Nhiều cơ sở giết mổ chui sẵn sàng tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ heo. Nghiên cứu chỉ ra rằng, lượng tồn dư của thuốc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏengười tiêu dùng, đặc biệt có khả năng dẫn đến ung thư.
Phát hiện kinh hoàng
Sáng 8/7, thông tin mới nhất từ trạm Thú y quận 12, chi cục Thú y TP.HCM, đơn vị này phối hợp cùng cơ quan chức năng, đột kích bắt quả tang cơ sở thuộc nhà không số ở tổ 47, khu phố 7, phường Hiệp Thành, đang tổ chức giết mổ heo lậu. Tang vật tại hiện trường là 37kg thịt heo, 11 con heo khác đang chờ bị giết, tất cả đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Chủ cơ sở giết mổ là Nguyễn Văn Văn (SN 1984, quê Nam Định). Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ nhiều lọ thuốc gây mê an thần Combistress đã qua sử dụng vứt vương vãi. Văn khai nhận, cơ sở đã hoạt động từ đầu năm 2015, thuốc gây mê an thần Combistress được Văn mua tại các tiệm thuốc thú y về tiêm cho heo trước khi giết mổ để thịt heo đẹp hơn. Sau đó, Văn phân thịt và bán ra cho công nhân khu công nghiệp Hiệp Thành. Với hành động trên, cơ quan chức năng tiến hành xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động giết mổ trái phép của Văn.
Cơ quan chức năng đang tiến hành lập biên bản xử phạt cơ sở của Văn tại quận 12.
Theo tìm hiểu của PV, thực chất, hành động tiêm thuốc an thần như Combistress hay Prozil của các cơ sở giết mổ heo lậu đã diễn ra từ lâu. Đa số các cơ sở này đều nằm ở các khu vực hẻo lánh để tránh đánh động. Ngay tại TP.HCM, có nhiều địa điểm giết mổ chui, nằm rải rác ở các quận huyện vùng ven như Thủ Đức, quận 12, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh...
Nhiều ngày tiếp cận một cơ sở giết mổ heo lậu tại huyện Bình Chánh, PV được T.- một thợ phụ giết heo tại cơ sở này cho biết: “Một đêm phải giết chừng chục con, thịt đến tay người ăn cũng phải mất hàng chục giờ đồng hồ. Lúc ấy thịt đã nhạt màu lắm rồi, nhìn rất chán, chưa kể các mối lái còn bán không được hàng. Trong khi người ăn thì cứ đòi bóng, đỏ, bắt mắt thì phải dùng chiêu tiêm thuốc an thần thôi. Tôi khuyên cậu không nên ăn loại này. Cho không, tôi cũng không dùng nó. Ăn vào thế nào cũng sinh bệnh tật”.
Ông A., ngụ phường Linh Trung, quận Thủ Đức, một đầu mối nhập thịt heo từ Bình Dương về tiêu thụ cho các chợ nhỏ lẻ tại quận Thủ Đức, quận 9, TP.HCM tiết lộ: “Đó là cuộc cạnh tranh giữa các lò mổ. Vì vậy, người ta tìm mọi cách kể cả tiêm thuốc an thần độc hại, trước khi giết heo để lợi nhuận cao. Người dùng thì cứ thế ăn ngon lành, đâu biết mình đang rước họa vào thân”.
Ung thư từ dư lượng thuốc
Theo ông Huỳnh Quốc Quý, Phó trạm Thú y quận 12, thuốc Combistress chỉ được dùng trong trường hợp vận chuyển động vật, nghiêm cấm sử dụng tiêm cho động vật trước khi giết mổ. Cũng theo một đại diện chi cục Thú y TP.HCM, thuốc Combistress bị cấm sử dụng tiêm vào động vật trước khi giết mổ vì trong thời gian ngắn, thuốc chưa đào thải hết, người tiêu dùng ăn vào có nguy cơ ung thư rất cao.
Khi bị bắt quả tang, cơ sở của Văn đang giết heo dưới nền xi măng dơ bẩn.
Chỉ một cú click chuột, trên màn hình vi tính sẽ hiển thị hàng loạt các cửa hàng thuốc thú y, địa chỉ cũng như số điện thoại. Khi gọi tới những số điện thoại này hỏi mua Combistress hay Prozil (một loại thuốc an thần), hầu như tất cả các cửa hàng đều trả lời có hàng và sẵn sàng bán mà không quan tâm tới mục đích khách hàng mua thuốc để làm gì. Chỉ với 90 nghìn đồng, là có trong tay một hộp thuốc, nếu mua với số lượng lớn có thể giao hàng trực tiếp tại nhà.
Chúng tôi vào vai một chủ lò mổ heo, muốn tìm mua thuốc an thần, tại cửa hàng thuốc thú y trên đường Lý Chính Thắng (P.7, Q.3, TP.HCM), hỏi mua một chai Combistress, ngay lập tức nhân viên cửa hàng xác nhận có hàng và hỏi mua với số lượng bao nhiêu? Sau đó nhân viên này trực tiếp ra phía sau lấy hàng. Tại một cửa hàng thuốc thú y khác thuộc khu phố 7 (P.Thới An, Q.12, TP.HCM), chúng tôi hỏi mua loại thuốc trên và được giới thiệu thêm một loại thuốc cùng có công dụng tương tự là Prozil. Khi hỏi công dụng của loại thuốc này có giúp thịt tươi sau khi mổ hay không, thì nhân viên cửa hàng trả lời “chắc chắn rồi”.
Qua tìm hiểu thực tế tại hàng loạt cửa hàng thuốc thú y trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy rằng, việc mua bán các loại thuốc an thần cho động vật là hết sức dễ dàng. “Nhiều người thì nói mua về để làm cái này, cái kia. Nhiều người còn chả nói gì nhưng mà đâu có thuộc dạng thuốc cấm, người ta mua thì mình bán thôi”, một chủ cửa hàng cho biết.
PGS.TS. Lê Văn Thọ, khoa Chăn nuôi thú y, đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết: “Trường hợp heo được tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi trong thịt còn tồn dư lượng thuốc với nồng độ cao vì thuốc chưa được bài thải ra ngoài hết. Người ăn phải loại thịt này liên tục, lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ nhất là đối với người già và trẻ nhỏ”.
Bác sỹ thú y Bùi Văn Minh (quận Gò Vấp, TP.HCM) cảnh báo: “Thông thường, người ta chỉ sử dụng thuốc an thần Prozil hay Combistress đối với động vật khi cần di chuyển chúng từ nơi này đến nơi khác bằng xe, hoặc trước khi tiến hành gây mê phẫu thuật. Sở dĩ người ta làm như vậy là để ngăn ngừa tình trạng động vật bị căng thẳng, stress có thể sẽ bị xuất huyết nội tạng.
Tuy vậy, nhiều người lạm dụng việc sử dụng thuốc để kiếm lợi nhuận bằng cách trước khi giết mổ động vật thì tiêm vào một lượng thuốc an thần nói trên cho chúng. Làm việc này sẽ khiến thịt động vật khi giết mổ xong có màu đỏ tươi, nhìn bắt mắt hơn. Tuy vậy, dư lượng của các loại thuốc này sẽ còn tồn đọng trong thịt nhiều, nếu thời gian tiêm và giết mổ quá ngắn. Dư lượng của thuốc sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người tiêu dùng”.
Sẽ bị xử lý hình sự nếu gây nguy hiểm tính mạng con người Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Hồng Cơ, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Từ việc phát hiện bắt quả tang các loại thuốc mà cơ sở giết mổ động vật sử dụng, cơ quan chức năng sẽ đối chiếu chúng với những loại thuốc bị cấm để có hình thức xử lý hợp lý. Trong vụ việc trên, nếu hành động tiêm thuốc của chủ lò mổ gây thiệt hại hoặc nguy hiểm đến tính mạng con người thì sẽ bị xử lý hình sự. Nếu chưa có thiệt hại về người, thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính. Nếu cơ sở giết mổ chui hoạt động trên 6 tháng sẽ bị cấu thành tội Kinh doanh trái phép và là một tình tiết tăng nặng hình phạt”. |