Trước phản ánh của báo chí về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý phù hợp vấn đề này.
Vừa nặng vừa lắm "sạn"?
Năm học 2020 - 2021 mới bắt đầu được hơn một tháng, tuy nhiên đề tài chương trình lớp 1 đã trở thành "nóng bỏng" của các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh bày tỏ, chương trình lớp 1 hiện nay khá nặng, nhiều bài đọc "có vấn đề", vừa khó hiểu vừa tạo ra cách hiểu ảnh hưởng tới tính cách của trẻ nhỏ… Sôi nổi nhất vẫn là trên các diễn đàn dành cho phụ huynh tiểu học, dày đặc các bài viết than khó đối với các bài học lớp 1. Ngoài chỉ ra các "sạn" cũng khiến phụ huynh đau đầu vì con phải học những bài học có âm đọc khó, vô nghĩa… hàng ngày, khi kèm con học cũng bất lực.
Những bài học trong sách Tiếng Việt lớp 1 có những câu từ, nội dung gây khó hiểu hoặc hiểu sai ý nghĩa đối với học sinh. Ảnh: TL
Trên diễn đàn đồng hành cùng học sinh lớp 1, một phụ huynh có tên Đ.T.T viết bài nhờ vả trong lo lắng: "Cho em hỏi giờ con em đang học lớp 1 muốn quay lại mẫu giáo lớn học thêm một năm thì có được không ạ?. Em sợ quá tuổi họ không nhận. Ai biết chỉ cho em với. Con nhà em không học nổi bộ sách thần đồng nên đành mong được ở lại lớp rèn lại". Bài viết này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh với hàng trăm lượt likes, cùng với đó là hàng trăm bình luận xoay quanh chủ đề chương trình lớp 1 hiện nay.
Ở một bài viết khác, một phụ huynh than thở: "Cải cách giáo dục, giảm tải chương trình kiểu gì khi mà con tui phải học sáng, học chiều, học thêm. Sáng học, chiều học, thời gian con tôi về được chơi duy nhất là 2 tiếng đồng hồ. Tôi hối con ăn cho nhanh, tắm nhanh để còn viết bài, đọc chữ. Khi mà bài chưa xong thì đồng hồ đã chỉ 21h, con mệt mỏi, mẹ cũng áp lực rồi hối đi ngủ cho sớm kịp 6h sáng hôm sau dậy chuẩn bị mang 1 cặp sách tới trường. Giảm tải hay áp lực khi mà mỗi ngày tụi nhỏ phải học 24 chữ cái. Đồng thời ghép thành chục tiếng khác nhau với đủ thanh sắc. Chưa kịp nhớ chữ bữa nay, ngày mai đã phải nhồi nhét thêm chữ khác, tiếng khác, bài khác...".
Theo ghi nhận, nhiều phụ huynh phàn nàn với các bài học, nội dung chương trình trong sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Ngoài những lỗi sai sót về kỹ thuật, theo một số phụ huynh, một số bài học được cho là đi xa với tư duy của con trẻ, như: Truyện "Chuột út", "Hai con ngựa", "Cua, cò và đàn cá", "Ve và gà"… Trong khi đó, rất ít thơ, tục ngữ, ca dao, đồng dao Việt Nam mà lại có quá nhiều các câu chuyện ngụ ngôn hay truyện dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, sách cũng xuất hiện một số từ ghép đọc lên cũng thấy lạ và khó hiểu như: Thỏ la cà nhá cỏ, nhá dưa…
Rà soát lại sách Tiếng Việt lớp 1
Sau những phản ánh về sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều, chia sẻ với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên sách Tiếng Việt (bộ Cánh Diều) cho hay, nhóm tác giả sách Tiếng Việt, bộ Cánh diều sẽ lắng nghe góp ý và điều chỉnh những điểm chưa hợp lý trong sách. Trước phản ánh của báo chí về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý phù hợp vấn đề này.
Ngày 12/10, Bộ GD&ĐT cho biết, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1. Công văn nêu rõ: Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 05 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở một số địa phương.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, kết quả kiểm tra cho thấy, sách giáo khoa lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu; học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập. Tuy nhiên, những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 17/10.
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT phải tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình lớp 1. Sở chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, các Sở tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD&ĐT.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3977/ BGDĐT-GDTH gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học. Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Kế hoạch này không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, đặc biệt "không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh".