Ông Ba Bị, con ngáo Ộp, mẹ Mìn mà bố mẹ thường dùng để dọa nạt những lúc con hư nghĩa là gì?

H.A - Ngày 13/04/2023 09:24 AM (GMT+7)

Dù không biết "ông Ba Bị", "ngáo Ộp", mẹ Mìn" là con gì, đến từ đâu và hình dạng quái đản ra sao nhưng mỗi khi bị dọa trẻ con đều sợ khiếp vía.

Ông Ba Bị 

Ông Ba Bị thường được tưởng tượng là kẻ chuyên đi bắt con nít, nhằm để răn đe những trẻ hay khóc quấy. Trong hình dung của những đứa trẻ, ông Ba Bị được phác họa trong bộ dạng khá kỳ dị: "Ba Bị, 9 quai, 12 con mắt". Dần dần người ta lấy hình tượng này ra để dọa những đứa trẻ không ngoan, khóc không nín sẽ bị ông Ba Bị bắt đi không được ở với bố mẹ nữa.

Ba Bị là người đàn ông xấu xí chuyên đi bắt cóc trẻ con.

Ba Bị là người đàn ông xấu xí chuyên đi bắt cóc trẻ con.

Không chỉ trong văn hoá dân gian của Việt Nam, mỗi quốc gia đều có những hình tượng thể hiện khác nhau về nhân vật Ông Ba Bị này. Trong "Việt Nam Tự Điển" của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), hình tượng này được định nghĩa: “Ba bị: Giống quái lạ người ta bịa ra để dọa trẻ con: Ba bị chín quai mười hai con mắt: nghĩa bóng là tồi tàn, xấu xí: đồ ba bị”. 

Chuyện xưa kể lại rằng ở các tỉnh ven biển Đàng Ngoài, giai đoạn những năm 1600, do mất mùa nên nhiều kẻ đã đi bắt cóc trẻ con đem bán lấy tiền, chúng thường đi thành tốp 6 người, cứ 2 người thì vác 1 cái túi cói rất to nên có tên là "Ba Bị". Mặt khác, mỗi cái bị lại có 3 quai, nên cả tốp 6 người gọi là "9 quai, 12 con mắt". Chúng thường đi lượn lờ tại các làng ven biển, rình rập để bắt lấy những đứa trẻ lang thang chơi một mình, sau đó chạy nhanh lên thuyền rồi cao chạy xa bay. Vì vậy, người lớn thường căn dặn trẻ nhỏ tránh xa những người lạ mặt. 

Nhiều truyền thuyết khác nhau về ông Ba Bị.

Nhiều truyền thuyết khác nhau về ông Ba Bị.

Truyền thuyết khác lại kể lại rằng, hình tượng ông Ba Bị được mô tả trong hình dạng đen đủi, gớm ghiếc, vai mang ba cái bị lớn đi ăn xin. Ông Ba Bị thường rình mò để đi bắt trẻ con đem bán. Hình tượng ông Ba Bị này xuất hiện trong thời điểm đại hạn mất mùa từ Nghệ An ra Bắc vào năm 1608.

Cũng có ý kiến cho rằng ông Ba Bị chính là hình tượng có thật trong quá khứ. Quyển "Hương Giang cố sự" có một đoạn ghi lại: “...Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, người Gò Công (Nam bộ), có thân hình cao lớn với bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Ông làm quan trải qua các triều Gia Long và Minh Mạng, nổi tiếng là quang minh chính trực”. Ông giữ chức Điền Tuần Quan, đi đâu cũng mang theo ba bị hạt ngũ cốc để giúp đỡ dân nghèo. Còn nơi nào có quan tham ô, gian thương bóc lột dân chúng cũng đều bị ông thẳng tay trừng trị. Vì thế những người xấu mới thấy bóng vị quan này thoáng qua đều run sợ. Có lẽ cũng vì vậy mà hình tượng “ông Ba Bị” bắt đầu từ đây. Như vậy theo truyền thuyết này, hình tượng vị quan thanh liêm chính trực đã bị biến thành hình tượng xấu xí để hù dọa con trẻ.

Con Ngáo Ộp

“Ngáo Ộp” là tên gọi của một "nhân vật" đáng sợ mà các bậc phụ huynh Việt Nam thường đem ra dọa mỗi khi con cái khóc nhè hoặc có thái độ ương bướng. Cụ thể, ngáo Ộp được cho là là một con yêu quái méo mồm, mắt trợn ngược, hay đi bắt cóc trẻ con hư.

Vậy nên, mỗi khi đem ngáo Ộp ra dọa trẻ, người lớn thường dùng ngón tay để kéo đuôi mắt và khóe miệng lại gần nhau.

Ngáo Ộp là yêu quái ghê rợn dùng hù doạ trẻ con không nghe lời.

Ngáo Ộp là yêu quái ghê rợn dùng hù doạ trẻ con không nghe lời.

Trên thực tế, trong từ điển của chúng ta vốn không có từ ngáo Ộp, mà chỉ có từ "ngáo". Theo đó, “ngáo” thường được chỉ tên riêng của 1 người đàn ông mạnh mẽ, cường tráng, cục súc nhưng lại ngây ngô, ngốc nghếch.

Trong rất nhiều giả thuyết được đặt ra, các nhà nghiên cứu dành nhiều sự tán đồng nhất với ý kiến cái tên ngáo Ộp bắt nguồn từ câu chuyện phương Tây.

Cụ thể “Ộp” là một nhân vật bước ra từ câu chuyện "Thằng bé tý hon" của nhà văn Pháp Charles Perrault. Chuyện kể rằng những anh em tí hon nghèo khổ đến gõ cửa một nhà nọ để xin ăn. Nhưng không ngờ đó lại là một gia đình yêu tinh tên “Orge” rất thích thịt trẻ con. Nhờ dùng mưu trí mà các anh em thoát ra được… Câu chuyện này được truyền tai nhau nên dần dần có cái tên ngáo Ộp. Từ đó, người ta sử dụng cụm từ này để chỉ thứ yêu quái có hình dạng xấu xí hay đi bắt trẻ con ăn thịt.

Mẹ Mìn

Theo lý giải, mẹ Mìn cũng là một từ ngữ có nguồn gốc từ phương Tây được sử dụng nhằm hù dọa trẻ con. Nếu ngáo Ộp (Ogre) là yêu tinh ăn thịt trẻ con thì yêu tinh chỉ đi bắt trẻ con nhưng không ăn thịt được dùng trong tiếng Pháp gọi là Croque-mitaine. Croque-mitaine được Việt hoá và rút gọn thành Mìn. Vậy nên mẹ Mìn được hiểu ngắn gọn là người phụ nữ chuyên đi bắt cóc, lừa phỉnh trẻ con, phụ nữ. Ngày nay, từ “mẹ mìn” vẫn được sử dụng với nghĩa rộng hơn như dùng để chỉ người đàn bà chăn dắt gái hoa. 

Mẹ Mìn là người phụ nữ chuyên đi bắt cóc trẻ con, phụ nữ.

Mẹ Mìn là người phụ nữ chuyên đi bắt cóc trẻ con, phụ nữ.

Cũng có truyền thuyết của Việt Nam kể lại rằng ở xứ Dừa có một người con gái xinh đẹp tuổi 18 nhưng cha mẹ mất sớm. Trong một đêm cô nghe tiếng gõ cửa, rồi cánh cửa bật ra, trước mặt cô là người phụ nữ hung hãn, xấu xí và ghê rợn. Kể từ hôm đó, không ai còn thấy cô gái xuất hiện nữa. Dù chỉ là đồn thổi nhưng người trong làng ai cũng truyền tai nhau gọi rằng người phụ nữ kia là mẹ Mìn đã bắt cô gái này đi.

Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của "ông Ba Bị", "ngáo Ộp", "mẹ Mìn", và cho đến nay vẫn chưa thể xác định được lời giái thích nào chuẩn xác hơn. Chỉ biết chắc chắn rằng sẽ còn nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam được nghe kể cũng như sợ chết khiếp "ông Ba Bị", "ngáo Ộp", mẹ mìn" dù chẳng rõ đấy thực ra là con gì, nó từ đâu đến và hình dạng quái đản ra sao. Dẫu thế nào đi nữa, "ngáo Ộp", "mẹ Mìn" và "ông Ba Bị" có lẽ sẽ vẫn là một phần tuổi thơ của trẻ con, gắn liền với những kỷ niệm khó quên, khi được ông bà, bố mẹ dỗ dành, dọa nạt.

Ông Ba Bị, con ngáo Ộp, mẹ Mìn mà bố mẹ thường dùng để dọa nạt những lúc con hư nghĩa là gì? - 5

Câu đố nhanh hại não: Bóng đèn nào có tên một loại quả?
Đáp án của những câu hỏi này trên thực tế lại cực kỳ bất ngờ, bạn có phải là người tinh tế để trả lời đúng?

Giáo dục

Theo H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những khám phá thú vị về tiếng Việt