Những người quan tâm đến giáo dục xôn xao trước thông tin sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không dạy học sinh âm p (pờ).
SGK Tiếng Việt lớp 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy âm p?
Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Đào Quốc Vịnh, hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tác giả đã hoàn toàn loại bỏ âm p (pờ) ra khỏi chương trình học.
Cụ thể, trang 64 sách Tiếng Việt 1 tập 1 của Kết Nối tri thức với cuộc sống chỉ nêu p ghép với h thành ph đọc là phờ, và không dạy đọc chữ p với âm pờ. Thế nhưng, "đùng" một cái trang 105 sách này cho bài đọc về Sa pa. Vậy nếu cô giáo cứ dựa vào mỗi sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì học sinh đọc thế nào từ Sa pa?". Theo thầy Vịnh, cả sách Tiếng Việt lớp 2 cũng không dạy âm p.
SGK Tiếng Việt lớp 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC
Chính vì vậy, mới đây, thầy Vịnh đã đặt vấn đề này trong bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn. Thầy Vịnh cũng cho biết thêm, sau khi đưa ra ý kiến của mình, chủ biên bộ sách Kết nối tri thức đã giải thích rằng, sách có dạy chữ p khi kết hợp với h tạo thành ph đọc là "phờ" và chưa dạy chữ P khi đứng trước các nguyên âm. Lý do đưa ra là vì rất ít từ Tiếng Việt có chữ p đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai.
Tuy nhiên, thầy Vinh khẳng định, sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của nhiều đối tượng học sinh.
"Tôi hy vọng rằng Bộ trưởng sớm chỉ đạo việc này để các cháu người dân tộc được học chữ p một cách danh chính ngôn thuận bằng hướng dẫn ngay trong sách giáo khoa, vừa không gây khó cho các em giáo viên, vừa giúp học sinh học xong lớp một biết đọc tên xã, tên trường, và tên cha mẹ mình, thậm chí ngay chính tên mình. Chưa kể tên một số dân tộc cũng có chữ p trước một nguyên âm nên việc không dạy chữ p và âm "pờ" là một lỗi nghiêm trọng, vi phạm các quy định của pháp luật đã ban hành kèm theo bảng chữ cái của tiếng Việt. Ví dụ âm p ở tên địa danh tỉnh Lai Châu như xã Pa Ủ, Pa Vệ Sử, Pa Vây Sử, Pắc Ta... nếu không được học thì học sinh sẽ phát âm thế nào?", thầy Vịnh bày tỏ.
Âm p bị loại khỏi chương trình học?. Ảnh: NVCC
"Một số người hiểu lầm ý tôi, không phải là chương trình không dạy chữ cái p, mà ở đây là không dạy âm p đứng trước nguyên âm. Và nếu học sinh đọc tốt thì đó không phải là thành tích của cuốn sách mà đó là thành tích của giáo viên, bởi cô giáo thấy thiếu thì dạy thêm cho học sinh. Đây là thiếu sót lớn", thầy giáo này nhấn mạnh.
Giáo viên nói gì?
Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Times School (Hà Nội) đang dạy bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết: "Âm p không có bài riêng nhưng trong bài học âm ph cũng như các bài khác, giáo viên sẽ hướng dẫn cho các em về âm p. Ví dụ như piano, đèn pin. Tương tự như chữ q không có bài riêng nhưng giáo viên sẽ dạy âm qu và hướng dẫn cho học sinh âm q".
Cô Trần Thị Liên, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Tào Xuyên, TP.Thanh Hóa cũng bày tỏ: "Âm p lâu nay được dạy ghép chung với âm ph. Không chỉ chương trình mới, chương trình cũ, giáo viên cũng chỉ hướng dẫn qua âm p và học luôn bài ghép với ph".
Cô Liên khẳng định, giáo viên mỗi người sẽ tự hướng dẫn cho học sinh theo cách khác nhau nhưng không nhất thiết phải có bài riêng vì đây là âm ít dùng. Trong quá trình dạy, học sinh vẫn đọc được bình thường.