Càng gần Tết, lượng thực phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ ngày càng lớn, đặc biệt là những thực phẩm như bánh kẹo, rượu, bia, mì, miến...
Thế nhưng, có mặt tại một số làng nghề chuyên sản xuất mặt hàng thực phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội, chúng tôi phát hoảng về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)…
Khuất mắt trông coi
Điểm đầu tiên chúng tôi tìm đến, đó là làng nghề chuyên sản xuất mặt hàng nông sản (mạch nha để chế biến bánh mứt kẹo; phở khô, mì, miến…) tại các xã Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội. Vào các thôn của xã Cát Quế, cảnh tượng đập vào mắt đó là hàng loạt những mảnh dong, miếng sắn được người dân thái thành từng lát mỏng phơi ngổn ngang ngay trên mặt đường.
Tiếp tục quan sát, đa phần những nguyên liệu đầu vào cho công đoạn sản xuất thực phẩm được phơi trên một số tấm nilon hoặc mảnh vải cũ kĩ, ruồi nhặng, bụi bặm bu bám nhiều. Tất cả những sản phẩm này được các hộ sản xuất, kinh doanh sáng mang ra đường hong phơi khô, chiều ra khuân về mà không hề có sự che đậy hay bảo quản gì để mặc các phương tiện xe cơ giới qua lại tha hồ cuốn bụi "phả đất" cùng với rác thải sinh hoạt vào các sản phẩm bên đường… Ngay cả những sản phẩm đã được chế biến như bánh đa, bánh phở, mì miến… cũng được người dân vô tư đặt trên các phên tre nứa phơi khắp đường làng, ngõ xóm.
Sắn, dong nguyên liệu được phơi dọc tỉnh lộ để mặc bụi bặm bu bám
Anh Tuấn, người dân ở huyện Hoài Đức cho biết, bản thân anh cũng mua những sản phẩm này trên địa bàn huyện về sử dụng nhưng chỉ là khuất mắt trông coi mà thôi. Bởi hàng ngày đi làm, anh đều chứng kiến cảnh người sản xuất hong phơi sản phẩm ở đường giao thông, rồi cách thức chế biến thủ công như vậy sẽ rất mất vệ sinh. Điều kì lạ ở chỗ, việc người dân không chấp hành đúng về mặt đảm bảo ATVSTP theo quy định nhưng cũng chẳng thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử phạt những cơ sở vi phạm cả.
Chị Nguyễn Thị Hằng, người dân xã Cát Quế, cho biết thêm: "Mọi người ở xa đến trông thấy vậy thì lo sợ, chứ chúng tôi sống trên địa bàn, hàng ngày vẫn ra ra, vào vào, chứng kiến cảnh chế biến sản phẩm như vậy mãi cũng thành quen. Những sản phẩm như vậy, người dân chúng tôi ăn mãi mà có thấy bị ngộ độc hay dị ứng do tác hại sản phẩm mang lại đâu mà lo lắng!?".
Không chỉ những cơ sở sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn huyện Hoài Đức mà ngay tại một số cơ sở chế biến mì, miến gạo tại xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì, Hà Nội khiến không ít người chứng kiến phải "choáng" với sự mất vệ sinh nơi đây. Toàn bộ những sản phẩm miến, mì gạo sau khi chế biến được các hộ dân mang phơi khô tại các ngõ xóm, ngay bên cạnh hoặc bên trên những cống nước thải sinh hoạt đen kịt. Cá biệt, có một vài hộ còn mang cả sản phẩm ra phơi ở những phên, dậu bên dòng sông Nhuệ Giang, với mong muốn sản phẩm mau khô để đưa ra thị trường tiêu thụ mà chẳng cần quan tâm xem ở dưới đó là cả dòng nước thải đen kịt, bị ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng đang bốc mùi hôi thối hoà quện với sản phẩm… Kế đến, những sản phẩm sau khi phơi khô, được cắt thành sợi nhỏ, vứt la liệt ngay tại các mặt sân, sàn nhà…
Nhắc đến làng nghề sản xuất bánh mứt kẹo trên địa bàn Hà Nội không thể không nhắc đến làng nghề truyền thống Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm). Thời điểm này, làng nghề đang vào chính vụ, nhà nhà luôn tấp nập sản xuất sản phẩm xuất ra thị trường. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, để cho ra lò những sản phẩm bánh mứt kẹo bắt mắt, làng nghề Xuân Đỉnh đã thực hiện "công nghệ" chế biến khá... kinh hoàng.
Tại một cơ sở nằm sâu trong con ngõ hẹp (thôn Đông), công nghệ làm mứt khiến những người chứng kiến phải thốt lên rằng: “Siêu bẩn!”. Toàn cảnh chế biến mứt theo quy trình tạm bợ như sau: Một chiếc sân nhỏ bày la liệt cà rốt, bí đao đang gọt vỏ. Bí đao được gọt sơ qua, thái miếng rồi vứt ngổn ngang ngay trên sàn nhà. Sau phần sơ chế, bí được chuyển vào một chiếc bể xi măng chứa nước đục ngầu, nổi váng. Một người làm tại đây cho hay, đấy là bể vôi ngâm để bí vừa giòn, vừa chống mốc.
Trong khi đó, cà rốt sau khi thái miếng, xếp chất đống trong những chiếc thúng cáu bẩn, rửa qua nước giếng rồi cứ thế mang phơi dọc vỉa hè, mặc xe cộ chạy ngang, tung bụi mù mịt.
Mặc dù ngành y tế luôn tuyên truyền người dân, các hộ sản xuất kinh doanh phải nâng cao ý thức trong chế biến thực phẩm như phải đi khám sức khoẻ định kì, sơ chế, bảo quản sản phẩm theo đúng quy định, khi chế biến phải đeo găng tay, khẩu trang… nhưng tại thời điểm có mặt, chúng tôi không thấy bất kì nhân viên nào của cơ sở này thực hiện đầy đủ những quy định trên. Không khí làm việc thời điểm này khá tất bật, nguyên liệu chuyển về ngày càng nhiều.
Bà chủ cơ sở sản xuất dù nhìn tôi ngờ vực nhưng cũng không quên giới thiệu sản phẩm: "Cháu muốn mua bao nhiêu cũng có, mua càng nhiều giá càng rẻ. Chỉ sau một tuần là có hàng đóng gói sạch sẽ". Bốc một nắm bí đao vừa sấy từ lò điện đưa cho tôi nếm thử, quả thật, miếng bí giòn tan, ngọt lừ. Nếu không tận mắt chứng kiến quá trình sơ chế và ngâm thứ quả này, sẽ chẳng ai ngờ vực về chất lượng của các sản phẩm này. Xuân Đỉnh được mệnh danh là một trong những làng nghề truyền thống của Hà Nội về bánh mứt kẹo. Thế nhưng, chưa năm nào, làng nghề này "thoát" khỏi tình trạng báo động chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm!?
Sản phẩm mì, miến thành phẩm được phơi khắp đường làng, ngõ xóm.
Sai phạm tràn lan
Theo số liệu khảo sát của trung tâm Kỹ thuật ATVSTP (ĐH Bách khoa Hà Nội), tại các cơ sở sản xuất về miến dong, bún khô và bánh phở khô tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho thấy: 100% cơ sở sản xuất đều là hộ cá thể và có thâm niên nghề nghiệp từ 3 năm trở lên. Về vệ sinh cơ sở sản xuất, 15% cơ sở có chuồng lợn gần sát khu vực sản xuất, 100% sản phẩm được phơi vào phên tre bên lề đường bụi bặm và gần cống rãnh thoát nước thải, 100% cống thoát nước thải công cộng chưa có nắp đậy gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan.
Bên cạnh đó, 100% người trực tiếp tham gia sản xuất chưa đội mũ che tóc, chưa đeo khẩu trang, 60% nguyên liệu bột nhập từ Trung Quốc độ ẩm khoảng 40%, mùi khó chịu đều được chứa trong các bao tải và chất đống rất mất vệ sinh, 50% các hộ dùng chất tẩy trắng bột bằng Natri hydrosulphat, axit HCL, thuốc tím, 50% số hộ dùng phèn chua để làm dai bột. Về kiến thức thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, khảo sát này chỉ ra: 50% số người tham gia sản xuất chưa được khám sức khoẻ và cấy phân tìm mầm bệnh đường ruột, 70% người tham gia sản xuất trên 1 năm chưa khám sức khoẻ, 100% người tham gia sản xuất chưa tham gia tập huấn kiến thức ATVSTP. Nhóm thực hiện khảo sát đã lấy mẫu tinh bột nguyên liệu, nước sản xuất bún, bánh phở khô và miến phân tích xác định mức độ ô nhiễm vi sinh và hoá học.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), thực phẩm, trong đó có gạo bị mốc, thiu thối, sinh ra rất nhiều chất độc, nhất là aflatoxin - một độc tố nấm mốc đáng sợ nhất. Ngoài việc gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, đi ngoài, đau đầu, nôn mửa, thậm chí gây chết người tức thì (liều gây chết người khoảng 10mg), độc tố aflatoxin còn được xem là nguyên nhân gây xơ gan và ung thư. Do vậy, việc đảm bảo chất lượng của các nguyên phụ liệu đầu vào trong chế biến thực phẩm chiếm vai trò hết sức quan trọng. Tiếp đến là quá trình chế biến thực phẩm phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về mặt chất lượng. Muốn làm được điều này, đòi hỏi người sản xuất, hộ gia đình phải được tập huấn về mặt kiến thức, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong chế biến, bảo quản thực phẩm mới có thể cho ra sản phẩm chất lượng cũng như đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
"Mò kim đáy bể" tìm thực phẩm sạch! Đề cập tới chất lượng sản phẩm, anh Trần Tuấn Anh, một người dân ở huyện Hoài Đức cho biết: "Vào mỗi dịp năm hết Tết đến, ai cũng mong muốn sắm sửa cho gia đình mình đầy đủ mọi thứ để đón Tết thật đầm ấm. Một trong những thực phẩm không thể thiếu được đối với mỗi gia đình đó là bánh mứt kẹo, các loại mì, miến, bánh đa… Tuy nhiên, để tìm mua được những sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chẳng khác gì "mò kim đáy biển". |