Đứa con trai duy nhất bất ngờ qua đời, chưa đầy một ngày sau thì mẹ ruột lại mất. Bi kịch liên tiếp xảy ra, từ khi cháu gái đi lấy chồng, người đàn ông đơn chiếc quyết định sơn mọi thứ màu hồng, trồng thật nhiều cây xanh để điểm tô cuộc sống với sự tươi tắn và tích cực hơn.
Nhìn đời buồn bằng lăng kính màu hồng
Vào buổi sáng, cả bức tường hoa mười giờ đủ màu ở số 18 Mai Văn Ngọc (phường 10, quận Phú Nhuận) nở rực với giao diện vô cùng đặc trưng: Hàng chậu màu hồng. Được biết, chủ nhân của công trình đáng yêu này chính là “Ông già màu hường” Phan Văn Chánh (69 tuổi).
Đằng sau cánh cửa màu hồng, ông Chánh còn gây bất ngờ bởi hầu hết vật dụng trong nhà đều được sơn một màu hồng bắt mắt, nhưng ít ai biết được câu chuyện xúc động về gia đình ông. "Cuộc đời ông có nhiều chuyện buồn vào năm 2010, mới buổi chiều hôm trước con trai đột quỵ mất, sáng hôm sau mẹ ông mất luôn”, ông Chánh nghẹn lời nhớ lại.
Người đàn ông U70 bùi ngùi cho biết khi con trai mới lên 4 tuổi thì nhà vợ ép vợ chồng ông ly thân rồi bà ấy đi nước ngoài. Ông Chánh quyết định không đi bước nữa vì thương vợ, thương con. Sống trong cảnh gà trống nuôi con, ông Chánh dành hết tình thương cho đứa trẻ, nào ngờ đứa con trai duy nhất cũng bỏ ông mà đi.
Con mất, mẹ ruột cũng qua đời, ông Chánh lại gà trống nuôi... cháu. Cách đây mấy năm, cháu nội duy nhất đi lấy chồng ở huyện Long Thành (Đồng Nai) thì người đàn ông cô đơn mới vơi bớt nỗi lo cho gia đình.
Sau nhiều biến cố trong cuộc sống, cách đây 4 năm, ông Chánh bắt đầu nhuộm hồng mọi thứ để xua tan đi nỗi buồn. Đây là màu sắc mà ông yêu thích đã lâu, màu lãng mạn khiến ông cảm thấy tươi trẻ và yêu cuộc đời này hơn.
Trong căn nhà dài và hẹp, từ chậu cây, bình nước, khung cửa cho đến nồi cơm điện… lần lượt khoác lên chiếc áo hồng. Chỉ tay vào chiếc xe máy trắng đen, ông Chánh bật cười: “Sơn được màu hồng là ông sơn luôn rồi, ngặt nỗi là phải xin giấy phép để đổi màu xe. Tùy đồ vật mà mình sơn thôi, cái gì cũng màu hồng chắc cũng thấy ghê lắm!”.
Sắc hồng lan tỏa khắp khu phố
Từ năm 2021, ông Chánh nghỉ hưu và dành nhiều thời gian cho việc trồng cây. Nhận thấy nhiều người có thói quen treo rác lên hàng rào đường sắt, ông đề xuất với chính quyền địa phương rồi bắt tay vào làm chậu treo để cải tạo mỹ quan khu phố.
Rào chắn xe lửa từ khúc giao với đường Nguyễn Văn Trỗi đến đình Phú Nhuận được bao phủ bởi hơn 150 chậu cây tái chế từ bình nước suối. Để tạo nên sự đồng bộ cho cả khu phố, “ông già màu hường” chi mạnh tay mua sơn, cọ và nhiều bình nhựa với giá 3.000 đồng/cái. Khi sơn, ông Chánh đeo khẩu trang để tránh hít phải mùi sơn quá nhiều. Làm cực là vậy nhưng hễ có ai xin chậu về tự trồng, ông đều vui vẻ cho luôn.
Nhiều chậu cây được ông tỉ mỉ cắt, vẽ hình con thú như: gấu trúc, cá heo, đại bàng,… ông còn làm hẳn bộ chậu 12 con giáp, chủ yếu trồng cỏ lan chi và hoa mười giờ. 4 giờ chiều, những tia nắng rực rỡ cuối ngày nhảy múa trên hàng cỏ lan chi xanh mướt làm cho khung cảnh thêm dịu dàng.
Từ lúc nổi tiếng trên mạng xã hội, ông Chánh cũng nhận về các bình luận như “quá rảnh, bao đồng, sao không lo trong nhà trước đi”. Tuy nhiên, ông Chánh hồi đáp một cách dí dỏm: “Trong nhà ông hồng hết rồi, còn gì nữa đâu mà làm nên phải cho nó tràn ra phố”.
Mỗi ngày, người đàn ông U70 thức dậy từ sáng sớm để tưới toàn bộ hàng cây. Ông Chánh cho biết, ban ngày đoạn đường trước nhà tuy nhỏ nhưng rất đông xe qua lại, không an toàn để kéo ống nước ra tưới. Thậm chí, có người còn ngỏ ý nhờ ông Chánh mở rộng quy mô giàn chậu đến trước nhà họ rồi họ tự chăm sóc.
Bà Nguyễn Thị Hiệp (78 tuổi, ngụ Phú Nhuận): “Nhờ đôi tay của ông Chánh mà cả đoạn đường nhỏ trông gọn gàng và sạch đẹp hơn, ai ai cũng ủng hộ việc làm của ông ấy”. Không ít người đi ngang tỏ ra thích thú và dừng lại chụp hình ở giàn cây của “Ông già màu hường”. Qua đó, ông Phan Văn Chánh được UBND trao bằng khen “Góc phố xanh - Không gian xanh” về công tác chăm sóc cảnh quan khu phố.
Sau khi tưới cây, người đàn ông độc thân trở vào nhà cho cá ăn rồi dành thời gian đi uống cà phê sáng với hội bạn. Cuối tuần, ông Chánh đều đặn đánh tennis để duy trì sự khỏe mạnh và luôn “tông xuyệt tông” với màu hồng chủ đạo. Giờ đây, ông đã tìm thấy sự bình yên và niềm hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống. Ai cũng mong ông Chánh có thật sức khỏe, luôn “hồng hào” để giúp khu phố mãi xanh, sạch, đẹp.