Bộ Y tế quyết định bắt đầu từ tháng 10/2013 sẽ chính thức tiêm lại vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trên toàn quốc sau 5 tháng tạm ngưng.
1,5 triệu liều sẽ được cấp lại cho các điểm tiêm chủng
Vắc xin Quinvaxem được sử dụng vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 do Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2013, Bộ Y tế đã phải tạm dừng sử dụng vắc xin này khi ghi nhận có 43 trẻ phản ứng sau tiêm (trong đó có 9 trẻ tử vong) chỉ trong vòng 6 tháng từ đầu tháng 11/2012 đến tháng 4/2013). Hầu hết các ca tử vong đều có tiền sử khỏe mạnh, tử vong đột ngột sau tiêm tại nhà và không có hồ sơ y khoa về diễn biến bệnh cảnh trước đó.
TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng, Bộ Y tế cho biết: “Quyết định tiêm lại vắc xin Quinvaxem Bộ Y tế đã cân nhắc kỹ lưỡng sau khi có kết quả điều tra cẩn thận, độc lập về chất lượng vắc xin. Các tổ chức trong nước và ngoài nước đều khẳng định vắc xin này an toàn”.
Kết quả kiểm định độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế Vương quốc Anh cũng cho thấy, mẫu vắc xin Quinvaxem thuộc 3 lô 1453037, 1453074 và 1453127 - các lô vắc xin có nghi ngờ liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam đã được kiểm định chất lượng tại Phòng Xét nghiệm độc lập thuộc Viện. Kết quả kiểm định ngày 14/6/2013 cho thấy, các lô vắc xin nói trên đạt các yêu cầu về chất lượng.
Kết quả cuộc họp của Ủy ban tư vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng họp ngày 12/6/2013 tại Geneva (Thụy Sỹ) gồm hơn 30 chuyên gia hàng đầu về tiêm chủng đã xem xét tất cả các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem, trong đó có Việt Nam và nhận định không có bằng chứng về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng, tử vong liên quan đến sử dụng vắc xin.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo gửi Bộ Y tế về việc tiếp tục cho sử dụng vắc xin Quinvaxem trong Dự án Tiêm chủng mở rộng.
“ 1,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem sẽ được cấp phục vụ cho việc triển khai tiêm chủng trở lại. Hiện có gần 1,4 triệu liều hoàn tất kiểm định trước lưu hành. Số vắc xin này vẫn do GAVI viện trợ”, TS Bình nói.
Vắc xin Quinvaxem sẽ được tiêm trở lại từ tháng 10/2013
Giữ nguyên lịch tiêm chủng
Theo TS Bình, ngành y tế rất lo ngại số lượng Quinvaxem sắp triển khai có thể kéo theo nhiều phản ứng nặng sau tiêm. Vì thế, công tác sàng lọc, phát hiện các trường hợp bệnh càng được chú trọng. Các địa phương sẽ tăng cường bác sĩ tuyến tỉnh và huyện về hỗ trợ trong những ngày tiêm chủng tại xã, phường.
Ông Bình ước tính có khoảng 2 triệu trường hợp “tồn đọng” sau 5 tháng tạm ngưng vắc-xin. Do đó, các điểm tiêm chủng có thể quá tải nên cần dự trù chính xác lượng vắc-xin để đảm bảo an toàn và đầy đủ cho trẻ .
Để đảm bảo chất lượng tiêm chủng, TS Bình cho biết, Bộ Y tế yêu cầu mỗi điểm tiêm không được quá 50 trẻ/ngày. Số lượng các buổi tiêm chủng tại xã, phường cũng tăng lên tùy vào số lượng trẻ đến tiêm thay vì chỉ tổ chức tiêm chủng 1 ngày/tháng như trước đây.
Liên quan đến lịch tiêm chủng vắc xin Quinvaxem, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Hội đồng khoa học cũng đã họp xem xét và quyết định giữ nguyên lịch tiêm chủng. Vì qua thống kê, tỉ lệ trẻ mắc bệnh ho gà ở tháng thứ 2 là rất cao. Trên thế giới có đến 90 nước tiêm chủng giống lịch tiêm của Việt Nam, do vắc xin đưa và cơ thể càng sớm càng tốt để trẻ có khả năng phòng bệnh nhưng cũng đảm bảo việc tuổi của trẻ đáp ứng được vắc- xin.
Tuy nhiên GS Hiển cho rằng để hạn chế những sự cố tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần hợp tác với nhân viên y tế bằng cách thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng của trẻ trước và sau tiêm để kịp thời phát hiện các tình huống chống chỉ định hoặc tạm thời chưa tiêm. Sau khi tiêm cũng cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ sốt cao, khóc thét, bỏ bú hoặc có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nên đưa đến các cơ sở y tế.