Sau khi tử vong ngoại viện, các bác sĩ đã bật “báo động đỏ” toàn viện để mổ cấp cứu cháu bé trong bụng và điều kỳ diệu đã đến.
Thai phụ Lã Thị Y. (SN 1986, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) đang mang thai 35 tuần thì đột ngột tử vong, sau đó các bác sĩ đã bật “báo động đỏ” toàn viện để cứu sống cháu bé trong bụng.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, rạng sáng ngày 12/8 con trai lớn của chị Y. bất ngờ phát hiện mẹ bị tím tái, ngừng thở ở đường đi tại nhà. Ngay lập tức bé trai này đã gọi hàng xóm đến hỗ trợ, sau đó gọi xe taxi đưa vào viện.
Hình ảnh bé gái được chăm sóc tại khoa Sơ sinh bệnh viện
Khoảng 5 giờ 40 phút, ngày 12/8 thai phụ Y. được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Tại bệnh viện, bệnh nhân Y. đã ngừng thở, ngừng tim, tím tái toàn thân, mạch huyết áp không đo được, đồng tử giãn tối đa. Tim thai trong bụng rời rạch chỉ 60 lần/phút. Các bác sĩ chẩn đoán thai phụ tử vong ngoại viện không rõ nguyên nhân, thai 35 tuần, suy thai cấp.
Trước tình trạng thai nhi nguy kịch, lãnh đạo bệnh viện đã khởi động quy trình “báo động đỏ” toàn viện, chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn và mổ lấy thai.
Chỉ sau khoảng 2 phút phẫu thuật, kíp phẫu thuật đã lấy ra bé gái nặng 2,6 kg, bé có biểu hiện tổn thương não do thiếu oxy kéo dài. Toàn thân tím, không phản xạ, không khóc...
Các các sĩ khoa Sơ sinh tiến hành bóp bóng nhưng không đáp ứng, sau đó tiến hành đặt nội khí khoản và tiếp tục cấp cứu. Sau khoảng 3 phút trẻ có tim trở lại, không phản xạ, da hồng hơn, để mát chủ động, đồng thời tiếp tục bóp bóng có ô xy qua nội khí quản. Sau đó, chuyển bé về khoa sơ sinh để tiếp tục cứu chữa cho trẻ.
Tại Khoa sơ sinh trẻ đuợc làm mát toàn thân chủ động, đây là phương pháp giảm chuyển hóa não giúp não tổn thương phục hồi. Thời gian vàng là ngay trong 6 giờ đầu tiên sau sinh. Quá trình hạ thân nhiệt và làm ấm trở lại được theo dõi liên tục và chăm sóc đặc biệt 24/24.
Bác sĩ Đỗ Mạnh Hà (BV Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết, làm mát toàn thân là đưa nhiệt độ trẻ về 33 - 34 độ C trong 72 giờ liên tục giúp giảm số lượng tế bào não bị tổn thương do thiếu oxy và ngăn chặn các tổn thương tiếp diễn do phù não, giúp cải thiện tiên lượng lâu dài cho trẻ.
Sau 72 giờ trẻ sẽ được làm ấm từ từ để đưa về nhiệt độ bình thường, trẻ tiếp tục được điều trị theo dõi đến xuất viện và cần tái khám mỗi 2 - 3 tháng đến 18 tháng tuối để theo dõi về phát triển tâm thần vận động kết hợp với vật lý trị liệu để có kết quả tốt.