Còn một ngày nữa chính thức tới ngày ông Công, ông Táo “lên chầu trời”, các gia đình đã sắm đồ cúng lễ khá nhiều, thị trường vàng mã và các đồ thực phẩm phục vụ cho ngày lễ này vì thế đã rất sôi động.
Giá vàng mã không tăng
Khảo sát tại các tuyến phố chuyên hàng mã của Hà Nội, không khí mua bán đã khá tấp nập. Theo giới kinh doanh, năm nay tình hình mua bán sôi động hơn so với năm ngoái.
Tại phố Hàng Mã, Hà Nội, những mặt hàng truyền thống như quần áo, giày, mũ của ông Công ông Táo được bày bán rất nhiều. Giá một bộ khoảng 50.000 đồng – 80.000 đồng đối với loại bình thường. Còn những bộ đồ lễ ông Công, ông Táo đủ bộ loại đẹp đều có giá trên 150.000 đồng/bộ.
Chị Hòa, chủ một cửa hàng vàng mã cho hay: “Năm nay giá cả hầu như không tăng so với năm ngoái, khách mua cũng đông đúc hơn”.
Các loại vàng mã “sành điệu” khá phong phú. Ô tô Roll-Royce, ô tô 4 chỗ có giá từ 200.000 đồng/chiếc – 300.000 đồng/chiếc. Các loại xe máy, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại… có giá từ 80.000 đồng/chiếc – 150.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên, theo chị Hòa, lượng tiêu thụ của các loại vàng mã “sành điệu” ít hơn hẳn, người dân vẫn chủ yếu mua những đồ truyền thống là bộ đồ ông Công, ông Táo, tiền, vàng.
Người dân tấp nập đi sắm đồ cúng "tiễn" ông Công, ông Táo về trời. Ảnh: Bảo Anh
Thời điểm này, hầu khắp các phố phường, chợ nhỏ, lẻ ở Hà Nội cũng đã rất nhiều các gánh hàng mã rong. Giá bán ở các gánh hàng rong này thường rẻ hơn. Giá mỗi bộ quần áo ông Công, ông Táo kèm theo đủ lễ tiền vàng thường khoảng 50.000 đồng, nếu riêng tiền vàng chỉ khoảng 8.000 đồng/lễ.
Cá chép vàng cũng đã được bày bán tại hầu hết các chợ. Tại chợ cóc trên phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội, giá trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/bộ 3 con. Giá tại một số chợ khu vực quận trung tâm cao hơn 5.000 – 7.000 đồng/bộ.
Giới tiểu thương cho hay, dự báo giá cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời trong ngày chính lễ tới sẽ giữ ổn định chứ không tăng giá do nguồn cung khá dồi dào.
Giá thực phẩm tăng nhẹ
Hiện giá cả các loại thực phẩm dùng cho dịp cúng này đã tăng giá nhẹ khoảng 5%-10%.
Gà ta sống hơn 1,5 kg mỗi con loại nhốt lồng đã tăng giá từ 140.000 đồng/kg lên khoảng 150.000 đồng/kg - 160.000 đồng/kg tùy từng chợ. Các loại gà công nghiệp cũng tăng giá khoảng 5.000 đồng/kg – 10.000 đồng/kg.
Giá thịt bò tăng nhẹ. Thịt bò loại ngon nhất có giá 260.000 đồng/kg – 280.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng mỗi kg.
Rau xanh tăng giá cục bộ một số loại. Các loại hoa cúng tăng giá khá nhiều, tăng nhiều nhất là hoa hồng và cúc với mức tăng khoảng gấp rưỡi ngày thường. Hoa hồng và hoa cúc loại trung bình giá 7.000 đồng/bông - 9.000 đồng/bông.
Ông Vũ Vinh Phú, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, giá cả thực phẩm đang chuẩn bị bước vào thời kỳ cao điểm tăng giá tức từ khoảng ngày lễ ông Công, ông Táo đến khoảng 28 Tết. Các mặt hàng thịt lợn thăn, gà ta, rau quả cao cấp, thủy hải sản tươi sống dự báo sẽ còn tiếp tục tăng giá, mức tăng có thể lên tới 30% tùy từng loại.
Tiếp tục tăng cường bình ổn giá Ngày 9/2, Bộ Tài chính cho hay, Bộ này vừa có Công văn số 1829/BTC-QLG gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn. Bộ yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi... Bộ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm, đầy đủ cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ. |
* Táo cảnh độc lạ hút khách dịp Tết * Dê giả cổ giá 12 triệu đồng lạ mắt dịp Tết |