Siêu bão Utor dự báo sẽ đổ bộ vào Trung Quốc nhưng do cấp bão quá mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vùng biển nước ta, trên đất liền khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) dự báo sẽ có gió cấp 10.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương cho hay, đến trưa nay bão số 7 đã vượt qua Luzon (Philippin) đi vào biển Đông, thành cơn bão số 7 trong năm nay. 16h chiều nay (12/8), vị trí bão ở 17,5 vĩ bắc, 116,6 kinh đông, cường độ đạt cấp 13, sau khi qua Luzon suy yếu 1-2 cấp.
Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10
Trong ngày hôm nay, bão đi theo hướng Tây Bắc, 16h chiều mai, 18,9vĩ bắc, 113,6 độ Kinh Đông, mạnh lại cấp 14, sau đó dịch chuyển giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi về Lôi Châu, Trung Quốc.
Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông. Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 690 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo, trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo tính từ 16h chiều 12/8, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 16 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Nhận định về ảnh hưởng của siêu bão tới nước ta, ông Lê Thanh Hải cho hay, với cơn bão này, chúng ta không quá quan tâm đến vị trí tâm bão bởi vùng ảnh hưởng gió cấp 10 bao trùm hết Đông bắc vịnh Bắc bộ và một phần của Quảng Ninh. “Móng Cái (Quảng Ninh) có gió cấp 10. Gió mạnh cấp 6 hầu hết Bắc bộ và bao gồm khu Đông Bắc từ Thái Bình trở ra đến Cao Bằng, Lạng Sơn”, ông Hải nói.
Dự báo về siêu bão số 7 (Utor), hiện cơ quan khí tượng của Hong Kông và Nhật Bản cũng có dự báo tương tự.
Dự báo, chiều ngày 15/8, vịnh Bắc bộ có gió mạnh, mạnh dần đạt cấp 10, siêu bão sẽ không đi xuống Vịnh Bắc Bộ nhưng sẽ đi rất sát, gây ra gió mạnh tại đây.
Về dự báo mưa, ông Hải cho hay, khu Đông bắc, vùng núi phía Bắc có đợt mưa vừa, to diện rộng. Thời gian mưa từ ngày 15/8 đến hết ngày và đêm 17/8, tức mưa kéo dài trong vòng 3 ngày, mưa lớn tập trung ở vùng núi và Đông Bắc, khu lưu vực sông Đà cũng có nhưng ít hơn. Vùng núi phía bắc khá đáng ngại về mưa sau bão số 7, ông Hải nhận định.
Đường đi của siêu bão lúc 16h 12/8 (Nguồn: TTDBKTTV)
Chú ý các sự cố đê điều
Siêu bão làm 42 người chết và mất tích tại Philippin (Ảnh: REUTERS)
Ông Vũ Văn Tú, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương cho hay, các hồ thủy lợi Bắc bộ đạt 80%-90% thiết kế, 10 hồ đã đầy nước; 4 hồ tràn ở Lạng Sơn, Vĩnh Phúc; 4 hồ đang tràn xả lũ về hạ du. Riêng hồ Núi Cốc đang xả lớn, 400m3/s gây lũ kéo dài trên hệ thống sông Cầu.
Tính đến 16h30 chiều nay biên phòng các tỉnh đã thông báo cho 67.315 phương tiện/ 284.424 ngư dân biết vị trí bão phòng tránh. Toàn bộ số phương tiện hoạt động ở Hoàng Sa vẫn giữ liên lạc tốt.
Đến chiều nay, có thiệt hại do áp thấp nhiệt đới tồn tại trên biển Đông gây là thuyền viên Bành Quang Mười trên tàu cá của Bình Định BĐ 97030 không may bị rơi xuống biển khi chạy tránh áp thấp nhiệt đới. Hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích ông Mười, các tàu trong vùng đang tiếp tục tìm kiếm.Đại diện Bộ Biên phòng cho hay, Bắc Biển đông còn 76 tàu của Quảng Bình đã di chuyển vào gần bờ hiện đã an toàn. Các lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân đã tổ chức túc trực. 3 tiếng 1 lần trong đất liền gửi bản tin bằng hình ảnh cho các tàu sẽ nhận được tất cả bản tin đất liền gửi ra và biết diễn biến, cường độ, đường đi của siêu bão.
Chỉ đạo công tác phòng chống với siêu bão, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương nhấn mạnh, phía Đông Bắc đảo Đông Sa, Tây đảo Hải Nam sẽ chịu ảnh hưởng của gió cấp 6 lại đang có nhiều tàu thuyền, cần chú ý. Hiện, 3 tàu ở Nam Hoàng Sa, bộ Ngoại giao liên hệ xem có yêu cầu cần hỗ trợ không để điện phía Trung Quốc yêu cầu được trú tránh.
“Trong 2 ngày tới, tùy theo vùng tâm bão đi qua, có nhiều khả năng ảnh hưởng đến bắc Vịnh Bắc bộ với gió và sóng lớn, thậm chí ngay trên đất liền, vùng Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ có gió mạnh, mưa lớn ở miền núi phía Bắc, trọng tâm là khu Đông Bắc cần chú ý”, Bộ trưởng nói.
Về tình hình lũ, hiện lũ các sông đang xuống chậm nhưng sẽ bộc lộ ra những sự cố, thậm chí có khi nước xuống có những nơi sạt lở gia tăng, miền núi phía Bắc nếu có mưa nguy cơ lũ trở lại trên hệ thống sông Hồng, Thái Bình, cần túc trực để phòng tránh, khắc phục mọi sự cố.
Việc liên tục có 3 cơn bão dồn dập chỉ trong 12 ngày đầu tháng 8 liệu có phải là điều bất thường, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương đã xem xét lại cơ sở dữ liệu. Tháng 8 đến tháng10 tần suất bão lớn nhất trong năm, trong 3 tháng tháng có thể 60% số cơn bão hoạt động trong năm. Tháng 8/1973 và tháng 8/1995 cũng đã có 3 cơn bão hoạt động trong 1 tháng. “Tháng 8 năm nay mới có 12 ngày nhưng đã có 3 cơn, không kể áp thấp nhiệt đới những ngày qua. Còn 2 cơn nữa thì số cơn bão ảnh hưởng đến nước ta sẽ đạt kỷ lục chưa từng thấy”, ông Hải nói. |