Toàn bộ công tác vận hành phố đi bộ gồm hệ thống phun nước có nhạc kết hợp ánh sáng, phun sương, hệ thống đèn tín hiệu và camera giám sát đều được điều khiển trong phòng điều khiển dưới lòng đất.
Tối 28.4, công trình cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM đã thu dọn rào chắn hai bên đường và mở cửa thử nghiệm cho người dân tham quan. Hàng trăm người có mặt dọc tuyến đường Nguyễn Huệ để theo dõi màn trình diễn thử nghiệm hệ thống phun nước kết hợp với ánh sáng. Nhiều người trầm trồ khen ngợi, vỗ tay khi những tia nước đầy màu sắc bắn lên cao.
Trước đó, vào chiều cùng ngày, công nhân đã dọn vệ sinh, tẩy rửa trên mặt đường, đồng thời chỉnh sửa lại những camera, những chậu hoa dọc trên đường cho hợp lý.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ đã hoàn thành.
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết, dự án nâng cấp cải tạo đường Nguyễn Huệ sẽ chính thức vận hành vào ngày 29.4. Đây là công trình chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đại diên Sở GTVT TP cho biết, trước mắt các loại phương tiện (trừ xe tải) vẫn được chạy hai bên dọc theo tuyến đường Nguyễn Huệ, người đi bộ sẽ đi giữa đường. Trong ngày lễ 30.4 sẽ cấm tất cả các phương tiện qua đây. Sở đang nghiên cứu để cấm xe cộ qua lại vào buổi tối ngày thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ sẽ cấm xe trong khoảng thời gian từ 17h – 23h.
Để giảm sức nóng trên tuyến Nguyễn Huệ, đơn vị thi công đã lắp đặt hệ thống phun sương tự động trên các thân cây xanh dọc theo hai bên đường.
Toàn bộ công tác vận hành phố đi bộ gồm hệ thống phun nước có nhạc kết hợp ánh sáng, phun sương, hệ thống đèn tín hiệu và camera giám sát đều được điều khiển trong phòng điều khiển dưới lòng đất bên dưới đường Nguyễn Huệ. Để phục vụ cho người dân đến tham quan, 26 điểm giữ xe tại các tòa nhà, vỉa hè dọc theo phố đi bộ được công bố.
Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ có chiều dài 670m, rộng 64m, với tổng kinh phí xây dựng gần 430 tỷ đồng gồm 2 phân đoạn: Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đường Lê Thánh Tôn (trước trụ sở UBND TP.HCM) đến đường Lê Lợi và quảng trường Nguyễn Huệ từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng. Chiều rộng mặt đường 60 m bao gồm vỉa hè (6 m mỗi bên), 2 làn đường dành cho phương tiện lưu thông (10,5 m mỗi làn) và trục chính giữa là quảng trường đi bộ rộng 27 m. Phố đi bộ có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật được bố trí suốt chiều dài. Đặc biệt tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi và Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi được bố trí 2 hồ nhạc nước kết hợp trình diễn ánh sáng nghệ thuật tập trung.
Chùm ảnh phố đi bộ Nguyễn Huệ trước giờ mở cửa:
Các công nhân cấp tập hoàn tất, chùi rửa quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ.
Những công nhân khác chỉnh lại chậu hoa, camera dọc hai bên tuyến phố đi bộ cho phù hợp.
Khoảng 40 camera đặt dọc hai bên phố đi bộ.
Những công việc cuối cùng đang được hoàn thành. Phía dưới phố đi bộ công nhân đang dọn vệ sinh lối đi, cầu thang xuống khu nhà vệ sinh và khu điều khiển.
Lối đi chính khu tầng hầm rộng khoảng 3m. Dọc lối này có cửa dẫn vào các phòng chức năng, nhà vệ sinh, hệ thống PCCC hiện đại. Toàn bộ diện tích 500m2.
Mọi hoạt động trên phố đi bộ đều được camera ghi lại có nhiều màn hình theo dõi các hoạt động từ mọi ngóc ngách và hệ thống điều khiển nhạc nước trên phố đi bộ.
Hệ thống loa dọc theo đường hầm để thông báo nhưng thông tin cần thiết
Nhà vệ sinh dưới tầng hầm tiện ích có máy lạnh và vòi nước tự đông, có hệ thống sưởi tay.
Nhiều người dạo mát trên phố đi bộ
Những mảng xanh và những chậu hoa dọc theo hai bên phố đi bộ. Để giảm sức nóng trên tuyến Nguyễn Huệ, đơn vị thi công đã lắp đặt hệ thống phun sương tự động trên các thân cây xanh dọc theo hai bên đường.
Nhiều bạn trẻ với gậy “tự sướng” trên phố đi bộ
Phố đi bộ đẹp về đêm
Tối 28.4 phố đi bộ cho chạy thử nghiệm khu vực phun nước kết hợp với ánh sáng khiến nhiều người thích thú. Theo thông báo ngày 29.4 tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ chính thức mở cửa.