Trong 4 năm đại học, không ít lần nữ sinh gốc Huế phải đối diện áp lực vì điểm số. Song, với sự nỗ lực, chăm chỉ, tận dụng mọi cơ hội để cải thiện thành tích, Ánh Tuyết đã thành công chinh phục danh hiệu thủ khoa đầu ra của ngành học HOT nhất nhì hiện nay.
Trưởng thành từ THPT Chuyên Quốc học Huế - ngôi trường THPT nắm giữ kỷ lục 7 lần có thí sinh vào đến chung kết năm của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 2002) đậu vào Nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin bằng phương thức đánh giá năng lực với mức điểm xét tuyển 1001/1200 điểm.
Sau 2 năm học đầu tiên, Tuyết lựa chọn chuyên ngành Khoa học máy tính để tiếp tục nghiên cứu, trau dồi kiến thức của mình. Chia sẻ về quyết định này, nữ sinh tâm sự: “Lý do em chọn hướng đi này rất đơn giản là vì bản thân em thích làm việc với dữ liệu. Từ việc phân tích dữ liệu em có thể đưa ra rất nhiều nhận định và quyết định có ý nghĩa”.
Trước khi điền vào tờ đăng ký nguyện vọng thi Đại học, Tuyết tham khảo sơ lược về chương trình đào tạo của ngành học này. Thời gian đầu khi đặt chân vào giảng đường, Tuyết có phần bất ngờ với những môn học nằm ngoài trí tưởng tượng của bản thân. Song, Tuyết đã dần lấy lại bình tĩnh, tập trung ôn luyện nên tìm được sự thú vị trong các bài giảng. Từ đó, nữ sinh không còn thấy quá nhiều áp lực và đạt được điểm số cao trong các bài kiểm tra.
Sau 4 năm miệt mài sách vở, nữ sinh chính thức trở thành thủ khoa đầu ra của ngành với mức điểm GPA 8,97/10.
4 năm dưới mái trường ĐH Khoa học Tự nhiên, không chỉ tiếp thu kiến thức chuyên môn, Tuyết còn học được nhiều bài học quý giá. Đặc biệt, thông qua những lần làm việc nhóm, nữ sinh hiểu được cách nhìn nhận các vấn đề một cách đa chiều, học lắng nghe và thấu hiểu từ ý kiến của bạn bè. Tuyết học được cách trung hoà những cá tính khác biệt để cùng nhau hướng về mục tiêu cuối cùng là điểm cao trong bài tập nhóm.
Chia sẻ về bí quyết để đạt được điểm số cao, nữ thủ khoa tiết lộ tất cả đến từ sự chăm chỉ và luôn biết cách đặt mục tiêu cho riêng mình. Đối với Tuyết, không chỉ tập trung vào bài giảng của thầy cô trên lớp, khi về nhà bản thân cô phải hoàn thành tất cả bài tập và mở rộng kiến thức bằng cách tìm kiếm thông tin, tài liệu trong sách tham khảo, mạng xã hội hay kể cả bằng trí tuệ nhân tạo AI.
Bên cạnh đó, Tuyết cho rằng nếu các bạn sinh viên muốn đạt được thành tích cao trong học tập, hãy tìm cách sắp xếp, quản lý thời gian hiệu quả. Chẳng hạn như để hoàn thành bài tập được giao, Tuyết luôn đặt ra thời hạn để nộp, phân chia các giai đoạn để thực hiện một cách chỉn chu và tốt nhất có thể.
“Nếu kể về khó khăn trong quá trình học tập, có thể là điểm số. Bản thân em không cho phép mình bỏ qua bất cứ cơ hội nào để tăng điểm. Đôi khi thầy cô giao những bài quiz, bài kiểm tra nhỏ được điểm cộng nhưng không bắt buộc phải thực hiện, em đều làm đầy đủ và hoàn thành tốt nhất có thể. Bởi lẽ, em không muốn sau này nhìn lại mình sẽ thấy hối tiếc vì trước đó đã không nắm bắt các cơ hội mà thầy cô tạo cho mình vừa để trau dồi kỹ năng, kiến thức mà còn có thể cải thiện điểm” - tân thủ khoa tâm sự.
Nhờ sự chăm chỉ của mình, không ít lần Tuyết nhận được học bổng của nhà trường, doanh nghiệp.
Trong quá trình rèn luyện tri thức, không ít lần Tuyết gặp khó khăn vì khối lượng kiến thức chuyên ngành cần phải dung nạp rất lớn. Ngoài ra, đặc thù của ngành mà Tuyết theo đuổi cần làm việc nhiều con số dữ liệu nên chuyện đối diện với tình trạng stress là khó tránh khỏi.
Do đó, ở những thời điểm cảm thấy mệt mỏi nhất, nữ sinh sẽ dành thời gian để nghỉ ngơi, hoạt động thể thao hoặc đi chơi, dạo phố cùng bạn bè, người yêu để nạp lại năng lượng.
Ngoài những giờ học trên lớp, Tuyết còn có năng khiếu và niềm yêu thích với bộ môn Cầu lông. Không chỉ thế, nữ sinh còn tích cực tham gia hoạt động Đoàn - Hội, các hoạt động ngoại khoá và tình nguyện để trau dồi kỹ năng, mở rộng mối quan hệ.
Trước khi hoàn thành chương trình học 4 năm tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Tuyết phải thực hiện Khoá luận tốt nghiệp - một bài tập lớn mà đôi khi trở thành nỗi sợ của nhiều sinh viên buộc phải đầu tư nhiều thời gian, vận dụng kiến thức chuyên ngành và liên ngành để hoàn thành.
Theo nữ sinh chia sẻ, cô may mắn tìm được người bạn đồng hành cùng chuyên ngành để thực hiện. Ngay từ học kỳ II của năm 3, Tuyết đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thực hiện Khoá luận tốt nghiệp. May mắn đã mỉm cười với Tuyết khi nhờ có sự hướng dẫn nhiệt tình của giảng viên đã giúp cô “vượt ải” với số điểm 9,4/10.
Thế nhưng, với điểm số này, Tuyết chỉ còn thiếu 0,1 điểm để ra trường với tấm bằng loại Xuất sắc. Điều này đã khiến nữ sinh bị stress trong một thời gian dài. Song, Tuyết nghĩ lại bản thân đã cố gắng hết sức và đặt toàn tâm, toàn ý vào khoá luận nên đã chấp nhận điểm số này và trân trọng những gì bản thân đang có.
Đến ngày trao bằng tốt nghiệp, Tuyết bất ngờ khi biết bản thân đã đạt được danh hiệu thủ khoa đầu ra. “Khi bước vào hội trường nhận bằng tốt nghiệp, em mới biết bản thân được danh hiệu cao quý. Bản thân em đã rất vui và mất vài phút để có thể tin vào sự thật này. Ngoài ra, em còn thấy tự hào về kết quả và cảm thấy công sức mình bỏ ra thật xứng đáng”, Tuyết nhớ lại.
Chia sẻ thêm, Tuyết tâm sự sau khi ra trường đã được làm việc theo đúng chuyên môn của mình tại một công ty công nghệ với mức lương đủ để nữ sinh có thể sống thoải mái tại TP.HCM. Trong tương lai, Tuyết vẫn mong muốn thông qua công việc để trau dồi kỹ năng về chuyên môn, để có thể thăng tiến lên những cấp bậc cao hơn.