Đó là khẳng định của lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) trong buổi họp báo triển khai các nhiệm vụ đảm bảo ATTP trong dịp Tết và mùa Lễ hội năm 2016.
TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế cho biết, lĩnh vực an toàn thực phẩm luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy cơ thực phẩm bẩn vẫn có thể tuồn ra thị trường bất cứ lúc nào.
TS Phong nhấn mạnh: “Trong dịp tết khi nhu cầu thực phẩm tăng cao dẫn đến thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu cũng từ đó tăng mạnh. Nếu không có kế hoạch chủ động nguy cơ thực phẩm bẩn tồn ra thị trường rất lớn”.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, ông Phong cho biết, mục tiêu trong dịp Tết Bính Thân sắp tới là làm sao giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm; thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, phường, tăng số cơ sở được thanh tra kiểm tra hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài các lực lượng chuyên ngành, báo chí cũng sẽ vào cuộc cùng các đoàn kiểm tra để đưa thông tin vi phạm an toàn thực phẩm.
Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong năm và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu và các thành phố lớn. Chú trọng phát hiện tình trạng vận chuyển thực phẩm bẩn để xử phạt, bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án, tránh để người tiêu dùng chịu thiệt.
Ngoài ra, ông Phong cũng thông tin, trong dịp tết 2016 Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về VSATTP giao Bộ Y tế phối hợp với các Bộ liên quan thành lập 06 Đoàn liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố (Chủ yếu là các Thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh có cảng biển, đường biện giới).
Bên cạnh 06 Đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố.
Để công khai, minh bạch trong quá trình thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người đứng đầu Cục ATTP cho biết, sẽ mời báo chí cùng đi để ghi nhận, cũng như phản ánh các tiêu cực (nếu có) tại các cơ sở này, để cảnh báo người tiêu dùng.