Để tránh tình huống xấu có thể xảy ra, yêu cầu tích thêm nước vượt mức quy định vào các hồ chứa phát điện của EVN cần được sự xem xét kỹ lưỡng và phê duyệt từ Thủ tướng chính phủ.
Đây là trả lời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát trước đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc tận dụng đợt mưa kèm theo bão số 5 sắp đổ bộ để tích thêm nước vào các hồ chứa lớn nhằm mục tiêu dành cho phát điện.
Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến các hồ thủy điện lớn nhỏ tích được khá nhiều nước phục vụ cho công tác phát điện. Để tăng cường nguồn cung từ thủy điện, EVN đã có đề nghị xem xét cho phép được tận dụng thêm lượng mưa từ cơn bão số 5 được dự báo sắp tới (mưa được dự báo từ 100mm – 400mm) để tích thêm nước vào các hồ thủy điện lớn.
Có thể đánh giá đây là một tình huống khá phức tạp và cần được xem xét kỹ lưỡng bởi trước đây đã từng xảy ra sự việc khi mưa lũ đổ về, các hộ dân ở hạ du cùng một lúc phải gánh chịu cả nước từ thượng nguồn cả nước từ các hồ thủy điện xả ra nên bị ngập lụt và thiệt hại rất nặng nề.
Mỗi lần thủy điện Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ, người dân hạ lưu lại thót tim (Ảnh: Dân Việt)
Phải được sự đồng ý của Thủ tướng
Nhận được yêu cầu của EVN, sáng nay (1/8) Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương đã mời Viện Khoa học thủy lợi, Viện cơ học, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn của Đại học Thủy lợi cùng xem xét đánh giá tình hình.
Theo nhận định của các nhà khoa học về tình hình hồ chứa hiện trạng và đề nghị của EVN, trên cơ sở tính toán 3 chỉ tiêu an toàn công trình hồ, chống lũ hạ du và mục tiêu phát điện, nhóm tư vấn đã đồng ý phương án có thể cho EVN cho tích thêm nước vào một số hồ thủy điện.
Cụ thể, đối với Hòa Bình, EVN đề nghị cho tích 110m nhưng nhóm tư vấn chỉ cho phép tích tối đa 108m (mức được phê duyệt trước đó là 101m). Đối với hồ Tuyên Quang, nhóm tư vấn đồng ý cho tích 105,2m; thấp hơn đề nghị của EVN.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo PCLB trung ương Cao Đức Phát, hiện chỉ cần mưa 300mm là vùng Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định nước ngập đầy đồng lúa.
Bộ trưởng cũng nhận định, dù các nhà khoa học đã cho phép nhưng phải chờ phê duyệt từ Thủ tướng. “Bởi trong tình huống này, nếu mưa lớn, ngoài đồng đầy nước, nếu thủy điện lại xả thêm nước nữa (trường hợp nước nhiều quá khả năng tích tối đa) là việc vô cùng nguy hiểm”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương cũng đưa ra nhận định, đối với thời kỳ mưa ở miền Bắc, mưa lớn nhất rơi vào cuối tháng 7, đầu 8. Đợt mưa vừa qua và cơn số 5 này sẽ là đợt mưa lớn, những đợt sau có mưa sẽ có ở hạ du là vùng đồng bằng và lòng hồ còn mưa ở trên thượng nguồn ít hơn.
Được biết, riêng đối với những hồ thủy điện lớn là Sơn La, Hòa Bình, Tuyên thì trước ngày 10/8/2013, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương chỉ có quyền chỉ đạo theo quy định mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Trước đây, trong năm 2010, 2011, đã xảy ra hiện tượng nhiều hồ thủy điện tại miền Trung xả lũ quá bất ngờ, chỉ thông báo trước 2h – 3h khiến hàng trăm ngàn người dân vùng hạ lưu không kịp trở tay và phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề.