Bài thơ trong sách Tiếng Việt lớp 1 gây nhiều tranh cãi

Ngày 11/02/2015 08:41 AM (GMT+7)

Mới đây, các thầy cô giáo đanh tranh luận về việc dường như có một sự thay đổi về từ trong bài thơ Mùa thu câu cá ở sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1 tập 2.

Qua tìm hiểu của PV Infonet, đây là sách Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại hiện đang được áp dụng tại một số trường học.

Cụ thể, điều băn khoăn nảy sinh ở trang 127 với bài thơ “Mùa thu câu cá”- tác giả Nguyễn Khuyến, khi nhiều người bày tỏ thắc mắc là ở câu thơ thứ 4 “Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo” dùng từ “sẽ” thay mất từ “khẽ” mà họ từng được học trước đây trong khi theo họ từ “khẽ” có vẻ là hợp lý hơn.

 Bài thơ trong sách Tiếng Việt lớp 1 gây nhiều tranh cãi - 1

 Bài thơ trong sách Tiếng Việt lớp 1 gây nhiều tranh cãi - 2

 Bài thơ trong sách Tiếng Việt lớp 1 gây nhiều tranh cãi - 3

Báo điện tử Infonet xin dẫn lại bài thơ:

MÙA THU CÂU CÁ

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo. (từ được in đậm đang gây tranh cãi)

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

 Bài thơ trong sách Tiếng Việt lớp 1 gây nhiều tranh cãi - 4

Qua chia sẻ, không ít thầy cô cho rằng ngày xưa chính mình cũng đã từng được học là “khẽ đưa vèo”. Nhiều người đồng tình bởi theo họ lên cấp THPT bài thơ này cũng được học lại.

Một thầy giáo cho biết: “Theo mình "khẽ đưa vèo" mới là đúng. Thể thơ thất ngôn bát cú này có luật chặt chẽ. Câu 3 với câu 4 và câu 5 với câu 6 phải tạo thành vế đối. Ở câu 3 "hơi gợn tý" nên để chuẩn vế đối ở câu 4 phải là "khẽ đưa vèo". "Hơi" và "khẽ" đều là từ chỉ mức độ ít, thoảng qua”

Để giải đáp thắc mắc của rất nhiều thầy cô giáo về điều này, PV Infonet đã liên hệ với GS Hồ Ngọc Đại, người được coi là “cha đẻ” của cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 này ngay trong chiều ngày 10.2.

Qua trao đổi, GS Đại cho biết: “Tôi biết điều này từ trước. Trước đây có sách dùng từ “khẽ” nhưng sách của tôi lại dùng từ “sẽ” bởi tôi đã lấy theo nguyên bản của bài thơ. Người ta có nhiều bản quá nên tôi đã phải truy lại bản gốc do Xuân Diệu chép lại và giải thích: không phải “khẽ” mà là “sẽ”. “Sẽ” ở đây ý tác giả nhấn mạnh là “sẽ sàng”, “se sẽ”, thể hiện sự nhẹ nhàng, chứ không phải và mọi người đừng hiểu “sẽ” mang nghĩa là “có”.

Do vậy, theo GS Đại, nghĩa của từ “sẽ” cũng không khác hẳn so với từ “khẽ” mà còn hay hơn nên sau khi xem lại ông đã cho sửa lại, chứ không hề có sai sót về kỹ thuật.

Theo Thanh Hùng/Infonet

Tin liên quan