Hôm nay, siêu bão Utor mạnh cấp 14 vào biển Đông. Hơn 64 ngàn tàu thuyền cùng gần 280 ngàn ngư dân từ Quảng Ninh – Cà Mau đã được thông báo về siêu bão này.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lúc 7 giờ ngày 12/8, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 120,9 độ Kinh Đông, trên đất liền đảo Lu – Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Như vậy ngày hôm nay bão sẽ vượt đảo Lu – Dông (Philippin) và đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Đến 7 giờ ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Đến 7 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km.Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.
Đường đi của siêu bão Utor (phải) và áp thấp nhiệt đới (trái) lúc 7h sáng nay (Nguồn: TTDBKTVT)
Siêu bão Utor qua hình ảnh mây vệ tinh (Nguồn: TTDBKTTV)
Áp thấp nhiệt đới cách Bình Định – Khánh Hòa 330km
Về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, hồi 7 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở và khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển chậm theo hướng giữa Đông và Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 13/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 240km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
Đã kêu gọi được hơn 64 ngàn tàu thuyền
Theo báo cáo nhanh 358/BC-CQTT ngày 12/8/2013 của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN/BĐBP, tính đến sáng nay (ngày 12/8/2013), Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.295 phương tiện/ 270.993 người biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới và bão Utor để chủ động di chuyển phòng tránh.
Trong đó, 92 tàu/ 1.136 người đang hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa; 1.089 tàu/ 10.139 người đang hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa (73 tàu/1.512 người của Quảng Nam hoạt động ở khu vực từ 9-13 độ vĩ Bắc, 111-113 độ kinh Đông). 63.137 tàu/259.653 người neo đậu tại bến và hoạt động tại các vùng biển khác.
Tại Nghệ An, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Nghệ An cũng đã có Công điện gửi các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, Thị xã Hoàng Mai; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Công điện yêu cầu các cơ quan trên tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão và ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía Bắc vĩ tuyến 11, phía Nam vĩ tuyến 16 và vùng biển Đông bắc biển Đông. Tùy theo diễn biến của bão và ATNĐ vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện đặc biệt đối với các tàu đánh bắt xa bờ để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.