Nước mắt 2 người vợ trong phiên xử kẻ giết bạn trừ nợ

Ngày 04/05/2015 10:10 AM (GMT+7)

Đưa đôi tay cố với về phía bị cáo đang lầm lũi trước vành móng ngựa, người phụ nữ đau đáu nhìn chồng qua làn sương trắng của đôi mắt ngày càng mờ vì di chứng của căn bệnh tiểu đường. Phía bên kia hàng ghế, vợ và hai đứa con thơ dại của bị hại chỉ biết nhìn nhau mà ôm chặt nỗi đau.

Họ là vợ, là con của bị cáo, bị hại nhưng nỗi đau, hậu quả để lại phía sau vụ án đã, đang và sẽ tiếp tục đè nặng lên đôi vai những con người nhỏ bé, yếu đuối này.

Chặt đầu bạn vì bị thách thức

Cuối năm 2013, trong một lần gặp gỡ qua bạn bè giới thiệu, Nguyễn Ảnh Cư (SN 1959) quen biết với Nguyễn Văn Tập (SN 1966, cùng ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM). Anh em nói chuyện hợp nhau khiến Cư thêm quý mến Tập và nhận làm anh em kết nghĩa.

Khoảng cuối tháng 7.2013, Tập đến gặp Cư vay 30 triệu đồng và hẹn đến cuối năm sẽ trả hết nợ. Vì là chỗ thân tình, Cư quyết định vét hết tiền trong nhà đưa cho Tập mà không lấy lãi. Tuy nhiên, đã đến hẹn nhưng Tập vẫn không trả tiền mà còn tìm cách tránh né dù Cư nhiều lần hẹn gặp.

Nước mắt 2 người vợ trong phiên xử kẻ giết bạn trừ nợ - 1

Nguyễn Ảnh Cư trước vành móng ngựa.

Ngày 30.5.2014, Cư tiếp tục điện thoại nhiều lần cho Tập để đòi tiền, nhưng Tập không nghe máy. Nói hoài cũng chán, Cư bày độ nhậu và rủ hai ông bạn hàng xóm đến trò chuyện cho vui. Sau khi cơm nước xong, bà Lê Thị Năm (SN 1964, vợ Cư) cũng mắc võng nằm gần bàn nhậu của chồng hóng mát. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, Tập bất ngờ chạy xe máy đến trước nhà Cư. Thấy Tập đến, hai người hàng xóm vội vàng ra về vì sợ có chuyện.

Dựng xe và đến bên bàn ghế đá nơi Cư ngồi nhậu, Tập nói: “Tôi nói thật với anh là tôi không có tiền để trả vợ chồng anh nữa. Giờ anh muốn đòi nợ thì đầu tôi đây, anh cứ chặt mà trừ nợ”.

Khẳng định mình không nói giỡn, Tập đưa đầu về phía Cư nói lớn: “Đầu tôi nè, anh chặt đi. Từ trước đến nay chưa ai dám chặt đầu tôi”. Nghe giọng lè nhè của Tập, Cư biết người anh em đã có rượu vào nên không nói gì mà bỏ ra sau bếp. Bà Năm không nghe thấy tiếng chồng nữa biết Cư đã tránh mặt nên nói Tập đi về, bữa sau tỉnh táo quay lại tính tiếp. Thấy Cư đi, Tập thừa cơ xông lên càng nói nhiều hơn.

Đứng ở sau nhà hơn chục phút mà vẫn nghe Tập lải nhải, thách thức, Cư cố dằn lòng mình lại. Thế nhưng càng nhịn, Tập càng la lối khiến Cư tức giận xách con dao dưới bếp mang ra sân. Thấy Cư cầm dao, Tập liền nằm kê đầu lên bàn đá và chỉ vào cổ bảo Cư chặt. Cư đi đến bên cạnh Tập, một tay đè đầu người anh em xuống bàn đá, tay còn lại cầm dao chặt xuống hai nhát. Thấy Tập gục xuống tại chỗ, Cư bàng hoàng tỉnh cơn say buông dao. Người đàn ông thẫn thờ đến cạnh vợ thú nhận đã giết Tập và nhờ vợ báo công an đến giải quyết vụ việc. Ngay sau đó, Cư bị bắt giữ.

Hối hận muộn màng

Biết tin chồng sẽ bị đưa ra xét xử tại Nhà văn hóa xã Tân Thông Hội của huyện, từ sáng sớm, bà Năm đã cùng con trai đến đây để chờ gặp mặt chồng. Hướng đôi mắt mờ đục về phía chiếc xe đặc chủng xám xịt ở phía góc sân, bà trông ngóng hình dáng thân quen của người chồng tội lỗi. Mãi đến khi mặt trời tỏa ánh nắng chói chang, bỏng rát của những ngày đầu hè, vị Chủ tọa mới cho bắt đầu phiên xét xử.

Thấy bị cáo bước ra khỏi xe đặc chủng, những người dự khán đổ dồn mắt cố gắng nhìn chân dung sát thủ. Tuy nhiên, trái với hành vi dã man của bị cáo như lời đồn đại, Nguyễn Ảnh Cư chỉ là người đàn ông nhỏ thó với mái đầu bạc phơ cùng gương mặt hiền lành. Đảo mắt tìm vợ, bị cáo chợt khựng lại khi thấy dáng vẻ tiều tụy của vợ trong vòng tay con trai đang nhìn mình với nụ cười khổ sở. Giá như hôm đó, Cư bình tĩnh, Tập bớt lời thì có lẽ mọi chuyện đã không đau thương đến thế.

Trả lời Hội đồng xét xử, người đàn ông với mái đầu bạc trắng lí nhí khai nhận hành vi phạm tội.

- "Cáo trạng truy tố bị cáo tội “giết người” và tóm tắt hành vi phạm tội của bị cáo như vậy có đúng không?" – vị chủ tọa lên tiếng.

- Dạ đúng.

- Bị cáo và anh Tập có mối quan hệ như thế nào?

- Sau khi về Củ Chi ở, bị cáo và Tập đã kết nghĩa anh em, coi nhau như ruột thịt.

- Ngày 30.5.2014, bị cáo gặp anh Tập ở đâu?

- Hôm đó bị cáo điện thoại đòi tiền Tập mấy lần nhưng Tập không nghe máy. Đến tối khuya thì Tập chạy xe qua nhà bị cáo.

- Lúc anh Tập đến, nhà bị cáo có những ai?

- Lúc đó bị cáo đang ngồi nhậu cùng hai người bạn cùng xóm ở băng ghế đá. Còn vợ bị cáo mắc võng nằm ở gần đó.

- Bị cáo có mời anh Tập nhậu không?

- Dạ không.

- Anh Tập đến nhà bị cáo nói gì?

- Thấy Tập đến thì hai người hàng xóm bỏ về. Tập nói không có tiền trả nợ. Ngon thì chặt đầu Tập trừ nợ.

- Tại sao hai người hàng xóm lại bỏ về?

- Cùng là hàng xóm láng giềng với nhau nên mọi người đều biết Tập uống rượu vào là quậy quạ nên kéo nhau về.

- Bị cáo và anh Tập có cãi nhau không?

- Dạ không. Thấy Tập thách thức, bị cáo bỏ đi ra nhà sau để cho yên chuyện nhưng Tập không về. Vợ bị cáo bị mù nhưng biết Tập đến nhà nên khyên can bảo Tập về đi. Tập vẫn không về mà đứng thách thức riết nên bị cáo mới tức giận xách dao ở bếp lên định bụng hù cho Tập sợ. Thấy bị cáo lên, Tập liền nằm kề cổ ra bàn đá và bảo bị cáo chặt đầu. Bị cáo cũng đến gần đưa dao lên dọa Tập. Tự nhiên lúc này Tập quơ tay, đòi giật dao của bị cáo. Sợ Tập giật được dao sẽ chém nên bị cáo chặt xuống – bằng chất giọng rặt miền Nam, Cư thành thật khai nhận.

- Bị cáo cho anh Tập vay bao nhiêu tiền? Có lấy lãi không?

- Bị cáo cho vay 30 triệu. Bị cáo không lấy lãi mà chỉ nói Tập là có tiền thì hàng tháng đưa cho vợ bị cáo ít tiền để thuốc thang chữa bệnh.

- Bị cáo suy nghĩ gì về hành vi của mình?

- Trong thời gian tạm giam, bị cáo hối hận lắm. Thấy mình có lỗi nhiều với gia đình Tập, vợ con bị cáo. Chỉ vì tiếc số tiền 30 triệu mà bị cáo không suy nghĩ đến nơi đến chốn. Số tiền đó đối với mình thì lớn nhưng mạng người còn lớn hơn. Bị cáo đã sai rồi. Xin tòa xem xét cho bị cáo mức án nhẹ để sớm về với gia đình, xã hội. – Cư cúi gằm mái đầu bạc trắng, ân hận nói.

Với hành vi phạm tội mang tính chất côn đồ, dã man, vô cớ giết người, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình dành cho Cư. Người đàn ông trước vành móng ngựa khụy xuống, mồ hôi lã chã rơi.

Vợ khổ, con đau

Đến tòa cùng hai đứa con nhỏ, chị Hồng - vợ bị hại Tập già nua hơn nhiều so với tuổi. Gương mặt khắc khổ, làn da đen sạm, chị nhỏ nhẹ trả lời phần thẩm vấn của Hội đồng xét xử. Mặc dù là vợ nhưng chị không hề biết chồng vay mượn 30 triệu của bị cáo dùng vào việc gì. Mãi cho đến khi xảy ra cơ sự, chị mới thấy tờ giấy ghi nợ có chữ ký của chồng mình.

Vợ chồng anh chị có 3 đứa con nhưng đứa nào cũng ốm yếu, nhỏ người hơn những bạn cùng trang lứa. Không nhà không cửa, anh chị phải cùng các con thuê tạm một căn nhà làm nơi trú mưa nắng. Hàng ngày anh đi làm bảo vệ ở công ty nhà nước còn chị và các con nhận lộn vỏ bao bì cho người ta. Mỗi lần làm xong hàng, tiền công chị nhận được chỉ vài chục ngàn. Vì vậy mọi chi tiêu trong gia đình đều phải nhờ vào đồng lương bảo vệ ít ỏi của anh.

“Tối đó, anh vừa đi đón con gái từ chỗ làm về thì đưa tôi qua nhà nội lo hậu sự cho em trai ảnh. Vừa mới ngồi với anh em một xíu, anh bảo đi công chuyện lát sẽ quay lại đón tôi. Vậy mà anh đi rồi không bao giờ về nữa. Đến khoảng 22h15 thì tôi nhận được tin bị cáo đã giết chết chồng mình…”, hai tay nắm chặt micro, chị Hồng đau đớn nhớ lại giây phút cuối nhìn thấy mặt chồng.

Đau thương là thế nhưng khi hỏi yêu cầu đối với bị cáo, chị Hồng vẫn nhỏ nhẹ đề nghị Cư bồi thường cho mình tiền mai táng phí, tổn thất tinh thần và trợ cấp nuôi các con đến năm 18 tuổi. Trước khi kết thúc phần yêu cầu của mình, vợ bị hại đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ để sớm trở về làm người tốt.

Gặp chị trong giờ nghị án, người phụ nữ vẫn đau đáu nỗi đau mất chồng trong lòng. Ôm ngực thở dốc, chị nhắm mắt nhớ lại quãng thời gian cực khổ nhưng hạnh phúc khi có chồng kề vai sát cánh.

“Anh ấy là trụ cột trong gia đình nhưng lại bỏ đi quá sớm để mẹ con tôi bơ vơ, trơ trọi giữa đời. Tôi chẳng có nghề nghiệp gì ngoài làm bao bì cho người ta. Hai đứa con lớn thương mẹ cũng nghỉ học đi làm thuê phụ tôi nuôi thằng út đi học. Buồn lắm nhưng tôi cũng phải cắn răng chịu vì gia đình bị cáo cũng khó khăn. Chỉ mong sao bị cáo bồi thường sớm chừng nào thì tôi có tiền trả nợ và tìm cách buôn bán nuôi con. Còn không phải tôi không đau buồn, không giận bị cáo mà thực sự tôi muốn lương tâm bị cáo thức tỉnh. Chúng ta đều là con người với nhau, không nên lấy oán hận chồng thêm oán hận…”, chị Hồng chia sẻ.

Vẫn đôi mắt giăng là sương mờ, bà Năm – vợ bị cáo khóc ròng khi nhắc đến chồng. Vì coi bị hại như em út nên khi nghe chồng bảo Tập mượn tiền, bà đồng ý và lấy toàn bộ số tiền tích cóp đưa cho mượn.

Tuy nhiên, Tập không giữ lời hứa trả nợ trong khi căn bệnh tiểu đường của bà đã biến chứng qua nhiều bệnh khác nên ông Cư thêm sốt ruột. Mặc dù không nhìn thấy đường nhưng bà nghe rõ mọi chuyện. Từ lúc Tập vào nhà, thách thức rồi chồng bà bỏ đi rồi quay lên… Nhưng bà cũng không ngờ chỉ trong giây lát chồng mình lại giết người.

“Tôi không thấy gì cả nhưng chỉ nghe loáng thoáng thì mọi thứ im bặt và chồng tôi thú nhận đã giết anh Tập. Thường ngày ổng hiền lành lắm, đâu có bao giờ gây gổ với ai. Giờ ổng đi tù, tôi bị bệnh tiểu đường hành hạ, mắt chẳng thấy đường. Thương mẹ, con trai tôi để vợ con ở Bình Dương về đây chăm sóc mẹ. Vợ nó vì vậy mà giận, đưa hai đứa nhỏ trả cho chồng. Tôi mù lòa, chẳng làm cách nào để chăm hai đứa cháu cùng mẹ chồng đã 104 tuổi đành phải xin phía ngoại tụi nhỏ giúp đỡ.

Tôi biết chồng mình có tội nhưng giờ tôi chẳng còn gì ngoài căn nhà nát. Tiền bạc không có, cơm cháo hàng ngày đều là nhờ mỗi người cho một ít. Đến thẻ bảo hiểm y tế muốn mua để đi khám bệnh tôi cũng không có tiền mua thì làm sao bồi thường được cho gia đình bị hại…”, hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt bủng beo của người phụ nữ.

Với hành vi phạm tội như trên, TAND TP.HCM quyết định tuyên phạt Nguyễn Ảnh Cư mức án chung thân về tội “giết người”. Mức án đã tuyên, mẹ con bị hại dắt díu nhau ra về, nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn. Nơi hàng ghế đối diện, bà Năm ngã khụy trong vòng tay con trai.

Theo Mẫn Lâm (Người Đưa Tin)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự