Tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dừng tất cả các cuộc họp trong ngày 3/8 để tập trung chống bão; cấm tất cả các tàu tham quan, nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long từ chiều 2/8. Thái Bình cũng đang gấp rút hoàn thành mọi công tác chống bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, Quảng Ninh – Thái Bình là tỉnh nằm trong tâm bão quét qua với cường độ cấp 9, cấp 10, bờ biển có thể có sóng cao kết hợp với thủy triều dâng cao 3 – 5m.
Quảng Ninh hoãn họp dồn sức chống bão
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Quảng Ninh, tính đến sáng ngày 2/8, tất cả các tàu thuyền đã được kêu gọi, biết thông tin về cơn bão số 5, đã và đang trên đường về nơi trú tránh an toàn. Từ 10h sáng 1/8, toàn bộ tàu thuyền đánh bắt xa bờ bị cấm ra khơi để đảm bảo an toàn trước bão.
Sáng nay, đoàn công tác phòng chống bão lụt của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB trung ương trực tiếp xuống Quảng Ninh để chỉ đạo công tác đối phó với bão số 5.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đặc biệt nhấn mạnh với đoàn công tác chống bão tại Quảng Ninh phải đặc biệt chú ý đoạn đê biển Hà Nam đã gia cố nhưng phải kiểm tra trước khi bão đổ bộ vào bởi dự báo bão vào sẽ mạnh cấp 8, 9 cộng với tác động của thủy triều sẽ làm cho sóng cao tới 3m – 5m. Bộ trưởng cũng lưu ý, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lồng bè nuôi thủy hải sản, tâm lý bà con thường hay tiếc của, ở trên lồng bè lúc sóng to gió lớn là rất nguy hiểm. Ngoài ra, việc kiểm soát tàu thuyền du lịch cũng nhiều cần phải tiến hành khẩn trương.
Ngoài những chỉ đạo sát sao của Trưởng Ban PCLB trung ương, sáng nay (2/8), ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp chống bão số 5. Theo dự báo ngày 3/8 bão đổ bộ vào nên tỉnh sẽ dừng tất cả các cuộc họp để tập trung tất cả lực lượng dồn sức cho công tác chống bão, sẵn sàng mọi lực lượng ứng cứu trong mọi tình huống.
“Từ chiều nay (2/8), sẽ dừng toàn bộ các hoạt động và các tàu tham quan, nghỉ dưỡng trên vịnh Hạ Long đến khi bão đi qua. Các địa phương như Cô Tô, Vân Đồn phải thông báo đển tất cả các du khách biết vị trí, diễn biến và các thông tin liên quan đến cơn bão để du khách trú tránh vào nơi an toàn”, ông Đọc nói.
Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra công tác chống bão (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, các lực lượng chức năng đang tiến hành di dời toàn bộ các hộ gia đình sinh sống ở vịnh Hạ Long và người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ an toàn. Dự kiến, công tác di dời sẽ phải hoàn thành trước 8h ngày mai (3/8), trước khi bão đổ bộ vào.
Đối với lưu ý của Bộ trưởng Cao Đức Phát về đoạn đê Hà Nam, ông Đọc cho hay, tỉnh đã cử lực lượng PCLB của địa phương túc trực 24/24, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương tiện, vật chất phòng chống lụt bão để đối phó với mọi tình huống xảy ra. Nhu yếu phẩm và các phương án di dời người dân ở khu vực này cũng đã được chuẩn bị.
Việc đảm bảo an toàn khai thác hầm lò tại Quảng Ninh cũng đặc biệt được chú ý. Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị có khai thác lộ thiên, Công ty Môi trường: Tổ chức kiểm tra ngay các khu vực bãi thải, hệ thống thoát nước, tuyến đê bao dọc các tầng thải, đập chắn đất đá chân bãi thải, hồ nước đập, mương thoát nước sau đập, phân tách dòng chảy theo đúng phương án. Bố trí cán bộ trực canh gác và theo dõi công trình để kịp thời phát hiện nguy cơ có thể xảy ra sự cố. Tổ chức sơ tán người và thiết bị tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn nếu cần thiết; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các vị trí xung yếu để ứng phó khi xảy ra sự cố.
Do trong tháng 7 đã diễn ra mưa nhiều, nước đã ngấm và tích một lượng rất lớn trên các khu vực khai thác hầm lò, cho nên các đơn vị khai thác hầm lò cần đặc biệt chú ý phương án phòng chống ngập mỏ; kiểm tra bề mặt địa hình, san lấp các hố tụ thuỷ, trám lấp các vết nứt và khu sụt lún; kiểm tra, khởi động máy phát điện diezen đảm bảo sẵn sàng phát điện khi bị mất điện lưới; chuẩn bị phương án sơ tán người và thiết bị đến nơi an toàn và sẵn sàng đối phó với các tình huống mưa to gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất…
Các nhà máy nhiệt điện thuộc Vinacomin cũng được chỉ đạo kiểm tra, xác định lượng than dự phòng để đảm bảo cung cấp đốt lò trong thời gian mưa bão, đề phòng trường hợp sự cố không cấp được than từ ngoài nhà máy. Các đơn vị tổ chức kiểm tra nhà xưởng, kho tàng, triển khai giằng néo đảm bảo chắc chắn đề phòng tốc mái, có phương án tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian bão đổ bộ
Đặc biệt, Tổng giám đốc và Giám đốc các đơn vị thuộc Vinacomin chỉ được di dời khỏi khu vực trong thời gian bão đổ bộ khi có ý kiến đồng ý của lãnh đạo Tập đoàn hoặc dự các cuộc họp do Tập đoàn triệu tập. Tổ chức trực ban 24/24h tại các đơn vị khi có bão đổ bộ để đảm bảo an toàn hầm lò.
Thái Bình đã kêu gọi ngư dân vào bờ
Còn tại Thái Bình, các lực lượng chức năng cũng đang khẩn trương hoàn thành các công việc để đối phó với cơn bão số 5 dự báo sẽ đổ bộ vào tỉnh này trong ngày mai.
Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình, tính đến hiện tại, đã liên lạc được với hơn 1.100 tàu thuyền với hơn 3.100 ngư dân biết về diễn biến của cơn bão để vào nơi trú tránh an toàn. Từ sáng nay (2/8), tỉnh đã ra lệnh cấm toàn bộ tàu thuyền, không ra khơi cho đến khi tình hình an toàn trở lại.
Trước đó, từ tối ngày 1/8, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cũng đã chỉ đạo các trạm bơm tiêu úng, mở các cống xả nước để đề phòng bão gây ra mưa lớn, ngập lụt.
Đến hiện tại, toàn bộ các tuyến đê trên địa bàn tỉnh đã được kiểm tra, đôn đốc rà soát, đảm bảo an toàn, đặc biệt là các tuyến đê đã bị thiệt hại ở các huyện như Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy. Công ty Điện lực Thái Bình và các đơn vị viễn thông đóng trên địa bàn cũng đã được chỉ đạo duy trì liên lạc 24/24h để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống bão số 5.
Sáng nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, từ sáng sớm 3/8, các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Từ ngày 3/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m. |