xếp sang người kia nhưng hoàn cảnh ấy biết phải làm sao”, bà Là kể.
Khi kể về câu chuyện về cuộc chiến ác liệt, đôi bàn đầy thương tích của bà Là run lên, bà chỉ biết chống thật chặt xuống giường, như để cố kìm nén cảm xúc của mình. Bà nói rằng, những di chứng chiến tranh khiến bà bây giờ không thể đi lại được, nhưng bà vẫn cho đó là may mắn vì còn được trở về, còn các đồng đội của bà thì mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.
Đôi bàn tay đầy thương tích của bà Là khi cố ghì chặt xuống giường để kìm nén cảm xúc khi kể những câu chuyện chiến tranh.
Có người nói nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nhưng với bà Là thì nó mãi là những ký ức buồn, mãi ám ảnh bà cho đến cuối cuộc đời. “Mọi người không thể tưởng tượng với người dân tay không tấc sắt bị tử vong do bom đạn đau đớn thế nào đâu. Đau đớn lắm, vì đó là đồng bào mình”, bà Là nhớ lại và chia sẻ, bà sẵn sàng bỏ tất cả các huân huy chương, để đổi lại sự sống cho người mẹ ấy.
Người mẹ mà bà Là nhắc đến còn khá trẻ, đã mất trong một trận đánh bom của địch. Khi quân đoàn của bà Là hành quân tới, lật từng đống đổ nát thì mới tìm kiếm được. “Người mẹ khi ấy chắc đã tử vong lâu rồi. Cô ấy dùng lưng mình che cát sỏi phía trên, khi chúng tôi lật người lên, con cô ấy vẫn còn đang bú mẹ ngon lành”, bà Là kể và rưng rưng nước mắt. Cuộc hành quân tiếp tục, bà Là cùng đồng đội phải giao lại đứa trẻ ấy cho hậu phương lo liệu, còn mình lại tiến về tiền tuyến. “Tôi luôn có niềm tin em bé ấy còn sống và tất nhiên nếu được gặp lại thì đó là điều mong mỏi lớn nhất của cuộc đời tôi”, bà Là tâm sự.
Bà Là sẵn sàng đổi tất cả chỉ mong người mẹ ấy được sống.
Một nữ điều dưỡng trẻ đang làm việc tại đây cho biết, khi làm việc tại trung tâm, bản thân cô càng thấy phải trân trọng hơn những gì mà thế hệ trước hy sinh xương máu của mới có được. Đặc biệt, khi nghe những câu chuyện của các bà, các bác những người thuộc thế hệ trẻ như cô mới hình dung được chiến tranh khốc liệt đến thế nào.
“Được sống trong thời bình, được thừa hưởng những gì thế hệ đi trước hy sinh mới có được tôi thấy thật tự hào. Trong thâm tâm tôi luôn coi các bà, các bác ở đây là người thân của mình, từ đó luôn nỗ lực để giành những gì tốt nhất cho mọi người”, nữ điều dưỡng chia sẻ.