Chỉ còn vài ngày nữa cả nước sẽ tiêm lại vắc xin Quinvaxem, ngành y tế xốc lại toàn bộ hệ thống tiêm chủng.
Siết chặt điểm tiêm tại bệnh viện
Ngày 27/9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Triển khai Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng” với 63 tỉnh thành dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tại buổi giao ban trực tuyến, đại diện của Sở Y tế Ninh Bình cho biết, một số vắc xin Quinvaxem sau 3 tháng lưu kho đã có dấu hiệu mốc ở bao bì. Bộ Y tế cho biết sẽ có chỉ đạo sớm cho việc xử lý vắc xin Quinvaxem lưu kho vì các địa phương dây truyền lạnh hạn chế sẽ khó khăn khi phải bảo quản lâu dài, số lượng lớn vắc xin. |
Bộ trưởng nêu rõ ngoài các điểm tiêm tại xã, phường cần siết chặt kiểm tra các điểm tiêm chủng dịch vụ, các điểm tiêm ở BV sản, nhi. Thời gian qua, việc rà soát các kiểm tiêm chủng tại khoa sản, khoa sơ sinh của các BV phát hiện còn nhiều vấn đề sai sót về quy trình, bảo quản. Vì thế, Bộ trưởng yêu cầu ngoài trách nhiệm của trung tâm y tế dự phòng, giám đốc các bệnh viện, trưởng khoa sản, sơ sinh cũng phải chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng tiêm chủng.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 27/9, cả nước có 16.609 điểm tiêm chủng, về nguyên tắc tất cả các điểm tiêm này phải được kiểm tra, rà soát trước khi tiêm lại vắc xin Quinvaxem nhưng đến nay ngành y tế mới thanh tra được 40%. Với các điểm tiêm chủng đã được kiểm tra, nhiều địa phương báo cáo chỉ có 30-55% cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện. Nhiều cán bộ tiêm chủng chưa được tập huấn về khám sàng lọc trước tiêm.
Tại buổi giao ban trực tuyến, nhiều địa phương cho biết sau 5 tháng ngừng tiêm vắc xin Quinvaxem, việc tiêm lại trong tháng 10 chắc chắn sẽ gây nên những xáo trộn nhất định. Dự kiến số lượng trẻ đến tiêm các điểm tiêm chủng sẽ tăng gấp 3 lần so với thông thường.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tiêm chủng, Bộ Y tế yêu cầu các điểm tiêm trên cả nước phải thực hiện nghiêm túc quy định mới không được tiêm quá 50 trẻ/buổi.
Các địa phương phải thành lập đội cấp cứu xử lý sự cố sau tiêm
Thành lập đội cấp cứu xử lý sự cố sau tiêm chủng
Theo PGS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, việc quan trọng nhất là cần làm thế nào để xử lý hiệu quả tai biến sau tiêm chủng, đây vừa là vấn đề chuyên môn vừa là vấn đề y đức của ngành y tế. Vị chuyên gia này tư vấn trong số 11 vắc xin tiêm của Chương trình tiêm chủng mở rộng phần lớn các ca tai biến nặng và tử vong liên quan đến vắc xin Quinvaxem và viêm gan B. Do đó, ngành y tế cần chú trọng công tác xử trí sớm khi có sự cố với hai vắc xin này.
Trả lời vấn đề này, TS Bình cho biết, bắt đầu từ tháng 10 tất cả các địa phương sẽ phải thành lập các đội cấp cứu lưu động. Thành viên đội cấp cứu thuộc các BV, trung tâm y tế tuyến huyện, sẵn sàng hộ trợ cho các điểm tiêm chủng, kể cả điểm tiêm chủng tuyến xã, phường trong những ngày có lịch tiêm để kịp thời xử trí các ca tai biến sau tiêm.
Để đảm bảo công tác an toàn trong tiêm chủng, sức khỏe của trẻ, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Giám đốc Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, tất cả các điểm tiêm chủng trên cả nước tuyệt đối không được để lẫn vắc xin với các thuốc, sinh phẩm khác. Phải tạm dừng buổi tiêm chủng nếu có sự cố nghiêm trọng xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Tiến hành lập biên bản, ghi nhận hiện trạng tại điểm tiêm khi có sự cố (tình trạng bảo quản vác xin, nhiệt độ bảo quản, dây truyền…).
Chiều ngày 27/9, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành, các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh và sử dụng vắc xin: Tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem (Vắc xin phối hợp 5 thành phần DTwP-HepB-Hib dạng lỏng), SĐK: QLVX-0604-12 do Công ty Berna Biotech Korea Corporation sản xuất. Đối với các vắc xin Quivaxem tạm ngừng sử dụng, đang lưu kho tại các địa phương, Cục Dược cho biết các địa phương vẫn tiếp tục lưu kho (việc tiêm lại vắc xin này trong tháng 10 sẽ thực hiện tiêm lô vắc xin mới), chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Bộ Y tế. |