Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế sau khi hai bộ Báo cáo về việc Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ được mở ngành đào tạo y khoa, dược học.
Tối 2/12, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc trường Đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược.
Theo đó, Phó Thủ tướng khẳng định, việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành Y tế nói chung, đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là yêu cầu, tiêu chí hàng đầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học phù hợp với đặc thù và đảm bảo yêu cầu chất lượng nhân lực ngành Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế đánh giá thực trạng đào tạo Y khoa, Dược học; trước hết tổ chức khảo sát, đánh giá tại các Trường Đại học đa ngành và có phương án, giải pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết theo đúng kết luận tại Biên bản của Đoàn thẩm định (liên ngành Giáo dục và Đào tạo - Y tế tổ chức trước khi Bộ GD-ĐT quyết định cho phép Trường mở ngành). Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ được tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học khi Trường đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ sẽ được kiểm tra các điều kiện đào tạo Y khoa, Dược học.
Theo báo cáo gửi Phó Thủ tướng trước đó, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cho biết việc mở các ngành đào tạo đại học được thực hiện theo quy định theo Thông tư 08 ban hành ngày 17 tháng 2 năm 2011 của Bộ GD&ĐT và hiện có 12 cơ sở đào tạo y khoa chuyên ngành thuộc Bộ Y tế và 9 trường đa ngành (trong đó có 5 trường tư thục).
Trong khi mức điểm đầu vào hàng năm ngành y của các trường đại học công lập dao động khoảng 24-25 điểm, một số trường, khoa có mức 27-28 điểm thì tại các trường ngoài công lập chỉ khoảng 21-22 điểm.
Vì vậy, việc mở ngành đào tạo y, dược tại các trường đại học đa ngành, ngoài công lập đã dấy lên nghi ngại về chất lượng đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ.
Đối với trường hợp của trường đại học Kinh doanh và Công nghệ, Bộ GD&ĐT cho biết Trường đã có đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành Y đa khoa và Dược học từ tháng 6/2012. Thời điểm đó, trường chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện nên Bộ chưa cho phép. Ngay sau đó, Trường đã tiến hành đầu tư bổ sung, hoàn thiện các điều kiện theo quy định.
Tới tháng 7/ 2015, Trường tiếp tục trình Hồ sơ đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành Y, Dược. Trước thực tế Trường đã đầu tư cơ sở vật chất trước khi 2 Bộ có chủ trương tạm dừng cho phép mở ngành đào tạo Y, Dược nên 2 Bộ đã lập Đoàn liên ngành để thẩm tra. Đoàn liên ngành đã có biên bản trong đó yêu cầu Trường phải hoàn thiện một số việc. Bộ Y tế ủng hộ chủ trương cho Trường mở ngành nếu đáp ứng được các yêu cầu của Đoàn thẩm định. Sau khi xem xét hồ sơ bổ sung của trường, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga đã ký Quyết định cho phép trường mở hai ngành Dược học và Y đa khoa.
Hiện trường mới được mở ngành, chưa tuyển sinh.