Theo đề án vừa được Bộ GD-ĐT gửi đến Thủ tướng, giáo dục đại học sẽ kéo dài từ 3 đến 4 năm, phân thành ba luồng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng thực hành.
Trong Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ GD-ĐT gửi đến Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được sắp xếp lại từ cấp học mầm non đến đại học.
Giáo dục mầm non gồm 2 bậc học nhà trẻ và mẫu giáo. Giáo dục phổ thông gồm tiểu học (học 5 năm), trung học cơ sở (4 năm), trung học phổ thông (3 năm). Giáo dục tiểu học và trung học cơ sở chỉ có 1 luồng là giáo dục cơ bản.
Bậc trung học phổ thông có 3 luồng là định hướng chung (có tính hàn lâm, khoa học như hiện nay); định hướng kỹ thuật, công nghệ và định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao)
Giáo dục nghề nghiệp gồm đào tạo sơ cấp 1-3; trung cấp 3 năm (để đảm bảo khối lượng kiến thức phổ thông tối thiểu tương đương trung học phổ thông), cao đẳng 2-3 năm.
Giáo dục bậc cao gồm đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Trong đó đại học học từ ba đến 4 năm, phân thành ba luồng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng thực hành. Thạc sỹ học từ một đến hai năm, phân thành hai luồng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng.
Bộ GD-ĐT nhận định, đây là cách cơ cấu lại nhằm hạn chế, xóa bỏ sự lỏng lẻo, thiếu liên kết giữa các bộ phận, bậc học. Hiện nay, giáo dục Việt Nam đang bị mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo khiến nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.
Ở cơ cấu giáo dục phổ thông đã được chỉnh sửa, tính liên thông giữa các chương trình, trình độ sẽ được đề cao. Bộ GD-ĐT cho rằng, điều này sẽ làm hạn chế được các vướng mắc đang tồn tại trong hệ thống giáo dục quốc dân như: chưa xác định rõ ràng các hướng phát triển cho học sinh phổ thông; thiếu sự phân luồng người học từ sau trung học cơ sở cho đến hết giáo dục trung học; chồng lấn nhau về chương trình đào tạo, mô hình tổ chức, đo lường đánh giá và kiểm định chất lượng; chồng chéo trong chức năng của các đơn vị tham gia giáo dục và đào tạo.