Các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả và đã giúp đỡ 618 hộ dân đến nơi an toàn sau khi 10m đê sông Bùi 2 thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị vỡ.
Mưa lũ khiến 62 người chết và mất tích
Sáng 12/10, theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã khiến 40 người chết. Trong đó, Sơn La 5 người, Yên Bái 4 người, Hòa Bình 15 người, Thanh Hóa 8 người, Nghệ An 8 người.
22 người mất tích gồm Sơn La 3 người, Yên Bái 11 người, Hòa Bình 3 người, Thanh Hóa 4 người, Quảng Trị 1 người.
Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến 21 người khác bị thương. Ngập và hư hỏng gần 20.000 ngôi nhà; gần 40.000 lúa, hoa màu bị hư hỏng. Nhiều tuyến đê điều bị sạt lở, giao thông bị chia cắt bởi lũ.
Thủy điện Hòa Bình xả lũ, Hà Nam ra công điện khẩn
Ngày 12/10, sau khi thủy điện Hòa Bình thông báo mở cửa xả lũ thứ 8, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Nam đã có Công điện số 05 gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố; các cấp ngành chức năng trong tỉnh Hà Nam.
Công điện nêu rõ, thông báo kịp thời đến các xã, phường, thị trấn, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang biết thông tin xả lũ hồ thuỷ điện Hoà Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Người dân thành phố Phủ Lý trắng đêm gia cố đê
Chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa, tránh để lúa bị ngập đổ hư hỏng do mưa úng. Rà soát phương án phòng chống lũ bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và các khu dân cư ngoài bối, bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó. Tổ chức tuần tra, canh gác, đặc biệt chú ý các vị trí xung yếu, các vị trí đã bị sự cố trong các đợt mưa lớn và xả lũ thủy điện vừa qua... .
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại thành phố Phủ Lý nhiều nơi bị ngập nặng. Đặc biệt, tại thành phố Phủ Lý, nhiều tuyến phố chìm trong bể nước như đường Biên Hòa, Quy Lưu, Phạm Ngọc Thạch... Một số tuyến đường ngập đến gần 1m.
Thanh Hóa lặp lại trận lụt lịch sử, hàng trăm hộ dân sơ tán khẩn cấp trong đêm
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn cộng với việc xả lũ của hồ Cửa Đạt nên mực nước trên các sông qua địa bàn huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) dâng lên rất nhanh. Có những vị trí ngập sâu đến 5 – 6m, một số nhà dân đã lút lên đến tận nóc nhà.
Trong đêm 11/10, hàng nghìn chiến sĩ bộ đội, công an tỉnh Thanh Hóa ngâm mình trong lũ, trắng đêm sơ tán, cứu dân đến nơi an toàn; hỗ trợ sơ tán trẻ em, phụ nữ và người già; sử dụng cano, xuồng máy đến từng hộ dân để cấp mì tôm, lương thực và nước ngọt cho nhân dân.
Tại xã Xuân Thiên có hơn 500 hộ dân của hai thôn Quảng Ích 1, 2 đã bị nước lũ nhấn chìm trong biển nước. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Thọ Xuân đã tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn trong đêm.
Trao đổi với phóng viên ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, mực nước trên sông đoạn qua địa bàn huyện đã lên trên báo động 3. Toàn huyện có khoảng gần 3.000 hộ dân bị ngập đã di dời.
Trước đó, mặc dù UBND huyện đã phát lệnh di dân, nhưng do nước chưa vào nhà nên hầu hết các hộ đều cố ở lại. Tuy nhiên, đến chiều tối và đêm ngày 11/10, mực nước dâng lên rất cao, tràn vào nhà buộc các hộ dân phải di dời trong đêm.
Nước lũ lớn đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn huyện bị chia cắt, cô lập, do điều kiện nước lớn và trời tối nên công tác di dời dân gặp nhiều khó khăn.
Hai cán bộ biên phòng bị lũ cuốn mất tích Ngày 10/10, thượng tá Cao Đăng Cường và đại úy Nguyễn Thành Chủng, đang trên đường đi làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão, khi đi ngang qua đập tràn Suối Bôn (Yên Khương, Lang Chánh, Thanh Hóa) thì bị lũ cuốn trôi. Hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể 2 sĩ quan Biên phòng. |
>> XEM THÊM: Vụ sạt lở đất tại Hòa Bình: Tìm thấy 9 thi thể, người thân khóc ngất