Sốt xuất huyết nhiều khả năng bùng phát

Ngày 14/05/2014 17:22 PM (GMT+7)

TS Trần Thanh Dương, Viện Trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương nhận định, năm nay sốt xuất huyết có nhiều yếu tố thuận lợi để bùng phát mạnh tại nhiều khu vực.

Đã có 41 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết

Tại buổi phát động chiến dịch hướng tới tháng hành động phòng chống sốt xuất huyết tổ chức sáng nay, nhiều chuyên gia nhận định nếu ngành y tế không có những biện pháp phòng chống hiệu quả ngay từ đầu mùa, sắp tới bệnh sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 5/2014, cả nước ghi nhận 8.137 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 41 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 trường hợp tử vong (Bình Dương, TP.HCM, Cà Mau và Bình Phước mỗi tỉnh có 1 ca tử vong). Hiện khu vực phía Nam là nơi ghi nhận số ca mắc bệnh nhiều nhất, chiếm 83% số ca mắc của cả nước.

Sốt xuất huyết nhiều khả năng bùng phát - 1

Bệnh sốt xuất huyết có thể tấn công cả trẻ em và người lớn

Lý giải nguyên nhân sốt xuất huyết có thể bùng phát trong năm nay, TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết: “Thông thường dịch bệnh có chu kỳ 3-5 năm lại có đợt dịch bùng phát, năm nay đúng là năm chu kỳ bệnh bùng phát trở lại. Việt Nam lại đang nằm trong vùng trọng điểm về sốt xuất huyết nên khả năng bùng phát dịch là rất lớn. Bắt đầu từ tháng 5 số ca mắc tăng và thường tháng 8 là đỉnh dịch hàng năm”.

TS Dương cũng cho biết thêm, trong những năm gần đây bệnh sốt xuất huyết cũng có sự thay đổi. Vào những năm 1986-1990 dịch ở miền Bắc rất nặng nề, một thời sau lại giảm và tăng cao ở miền Nam. Chủng virus cũng có sự thay đổi về chu kỳ sinh thái, tập quán, xuất hiện gene kháng hóa chất diệt nên tiếp tục song hành và gây bệnh. Việt Nam hiện đang lưu hành cả 4 chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết trên thế giới, trong đó đáng sợ nhất là chủng D2 là nguy hiểm nhất vì người mắc có tỷ lệ biến chứng cao.

Bệnh của đô thị, thành phố lớn

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam lưu hành 4 tuýp virus, không có miễn dịch chéo  nên có thể mắc nhiều tuýp, miễn dịch không bền vững suốt đời nên người mắc năm nay sang năm vẫn mắc lại. Một bệnh nhân sốt xuất huyết cũng là nguồn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bệnh có thể tấn công mọi người, từ trẻ em đến người lớn.

Sốt xuất huyết nhiều khả năng bùng phát - 2

Người dân cần phải diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết

TS Dương cảnh báo thêm, nhiều người nghĩ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết cũng như các tác nhân muỗi gây bệnh khác thường sống ở nơi ẩm thấp, bẩn. Trên thực tế, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết lại là “muỗi nhà vua” chỉ thích trú ngụ nước sạch chứ không phải nước thải. Chính vì vậy, sốt xuất huyết là được coi bệnh ở các đô thị và thành phố, nơi tập trung đông dân cư nên rất dễ lây lan thành dịch.

“Bình hoa cắm trong nhà, vũng nước điều hòa, nước sạch đọng trên mái nhà, ngóc ngách, túi ni long hay trong các chậu cây phát lộc mà người thành phố hay có thói quen chơi trong nhà đều là nơi lý tưởng để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết trú ngụ, sinh sôi, phát triển và gây bệnh cho người”, TS Dương nhấn mạnh.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo để phòng bệnh, người dân cần thực hiện biện pháp phòng như diệt bọ gậy, lăng quăng tại các bể chứa nước trong nhà, phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường nhà cửa sạch sẽ, không để nước tù đọng trong nhà….

Bình Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan