Nước mắt của người đàn bà cõng con tật nguyền đi tìm công lý

Ngày 18/08/2014 16:33 PM (GMT+7)

Mười mấy năm về làm vợ, chưa một ngày bà Nguyễn Thị Lâm (ở thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) được bình yên và hạnh phúc do thường xuyên bị chồng bạo hành.

Khi được giải thoát với bản án ly hôn, người đàn bà nghèo vẫn nay đây, mai đó cõng đứa con tật nguyền với tập đơn kêu cứu trên tay.

Mang thai vẫn bị chồng bạo hành?

Lần theo địa chỉ trong lá đơn mà bà Nguyễn Thị Lâm gửi, chúng tôi ngược chuyến xe về huyện miền núi Quỳ Hợp để tìm người phụ nữ mấy mươi năm đi đòi lại tài sản từ người chồng cũ mong có tiền nuôi đứa con tật nguyền. Trong căn nhà lụp xụp ở thị trấn Quỳ Hợp, bà Nguyễn Thị Lâm đặt lên mặt bàn một chồng hồ sơ, lần dở những lá đơn cũ kỹ, đã nhòe nét mực rồi òa khóc.

Nước mắt của người đàn bà cõng con tật nguyền đi tìm công lý - 1

Nhiều năm qua, bà Lâm cùng đứa con tật nguyền đi khắp nơi tìm công lý

Ký ức về năm tháng bị chồng bạo hành dường như không thể quên trong trí nhớ của người đàn bà khắc khổ này. Vừa kể chuyện, bà Lâm vừa khóc: "Năm 1986 tôi kết hôn với ông T.H.H (ở thị trấn Quỳ Hợp) khi tuổi đời mới bước sang 18. Ông ấy sống rất phong kiến. Sau khi cưới chồng, tôi gần như không được đi đâu, làm việc gì mà chỉ ở nhà chăm sóc gia đình. 

Khi đang mang thai đứa con đầu ở tháng thứ tư, tôi đã bị chồng đuổi đánh phải leo bờ rào chạy một mạch về nhà bố mẹ đẻ. Vì quá sợ nên sau đó tôi không dám quay về nhà chồng nữa, cho đến khi sinh con được mấy tháng, ông ấy mới sang xin lỗi và đón tôi về. Nhưng thời gian yên bình đối với tôi cũng chẳng được bao lâu. Lúc tôi đang mang bầu con thứ hai, vì nhiễm bệnh tình dục, tôi uống quá nhiều thuốc kháng sinh, hậu quả con tôi sinh ra phải chịu cảnh tật nguyền. Đến đứa con thứ ba, tôi bị sinh non khi cái thai mới được 7 tháng".

Quá tủi nhục với kiếp làm dâu, bà Lâm đã từng quyết định sẽ bỏ con, để trốn chạy đi một nơi thật xa. "Tôi nhớ mãi lúc đó là 1h  sáng ngày 5/6/1995. Quá đau đớn với những vết thương do chồng đánh đập, tôi dậy rồi nhổ 3 bãi nước miếng vào tay ba đứa con. Tôi nghe người ta kể, nếu làm như vậy thì con sẽ không nhớ mẹ, không khóc khi vắng mẹ. Mọi người kể lại, khi biết tôi bỏ đi, Hà (đứa con bị tật nguyền) bảo cho mượn dao để đâm vào tim rồi lấy máu gửi cho mẹ. Nghe đến đó tôi không cầm được nước mắt, lại quay về với con. Sau đó một thời gian, vì chịu đựng không nổi tôi quyết định sống ly thân. Tháng 4/1997, trong một lần tôi bị ông ấy đuổi đánh phải chạy lên nhà ngoại để trốn. Khi tôi quay lại, ông ấy bảo phải quỳ từ ngoài ngõ vào nhà rồi lạy cha mẹ, lạy ông ấy thì mới tha thứ. Quá đau đớn, tôi chấp nhận tất cả rồi ôm quần áo, dắt đứa con tật nguyền, nhờ các em bên ngoại xuống đưa về, sau đó tôi ra ngoài thuê nhà trọ nay đây, mai đó để kiếm sống mưu sinh. Đến tháng 4/1997 thì làm đơn ly hôn gửi ra tòa", bà Lâm kể lại.

 "Dù có chết, tôi cũng phải tìm được công lý"

Cầm trên tay mấy bản án ly hôn đã phai mực, bà Lâm nức nở: "Sau 3 bản án, qua các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, đến 28/1/1999 tôi mới được ly hôn".

Cầm tập hồ sơ bà Lâm cung cấp, chúng tôi chưa bao giờ gặp bản án ly hôn "kỳ lạ" đến như vậy. Sống với nhau cả mấy chục năm, tình yêu không còn, tình nghĩa đã hết nên đến cả những cái phích nước, cái ghế nhựa, cái bát ăn cơm, tô đựng canh, cái màn tuyn, mấy cái can nhựa, cái chăn bông, con chó, con mèo... họ cũng yêu cầu tòa án phải định giá và phân chia.

"Sau khi bản án có hiệu lực, khi đang chờ thi hành án thì ông H về nhà, tìm những gì mà tòa án chia cho tôi rồi đập phá. Cái tủ ông ấy cũng đập, cái ghế ông ấy cũng phá, cái bát ông ấy cũng ném đi...", bà Lâm cho biết. Theo tìm hiểu của phóng viên, ở thị trấn Quỳ Hợp này, ông H nổi tiếng hay gây gổ với mọi người. Điều này cũng được bà Lê Bích Lài, Phó Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp và ông Quán Vi Xuân, Phó chi cục trưởng Thi hành án huyện Quỳ Hợp công nhận.

"Trong bản án quyết định ly hôn, tòa xử cho tôi nuôi hai con gái (một lớn, một út); còn ông ấy nuôi cháu Hà bị dị tật bẩm sinh. Nhưng cuộc sống của Hà cũng chìm đắm trong nỗi sợ vì bị bố đánh", bà Lâm cho biết. Như để chứng minh lời nói của mình là sự thật, bà Lâm cầm ra một lá thư được Trần Văn Hà (SN 1990) viết nguệch ngoạc ngày 22/11/1996. Vừa đọc lá thư, bà Lâm vừa khóc nức nở. Trong thư có đoạn: "Mẹ ơi, con là đứa con bất hiếu, không đền ơn nuôi dưỡng mẹ, khi mẹ nhận được bức thư này thì con ở một nơi rất xa và mẹ không bao giờ được gặp con nữa". Bà Lâm giải thích: "Do bị bố đánh đập và đối xử tàn nhẫn, Hà muốn tìm đến cái chết để giải thoát bản thân nhưng sau đó mọi người phát hiện nên ngăn cản được. Thương con, tôi đưa Hà về nuôi dưỡng và chăm sóc".

Ngoài thời gian kiếm kế mưu sinh, người đàn bà này vẫn ngày ngày cầm những tập đơn dày kèm theo lá đơn xác nhận hộ nghèo rồi cõng đứa con tật nguyền đến các cơ quan có thẩm quyền để đòi lại công lý, đòi lại tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Đó là 17,9 ha rừng tràm mà bà và ông H đã nhận khoán và trồng ở tiểu khu 295 Hồi Bụn, xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp) từ năm 1995.

Bà Lâm cho biết, sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, bà đã nộp đơn lên tòa án huyện để yêu cầu phân chia 17,9 ha rừng này. Tại bản án sơ thẩm số 73/2010/HNGĐ-ST ngày 24/8/2010, TAND huyện Quỳ Hợp xử ông H phải trả cho bà Lâm 28 triệu đồng tiền chăm sóc, bảo vệ rừng. Không đồng ý, bà Lâm kháng án. Lên cấp tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Nghệ An xử yêu cầu ông H phải trả cho bà hơn 400 triệu đồng. Mừng mừng, tủi tủi, bà làm đơn yêu cầu thi hành án. Nhưng chờ mãi mà không có kết quả gì, thì ra ông H lại kháng án. TAND Tối cao lại hủy, yêu cầu TAND huyện xét xử lại từ đầu vì sai sót trong quá trình tố tụng.

"Bây giờ toàn bộ tài sản là 17,9 ha rừng đã bị ông H bán hết. Không biết sắp tới, TAND huyện lại xử cho tôi được bao nhiêu, nhưng dù phải vay mượn bao nhiêu, tôi cũng phải đòi lại được tài sản của tôi. Và dù có chết đi, đứa con tật nguyền của tôi cũng có một khoản tiền để có thể tự lo cho bản thân mình", bà Lâm nói trong nước mắt.

Theo Phùng Bình (Gia đình & Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Công Lý