Khi vào cung, nhờ thạo chữ viết, tài năng mà người phụ nữ này đã được tin tưởng, nhưng rồi kết cục cuộc đời cũng không mấy tốt đẹp.
Kỷ Thị sinh năm 1451 ở vùng đất thuộc Quảng Đông (Trung Quốc) ngày nay. Từ khi còn nhỏ, do cha mẹ mất sớm, bà đã phải về sống cùng người thân ở huyện Hạ, Quảng Tây, Trung Quốc. Tới năm Thành Hóa thứ 2, nhà Minh chinh phạt các dân tộc thiểu số trong đó có người ở huyện Hạ. Kỷ Thị là một trong những người bị bắt đưa về Tử Cấm Thành làm tù binh. Khi vào cung, với sự thông minh và tài sắc, bà được miễn tội. Từ đó, cuộc đời của Kỷ Thị bước sang một trang mới nhưng không ngờ cuối cùng lại nhận kết cục bi thảm.
Kỷ Thị nhanh chóng lọt vào mắt của Hoàng đế nhờ nhan sắc và tài trí (Ảnh minh họa)
Ở trong cung, nhờ viết chữ đẹp và thông minh tài trí, Kỷ Thị được Thái hậu giao cho làm việc ở Ngân tàng khố - đây là nơi quản lý tiền bạc của Vua và Hoàng Gia.
Trong một lần gặp, Hoàng đế Minh Hiến Tông nhận thấy Kỷ Thị nhanh nhẹn và thông minh nên đã "để mắt" đến cô gái này dù mới quen và chưa tiếp xúc nhiều. Một thời gian sau, Kỷ Thị có may mắn được Hoàng đế sủng ái.
Và chỉ sau 1 lần "thị tẩm", Kỷ Thị đã mang long thai. Tuy nhiên, Kỷ Thị nghĩ rằng số phận của mình sẽ bị Vạn Quý Phi hãm hại nên giữ bí mật chuyện này. Vạn Quý Phi là người được Minh Hiến Tông rất mực yêu thương. Người phụ nữ này được xem là sủng phi của Hoàng đế. Tuy nhiên, Vạn Quý Phi lại không thể mang thai nên luôn cố gắng hãm hại các phi tần bên cạnh Hoàng đế khi nghe tin các phi tần mang thai để họ không thể sinh con. Mục đích của Vạn Quý Phi là không muốn không mất đi địa vị là người được Minh Hiến Tông sủng ái nhất.
Khi biết Kỷ Thị mang long thai, Vạn Quý Phi luôn tìm cách hãm hại (Ảnh minh họa)
Dù Kỷ Thị đã cố gắng che giấu nhưng thông tin này vẫn lọt đến tai của Vạn Quý Phi. Từ đó, Kỷ Thị bị ghen ghét và đố kỵ, Vạn Quý Phi ra lệnh cho một người hầu bên cạnh mình đến thăm dò tình hình. Thật may, người hầu này không muốn nói sự thật cho Vạn Quý Phi nên bịa chuyện Kỷ Thị không mang thai mà chỉ bị ốm.
Thông tin đó vẫn chưa thể khiến Vạn Quý Phi an tâm, bà ta cho Kỷ Thị đến sống ở An Lệ Đường. Sau 9 tháng 10 ngày, Kỷ Thị sinh một bé trai. Bé trai này về sau là thái tử Chu Hựu Đường.
Khi nghe tin này, Vạn Quý Phi đã yêu cầu thái giám phải làm cho đứa trẻ phải chết. Thái giám tốt bụng ngoài mặt đồng ý nhưng đã tìm một nơi bí mật để nuôi đứa trẻ giúp cho Kỷ Thị. Khi ấy Hoàng hậu Ngô thị của Hiến Tông cũng bị phế đến Tây cung, nên bà chăm sóc cho Chu Hựu Đường rất chu đáo.
(Ảnh minh họa)
Một lần vào năm 1475, Minh Hiến Tông nhìn vào gương và thở dài: "Ta đã già mà không có con trai". Vị thái giám đã bí mật nuôi con của Kỷ Thị đã kể cho Hoàng đế về câu chuyện năm xưa. Minh Hiến Tông vui mừng khôn xiết, cử người đến đón hoàng tử về cung.
Vậy nhưng niềm vui đó không kéo dài được lâu bởi không lâu sau đó Kỷ Thị qua đời. Có tài liệu cho rằng Kỷ Thị đã bị Vạn Quý Phi hạ độc dẫn đến cái chết đau lòng. Bà ra đi khi tuổi còn trẻ để lại nỗi xót xa cho vua Minh Hiến Tông và những người yêu mến trong cung. Kỷ Thị được Minh Hiến Tông truy phong làm Cung Khác Trang Hy Thục Phi hay còn gọi là Kỷ Thục phi.
Sau cái chết của Kỷ Thục phi, Hoàng tử Chu Hựu Đường trở thành Hoàng thái tử, chuyển đến Nhân Thọ cung của Hiếu Túc Thái hậu Chu thị sống nhằm đảm bảo an toàn. Khi Minh Hiến Tông qua đời, Thái tử lên ngôi và trở thành Minh Hiếu Tông.