Màng bọc Trung Quốc gây vô sinh, trứng được tẩy trắng bằng hóa chất, phù phép gạo mốc thành gạo mới... là những thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm đáng chú ý trong tuần.
Hãy cùng điểm lại những vụ bê bối liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được nhiều người quan tâm trong tuần vừa qua:
Màng bọc thực phẩm Trung Quốc gây vô sinh
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 28-7 phát đi một đoạn phóng sự điều tra cho thấy 15 trong số 16 loại màng bọc thức ăn PVC tại các thành phố lớn của nước này chứa chất dẻo DEHA, loại chất phá hủy hệ thống nội tiết, dẫn đến dậy thì sớm ở nữ và vô sinh ở nam.
Các chuyên gia khuyến khích sử dụng màng bọc thức ăn PE thay vì màng bọc PVC độc hại - Ảnh: Xinkuaibao
Trong chương trình “Báo cáo chất lượng mỗi tuần” do CCTV thực hiện, các phóng viên cho biết màng bọc PVC của những thương hiệu lớn nhất đều chứa DEHA. Trong số đó, loại thấp nhất vượt ngưỡng 98 lần, cao nhất vượt ngưỡng 472 lần, còn trung bình đều vượt quá mức cho phép 200 lần.
CCTV cho biết các mẫu màng bọc thức ăn được phóng viên thu thập từ những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu. Các màng bọc độc hại không chỉ có mặt ở một khu vực mà trên khắp Trung Quốc. Ngay cả những nhãn hiệu nổi tiếng cũng nằm trong danh sách này.
Trước thông tin cảnh báo trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Vệ sinh - Y tế công cộng TP.HCM lấy mẫu giám sát, kiểm nghiệm DEHA và những hóa chất thôi nhiễm độc hại khác đối với sản phẩm màng bọc bảo quản thực phẩm PVC tại 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trước mắt, tập trung các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Kết quả kiểm nghiệm các loại màng bọc này sẽ có trước ngày 10/8.
Tẩy sạch trứng lậu bằng hóa chất độc hại
Theo giới kinh doanh, có chưa tới 1/2 lượng trứng gà, vịt bày bán tại TP.HCM là có kiểm soát từ cơ quan thú y, còn lại đều là hàng trôi nổi không có kiểm dịch.
Giới chuyên môn cho biết, trứng gia cầm cho dù có bao bì, nhãn mác nhưng phần lớn đều là hàng chưa qua kiểm dịch từ cơ quan thú y. Trứng gia cầm không kiểm dịch từ các tỉnh vận chuyển về TP.HCM, được mối lái gom về bỏ mối các điểm kinh doanh. Những nơi này cho trứng vào vỏ hộp, thậm chí họ còn dùng cả nhãn hiệu tự in (không có đăng ký) để dán lên, gây nhầm lẫn với sản phẩm trứng có kiểm dịch từ các cơ sở kinh doanh trứng có đăng ký.
Trứng không kiểm dịch còn được các điểm kinh doanh xử lý, làm sạch bằng cách ngâm thuốc tẩy. Hóa chất này dễ dàng ngấm vào lòng trứng, có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
TP.HCM có hàng trăm cơ sở kinh doanh trứng gia cầm, mỗi đầu mối kinh doanh có thương hiệu riêng. Theo quy định thú y thì hầu hết cơ sở này đều không đủ điều kiện kinh doanh, nhưng do các cơ quan chức năng chưa làm quyết liệt nên họ vẫn tồn tại.
Gạo mốc thành gạo mới bằng hóa chất Trung Quốc
Gần đây, những thông tin về việc tẩy trắng gạo, biến gạo mốc thành gạo ngon... gây hoang mang cho người tiêu dùng Việt.
Hiện nay, để tạo ra thành phẩm là hạt gạo, người ta không dùng các phương pháp xay xát thủ công mà chủ yếu sử dụng máy móc. Công đoạn tạo ra hạt gạo được rút ngắn nhưng chất lượng của hạt gạo không được đảm bảo an toàn.
Hóa chất làm trắng gạo
Chủ một cơ sở xay xát gạo cho biết, để tạo mùi và làm trắng gạo, trước hết phải mua loại hóa chất tạo mùi thơm cho từng loại gạo cũng như hóa chất tạo màu cho từng loại gạo để biến gạo thành các màu khác nhau hoặc biến gạo thành màu trắng tinh đẹp mắt. Vì các cơ sở xay xát thường mua lúa về tích trữ một thời gian nên khi xay xát sẽ không giữ được mùi thơm của gạo như ban đầu. Các hóa chất tạo mùi thơm cho gạo được mua từ Trung Quốc, tuy nhiên không được bán nhiều trên thị trường, chủ các cơ sở xay xát phải đến tận công ty cung cấp hóa chất để mua.
Ngoài việc tẩy trắng, hóa chất này còn có thể làm nở cơm hết cỡ khi nấu. Ví dụ, 10kg gạo làm trắng bằng bột này thì khi nấu sẽ nở bằng 20kg gạo không dùng hóa chất.
Bắt 100 thùng Colagen, nhau thai cừu…giả hàng xách tay
Sáng nay (2/8) , Đội 6 Phòng Cảnh sát môi trường công an TP Hà Nội phối hợp với đội 1 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Đội Cảnh sát môi trường quận Đống Đa, Phòng cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội phát hiện và bắt giữ hơn 100 thùng thực phẩm chức năng và các loại sản phẩm làm đẹp dành cho chị em phụ nữ tại địa chỉ 166B, Cụm 13 phường Trung Liệt, Thái Hà, Hà Nội.
Số hàng trên bao gồm nhiều chủng loại như Colagen, GlucoSamin, sụn vây cá mập, sữa ong chúa, tỏi đen, tảo xoắn, nhau thai cừu đang được đóng gói bao bì, dán nhãn phụ nhằm giả làm hàng xách tay từ Mỹ, Úc về.
Chủ nhân số hàng trên là đối tượng Hoàng Nghĩa Dũng, sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú tại xóm 3, xã Hưng Chính, Thành phố Vinh Nghệ An. Hoàng Nghĩa Dũng khai nhận: “Hàng được mua lại của một người bán tên là Việt trên cửa khẩu Lạng Sơn, không có hóa đơn chứng từ”. Các viên thuốc đều được đóng gói trong bao nilon và không hề có nhãn mác gì.
Cho phép nhập lại nội tạng đông lạnh
Bộ NN&PTNT vừa có công văn cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh từ ngày 1-9.
Thủ tục nhập khẩu chỉ được thực hiện tại cửa khẩu của các cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM. Như vậy, việc nhập khẩu nội tạng trắng qua đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu biên giới đường bộ vẫn bị cấm.
Công văn cũng nêu rõ việc việc nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 và Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 8-4-2010; đồng thời phải có sự thỏa thuận về mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm nội tạng trắng giữa cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu với Cục Thú y Việt Nam.
Chữ Trung Quốc gắn trên 700kg cá tầm nhập lậu
Hôm 29/7, lực lượng chức năng vừa phát hiện, bắt giữ một xe tải chở 700kg cá trắm đông lạnh, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, bên ngoài các thùng xốp đựng cá đều ghi chữ Trung Quốc.
Gần 700kg cá trắm không rõ nguồn gốc xuất xứ này suýt tuồn ra thị trường tiêu thụ.
Sự việc được phát hiện vào khoảng 9h ngày 28/7 tại khu vực bến xe Lương Yên (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Trong lúc tuần tra, kiểm soát, Tổ công tác Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – CAQ Hai Bà Trưng phát hiện ô tô tải BKS 29C - 111.03 chở 12 thùng xốp đựng cá trắm đông lạnh. Tổng trọng lượng lô hàng khoảng 700 kg.
Điều đặc biệt là trên bao bì các thùng đựng cá đều ghi chữ Trung Quốc.