Từ một học sinh ngoan đến cá biệt, từ một đứa trẻ ngây thơ bắt đầu bị ám ảnh với những hình khiêu dâm trên mạng... Đó chính là hậu họa khi con trẻ dính vào thế giới của internet.
Phụ huynh giật mình vì con xem ảnh đồi trụy
Trong quán cà phê nhỏ, một ông bố và một bà mẹ đều có con học lớp 3 nói chuyện với nhau. Ông bố mở màn hình điện thoại khoe ảnh của con và bảo người đối diện: "Tuy mới hơn 8 tuổi, nhưng trộm vía con gái tớ đã phát triển trước tuổi, có ngực và cao gần mét rưỡi, sắp bằng bố".
Tuy nhiên, ông bố không khỏi ái ngại khi chia sẻ với bậc phụ huynh còn lại: "Tớ cắt hết mạng ở nhà rồi vì con gái đã biết vào facebook. Nhà tớ có mạng nên chẳng biết làm cách nào con tự mày mò lập facebook và dùng điện thoại của bố chụp ảnh tự sướng rồi đăng những bài hát yêu đương, thất tình trên mạng cá nhân. Hôm con quên chưa tắt máy, tớ tình cờ đọc được trên dòng thời gian của con toàn những lời lẽ, stasus người lớn. Tớ giật mình nên cắt hết mạng ở nhà".
Chị Đào Thu Hồng (Lĩnh Nam, Hà Nội) có cậu con trai 7 tuổi nhưng có biểu hiện tự nghịch bộ phận sinh dục của mình. Có thời gian gia đình chị không có người giúp việc, chồng lại đi công tác xa chị tất bật với việc nhà.
Mỗi lần bận bịu chị thường cho con nghịch Ipad. Tuy nhiên, con có biểu hiện nghịch bộ phận "vùng kín" nhưng chị không để ý và nghĩ rằng con mắc tiểu. Nhưng một lần tình cờ chị làm xong việc và từ trong phòng bước ra không đánh tiếng, chị sốc nặng khi thấy con đang xem mải mê một trang web có hình ảnh "người lớn". Chị phải mất 2 tháng để chấn chỉnh hành vi của con và không cho con nghịch bất cứ đồ dùng gì liên quan đến công nghệ từ điện thoại đến máy tính bảng.
Một trường hợp khác là bé Nam, con chị Lan (Đội Cấn, Hà Nội) cũng sa sút vì trót sa đà vào những game mang tính chất đồi trụy trên mạng. Từ 1 học sinh giỏi con trở thành cá biệt, sức khỏe sa sút hay văng tục với người khác…
Trong căn nhà nhỏ phố Đội Cấn, chị Lan đang ngồi "canh" con học bài. Từ ngày cấm con không dùng máy tính và đưa con vào “kỷ luật thép” chị bất đắc dĩ phải ngồi cạnh con như thế này vì cứ rời đi là con đi ngủ, dùng mọi biện pháp chống đối mẹ.
Chị kể, bé Nguyễn Hoàng Nam từ một học sinh ngoan đến cá biệt chỉ vỏn vẹn trong vòng 5 tháng. Nam là con trai cả của chị, năm nay lên lớp 6 một trường chuyên của thành phố.
5 năm học cấp I, Nam là học sinh giỏi của trường, thậm chí đứng đầu trong tất cả các hoạt động ở lớp. Tốt nghiệp bậc tiểu học, gia đình muốn cháu đích tôn phải vào được một trường chuyên có tiếng của thành phố nên động viên tinh thần cháu bằng cách: treo phần thưởng. Bố mẹ Nam hứa nếu Nam thi đỗ sẽ tặng một chiếc máy tính để bàn riêng cho con học.
Chị Lan vẫn ngày ngày "canh" con khi con ngồi học
Nam thi đậu với điểm số cao và vào lớp 6 trường chuyên thành phố trong sự hãnh diện của cả gia đình. Vợ chồng chị Lan mua tặng con chiếc máy tính như đã hứa để tặng cậu ấm. Có lẽ bắt đầu từ khi có máy tính riêng, chuyện học hành của Nam có dấu hiệu sa sút.
Nhà chị Lan lắp Wifi từ tầng 1 lên tầng 3 nên mạng internet phủ sóng khắp nhà. Vợ chồng chị tin tưởng hoàn toàn vào ý thức của con nên những đêm khuya 11-12 giờ đêm thấy phòng con sáng đèn chỉ nhắc nhẹ. Chị nghĩ con đang học nên không can thiệp.
Ba tháng vào cấp II, chị phát hiện thấy con ít nói, gầy hơn và thường xuyên ngáp ngủ. Đặc biệt, con hay cáu gắt và văng tục với em gái khi em muốn dùng đồ chơi. Một lần tình cờ lúc 12 giờ đêm, chị vào phòng và đắp chăn cho con thì mới sững sờ. Con ngủ gật trên bàn vi tính và trước mắt là hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy của một trò chơi trên mạng.
Kết thúc học kì I, đi họp phụ huynh và cầm bảng điểm chị như rụng rời chân tay. Tất cả các môn học của con chỉ đạt trung bình và bị cô giáo phê: ý thức không tốt trong giờ học.
Chị bàn với gia đình bắt đầu cho con vào “khuôn khổ” và răn đe bằng kỷ luật thép. Đây là điều mà trước đây chị chưa từng làm với con và trong mơ chị cũng không nghĩ mình phải thực hiện với cậu con trai ngoan ngoãn của mình. Con đang mê mẩn với màn hình máy tính mỗi tối, giờ bị cấm tiệt và cậu bé bị “cai nghiện” bắt đầu có thái độ chống đối mọi người trong gia đình.
Từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời ông bà, bố mẹ, Nam “bất cần”, khó bảo hơn. Cho đến thời điểm này khi “cai máy tính” và tước máy tính của con được hơn 1 tháng nhưng chị vẫn phải canh con hàng ngày khi con ngồi học. Nam đang tuổi mới lớn giờ chỉ cần sao nhãng hoặc nặng lời “một ly là đi vạn dặm”.
Nghe chuyên gia tâm lý chia sẻ
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung đã cho biết: "Sự phát triển của công nghệ và các trang mạng xã hội đã tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp xúc với thế giới ở góc độ rộng hơn, giúp tăng vốn hiểu biết cũng như học hỏi được thêm nhiều cách hành xử hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngược lại khi các em học sinh thiếu sự định hướng của gia đình ngay từ những năm đầu đời, thiếu bản lĩnh, lập trường hợp lý nên đã sử dụng các trang mạng xã hội một cách vô tội vạ như: đăng ảnh hở hang, khoe cơ thể, lập các hội bài trừ người khác (anti) hoặc truy cập vào những trang có nội dung thiếu lành mạnh".
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung
Với những trường hợp này, trách nhiệm hàng đầu thuộc về phụ huynh. Một thân cây đã cứng cáp sẽ rất khó uốn nắn, vì thế, ngay từ những năm đầu đời, các em rất cần được gia đình giáo dục dựa trên sự quan tâm sâu sắc chứ không phải phó mặc các em cho nhà trường; thiết lập cho các em một lối sống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học ngay từ bé để nó được biến thành thói quen, thành cách sống của các em.
Ngay từ khi các em còn nhỏ, các bậc phụ huynh nên gieo cho các em những “hạt mầm” về các hành xử đúng đắn phù hợp với giới tính, độ tuổi, cách thể hiện tình cảm với người khác, cách chọn lựa các hạng mục học tập, giải trí hữu ích.
Khi các em bước vào tuổi dậy thì với hàng ngàn tò mò về giới tính, cơ thể và chiều hướng cảm xúc dễ bị kích động thì phụ huynh nên là những người bạn cận kề, đồng hành cùng những thay đổi của các em, không né tránh, che giấu những thắc mắc rất đỗi bình thường như “tại sao con gái có ngực lớn hơn con trai?”; “tại sao quan hệ tình dục lai có thai?”,.. để trẻ không phải tự mày mò tìm hiểu và rồi dẫn đến tình trạng “hươu chạy sai đường”.
Khi các em mắc sai sót ở tuổi dậy thì, chúng ta cần có cái nhìn bao dung cũng như sự tiếp cận đòi hỏi tinh tế hơn để giúp các em đi đúng hướng. Để chinh phục được những chàng trai, cô gái ương ngạnh này đòi hỏi phụ huynh thực sự là một nghệ sĩ. Các bậc phụ huynh nên:
- Thứ nhất, không thể dạy dỗ con cái thời đại số nếu không am hiểu. Nếu một đứa trẻ đã kiên quyết khóa cửa phòng riêng để online, chúng ta không nên dùng uy quyền ép trẻ mở cửa mà hãy cùng online tiếp cận trẻ để trẻ sẽ “tâm phục, khẩu phục” mà tự mở lòng ra với cha mẹ.
- Thứ hai, không nên mất bình tĩnh nếu phát hiện trẻ truy cập web đen, hoặc đăng các bức hình nhạy cảm, khoe cơ thể, có những phát ngôn “không ngờ” trên mạng xã hội. Khi mất bình tĩnh và cáu giận, chúng ta sẽ làm cho vấn đề bị mất kiểm soát và chắc chắn trẻ sẽ ngay lập tức “phòng thủ” khiến bạn không thể tiếp cận được chúng.
Gia đình nên tìm ra cách xử lý phù hợp nhất: tịch thu các thiết bị công nghệ (smart phone, máy tính bảng, cắt internet; cài phần mềm giới hạn thời gian online, hoặc ngăn chặn các trang web đen,...)
- Thứ ba, nếu có dạy bảo, hãy nhẹ nhàng một cách kiên quyết, không nhượng bộ nếu trẻ không cam kết ngừng các hành vi vi phạm lại, nhưng tuyệt đối không dùng những từ khiến con trẻ bị tổn thương lòng tự trọng.
- Thứ 4: Dù bận việc đến mấy các bậc phụ huynh cũng không nên để trẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, hoặc giao phó cho người giúp việc, cho nhà trường. Chính mức độ quan tâm của phụ huynh đến trẻ sẽ ảnh hưởng đến hành vi, cách ứng xử của chúng thường ngày.