Sáng nay Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đón một đợt không khí lạnh khiến nền nhiệt toàn vùng không vượt quá 30°C.
Bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc vẫn đang di chuyển về phía nước ta, ngày hôm nay (12/10) không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh vùng núi phía Bắc. Nhiệt độ cao nhất trong ngày không quá 29 độ, ban đêm giảm còn 25-26 độ C.
Tại những nơi vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, nhiệt độ sẽ giảm xuống dưới 22 độ, trời chuyển lạnh. Khu vực núi cao như Sapa, Mẫu Sơn, Pha Đin, nhiệt độ giảm xuống dưới 17 độ, trời chuyển rét.
Không khí lạnh tràn về khiến nền nhiệt ở Hà Nội giảm nhẹ (Ảnh minh họa)
Đến ngày 15/10, miền Bắc khả năng có thêm đợt không khí lạnh tăng cường mạnh hơn. Nền nhiệt ở Bắc Bộ sẽ giảm đáng kể, trời chuyển lạnh diện rộng, nhiều khu vực vùng núi chuyển rét. Đây sẽ là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh ở vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, khu vực Đông Bắc của Bắc Biển Đông sẽ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Biển động.
Sáng nay ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to, một số nơi có mưa rất to như Chi Nê (Hòa Bình) 156mm, Cúc Phương (Ninh Bình) 143mm, Yên Định (Thanh Hóa) 71mm,….
Lũ lịch sử vượt báo động 3 ở 2 miền
Trước tình hình mưa lũ bất thường ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp khẩn với các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để triển khai các biện pháp ứng phó.
Cùng tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm trở lại đây, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung phải hứng chịu lượng mưa cực lớn, dồn dập trong thời gian ngắn.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc mưa lớn kỷ lục, dồn dập trong thời gian ngắn đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho tính mạng, tài sản của người dân. Tình huống áp thấp nhiệt đới ngoài khơi mạnh lên thành bão đổ bộ trong những ngày sắp tới là cực kỳ nguy hiểm.
“Các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân cần đặc biệt cảnh giác để tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra tại các tỉnh Trung Bộ, Bắc Trung Bộ cũng như tình huống bão đổ bộ trong một số ngày tới”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Tại Bắc Miền Trung, đặc biệt lưu ý lũ tại Thanh Hoá khi cả 3 sông Bưởi (qua huyện Thạch Hãn), sông Mã (qua huyện Yên Định và TP Thanh Hoá) và sông Chu (qua huyện Thọ Xuân) đều sẽ vượt mức lũ BĐ3 từ 0,5-1m.
Tại miền Bắc, lũ sông Thao qua Yên Bái sẽ vượt BĐ3 1m, lũ trên sông Hoàng Long qua huyện Gia Viễn, Ninh Bình sẽ vượt BĐ3 1,2m - tương đương với đỉnh lũ lịch sử năm 1985. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ (đặc biệt trên địa phận thành phố Yên Bái, huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ).
Miền Trung sắp hứng bão mạnh, có thể sẽ nguy hiểm
Cũng trong chiều qua, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết, một áp thấp nhiệt đới hiện đang mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines.
Hiện áp thấp nhiệt đới này cách đất liền Philippines khoảng 1.200km, cách biển Đông nước ta 1.500km. Áp thấp đang di chuyển với vận tốc khoảng 25-30km/h. Dự báo đêm 12, ngày 13/10, áp thấp sẽ đi vào Biển Đông
Theo nhận định, khi vào biển Đông, áp thấp vẫn giữ nguyên cấp gió nhưng đi đến giữa Biển Đông (đêm 13/10) sẽ mạnh dần lên thành bão số 11 và có thể đổ bộ vào các tỉnh Quảng Trị - Bắc Bình Định khoảng ngày 15-16/10 với diễn biến rất nguy hiểm.