Hai lần mang thai, chị T. đều mất con ở tuần 23 và 24. Đến lần thứ 3 khi quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm, chị T. đã được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Ngày 15/9, chị Hồ Y T. (38 tuổi, dân tộc Giẻ Triêng, ở Gia Lai) chính thức hạ sinh một bé trai nặng 3,5kg tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Để có được hạnh phúc đó, chị T. đã phải trải qua hành trình 10 năm vất vả, thậm chí là đã 2 lần phải chịu nỗi đau mất con khi con chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.
Trước đó, vào năm 2006, chị T. và chồng là anh Nguyễn Văn Th (36 tuổi) đã sinh một bé gái khỏe mạnh. Sau 6 năm vừa nuôi vừa lo làm ăn kinh tế, anh Th. và chị T. mới quyết định sẽ sinh con thứ 2.
Thế nhưng niềm vui có thai chưa được bao lâu, hai vợ chồng chị T. đã phải đón nhận nỗi buồn khi thai nhi trong bụng bị sảy ở tuần thứ 23.
Sau hai lần sảy thai, chị T. vô cùng hạnh phúc khi đón con trai chào đời khỏe mạnh.
Nén nỗi đau thương, mất mát ấy hai vợ chồng chị T. sốc lại tâm lý, quyết định mang thai thêm lần nữa vào năm 2014.
Ở lần mang thai này, chị T. được chăm sóc và theo dõi y tế kỹ lưỡng. Thai nhi lúc đầu phát triển bình thường nhưng đến tuần 24 bác sĩ thông báo thai nhi bị phù (một biến chứng cho con do thalassemia gây ra) và chị T. một lần nữa phải đau đớn bỏ thai.
Sau sự ra đi của hai người con còn trong bụng mẹ, vợ chồng chị T. đi xét nghiệm và bất ngờ vì biết mình mang gene bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh) thể alpha.
Dù biết hai vợ chồng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh nhưng khao khát có con luôn thôi thúc hai vợ chồng dù khi đó đã 38 tuổi.
Khoảng giữa năm 2016, hai vợ chồng chị T. khăn gói từ Gia Lai ra Hà Nội khám và làm các xét nghiệm tại Trung tâm chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (BV Phụ sản Trung ương). Đến tháng 12/2016, vợ chồng chị T. chị chính thức thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
GS Tiến chia sẻ, đây là lần đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật này.
TS Hồ Sỹ Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia cho biết, sau khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, các bác sĩ đã chọn lọc được 7 phôi. Trong đó, chỉ có 2 phôi hoàn toàn bình thường, 3 phôi mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Đến ngày 5/1/2017, 2 phôi bình thường được chuyển phôi vào tử cung người mẹ làm tổ.
Ngày 15/9, ở tuần thai thứ 38, một bé trai nặng 3,5kg, chào đời khoẻ mạnh. Đặc biệt hơn nữa là qua xét nghiệm cho thấy, bé trai hoàn toàn không mang bệnh tan máu bẩm sinh.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, GIám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia cho biết, đây là lần đầu tiên trung tâm thực hiện thành công kỹ thuật này.
“Để có được thành công trên nhân viên trung tâm đã phải mày mò, tìm hiểu trong thời gian rất lâu từ những thành tựu của các nước tiên tiến trên thế giới và về áp dụng với thực tế ở Việt Nam”, GS Tiến chia sẻ.
Theo đó, các bác sĩ đã sinh thiết bằng kỹ thuật rút ra một tế bào từ phôi khoẻ mạnh, lấy tế bào đó chẩn đoán di truyền, chạy điện di xem tế bào có mang bệnh lý không. Nếu có thì loại bỏ, nếu hoàn toàn bình thường thì dùng phôi đó để chuyển.
Được biết, ở Việt Nam có khoảng 10 triệu người mang gene bệnh thalassemia, hàng năm có khoảng 2.000 trẻ chào đời mang gene bệnh. Việc chẩn đoán mang gene bệnh tan máu bẩm sinh có thể được thực hiện qua việc xét nghiệm. Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng nên đi xét nghiệm, kiểm tra.