Ông Lê Tùng Vân đi khỏi nơi cư trú khi chưa xin phép là trái quy định, tuy nhiên luật không cấm bị can làm căn cước công dân (CCCD).
Như PLO đã đưa tin, ngày 9-6, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh ông Lê Tùng Vân đang ngồi giữa đám đông để chờ đợi làm CCCD.
Sau đó, công an tỉnh Long An xác nhận, ông Lê Tùng Vân đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng xuất hiện tại TP.HCM. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng tỉnh Long An đã đưa ông Lê Tùng Vân về lại địa phương.
Với trường hợp này, cơ quan An ninh điều tra Công An tỉnh Long An đang xem xét, tuỳ vào mức độ sẽ thay đổi biện pháp ngăn chặn trong thời gian tới.
Việc ông Vân đã bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng lại có mặt tại TP.HCM khiến nhiều người bất ngờ thắc mắc. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc này?
Hình ông Lê Tùng Vân trên mạng xã hội xuất hiện tại TP.HCM làm CCCD. Ảnh: MXH
Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ: Không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép; có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội…
Trường hợp bị can, bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý họ và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Như vậy, với trường hợp ông Lê Tùng Vân, theo cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Long An, ông Vân cư trú tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Với việc bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, khi muốn đi ra khỏi địa phận xã Hòa Khánh Tây, ông này phải xin phép chính quyền xã.
Việc tự ý đi lên TP.HCM làm căn cước công dân khi chưa được phép là vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan trước đó; theo quy định tại Điều 123 BLTTHS 2015, người vi phạm nghĩa vụ cam đoan sẽ bị tạm giam.
Bị can vẫn được quyền làm CCCD Theo quy định tại Luật CCCD năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ CCCD theo quy định của pháp luật. Hiện nay, không có bất cứ quy định nào về việc bị can không được làm CCCD. Trong điều kiện cho phép, như với trường hợp bị can đang được tại ngoại, nếu cơ quan chức năng có chủ trương về tận cấp xã làm CCCD thì bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú vẫn có thể đi làm CCCD như những công dân bình thường khác. |