Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai (ngõ 15 Phương Mai, quận Đống Đa), lại mở cửa phục vụ miễn phí hàng trăm suất ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn.
16h chiều, người dân đã xếp hàng dài trong con ngõ 15 Phương Mai để chờ nhận cơm miễn phí. Trên tay mỗi người đều chuẩn bị sẵn những chiếc hộp lớn, nhỏ để nhận cơm cùng đồ ăn.
“Bác ăn ít cơm hay ăn nhiều, cơm bao nhiêu cũng có cứ lấy đủ no nhé”, người phụ nữ phía trong quầy phát cơm nói lớn với giọng vui vẻ. Đa phần người đến nhận cơm tại đây là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.
Những suất cơm 0 đồng ấm lòng người Hà Nội
Trao đổi với chúng tôi, chị Khổng Thị Hường (40 tuổi), chủ Nhà ăn 0 đồng cho biết, chị đã làm công việc thiện nguyện từ lâu, nhà ăn là một trong số các chương trình thiện nguyện mà chị thực hiện.
Xuất thân là bác sĩ trong bệnh viện, nhận thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, phải chạy vạy lo cơm ngày 3 bữa tại viện, chị đã có suy nghĩ làm những bữa ăn miễn phí, giúp đỡ mọi người.
Nghĩ là làm, chị tự bỏ tiền túi và vận động người thân quanh mình tiến hành làm bữa ăn miễn phí rồi duy trì nó tại nhiều bệnh viện khác nhau.
Chị Khổng Thị Hường hạnh phúc vì Nhà ăn 0 đồng đã được ra đời để hỗ trợ bệnh nhân, thân nhân người bệnh
Dần dần, các hoạt động được nhiều người biết đến và ủng hộ, chị Hường có thêm kinh phí để thực hiện nhiều chương trình hơn. Về mặt thu chi đều có người kiểm kê riêng, chị Hường không quản lý.
“Sau dịch bệnh Covid-19, chúng tôi làm hỗ trợ người dân ở gần Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Một thời gian sau chúng tôi chuyển qua thuê địa điểm là căn nhà này ở gần Bệnh viện Bạch Mai và bắt đầu thực hiện phát cơm cho bà con”, chị Hường nói.
Sau 11h trưa, các thành viên trong nhóm đã có mặt đầy đủ tại nhà ăn 0 đồng để chuẩn bị bữa chiều cho người dân. Ai nấy đều vui vẻ thực hiện, không ai bảo ai, mỗi người một việc để gửi đến những người khó khăn những phần ăn chất lượng nhất bằng cả tấm lòng.
“Suất cơm thường sẽ có món cơm trắng, canh, rau luộc, rau xào, thịt kho hoặc chả rim mắm… các món sẽ thay đổi theo từng hôm”, chị Hường chia sẻ về thực đơn của nhà ăn.
Mỗi ngày, khi gần đến giờ phát cơm, nhóm đã chủ động phân chia thành viên để nhắc nhở mọi người xếp hàng gọn gàng, tránh trình trạng lộn xộn ảnh hưởng đến giao thông.
“Cơm sẽ phát từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, mỗi buổi phát từ 300 – 400 suất cơm. Chúng tôi đều ước lượng số người đến nhận và suất ăn để tránh lãng phí”, chị Hường chia sẻ.
Chị Hường luôn quan niệm “của cho không bằng cách cho”, chính vì vậy, chỉ cần có tâm muốn giúp người là nhóm luôn sẵn sàng đón nhận. “Có nhiều thì giúp nhiều, không có nhiều giúp ít. Mọi người không có tiền thì giúp sức, giúp bằng cái tâm. Tôi nghĩ rằng giúp đỡ người khác không nhất thiết phải cần có tiền”, chị Hường tâm sự.
Suất cơm nhỏ đổi lấy nụ cười
Là một trong những “khách quen” của Nhà ăn 0 đồng, bà Hoàng Thị Tâm (73 tuổi) cho biết nhờ những phần cơm miễn phí mỗi ngày, bà đã tiết kiệm được một khoản chi phí để có thể tiếp tục điều trị bệnh.
“Tôi bị đột quỵ, nằm ở Khoa Thần kinh, bệnh viện Bạch Mai, thấy mọi người ai cũng vui vẻ, niềm nở đi lấy cơm nên tôi cũng đi cùng. Cơm được nhiều lắm mà còn ngon lành, sạch sẽ, bớt được rất nhiều chi phí chi tiêu, tôi cũng cảm thấy rất vui vẻ mỗi khi đến nhận cơm”, bà Tâm xúc động chia sẻ.
Cũng giống như bà Tâm, rất nhiều người đến nhận cơm từ Nhà ăn 0 đồng đều vô cùng hạnh phúc khi phần nào đó, những suất cơm miễn phí giúp họ với bớt khó khăn trong lúc ốm đau, bệnh tật. Có thể với nhiều người, vài ba chục ngàn cho một bữa ăn không đáng là bao nhưng với họ - những bệnh nhân, thân nhân người bệnh tại BV Bạch Mai, những suất cơm đã tiếp thêm động lực để họ cố gắng, tiếp tục hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Loay hoay phát cơm chiều cho những vị khách đặc biệt, bà Phan Thị Bàng (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) vô cùng hào hứng với công việc mà Nhà ăn 0 đồng đang thực hiện.
“Biết đến hoạt động của nhóm từ hội chị em phụ nữ của phường Quỳnh Lôi nên hễ có thời gian rảnh là tôi liền tham gia. Vừa thiện nguyện giúp ích cho đời, giúp ích cho xã hội mà mình lại cảm thấy vui vẻ nữa. Đây là lần thứ 4 tôi đến phụ nấu ăn giúp đỡ mọi người rồi”, bà Bàng tươi cười nói.
Bà Bàng hạnh phúc khi bản thân góp một phần sức để cùng Nhà ăn 0 đồng giúp đỡ những người khó khăn
Nhìn những người dân đứng ngay ngắn xếp hàng đợi nhận cơm, rồi rối rít cảm ơn khiến chị Hường và các thành viên của Nhà ăn 0 đồng vô cùng hạnh phúc. "Với chúng tôi, hễ còn sức khỏe là còn giúp đỡ bà con, khi nào không còn đủ sức và kinh phí thì mới dừng lại", Chị Hường tâm sự.