Thông tin chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội về việc gặp người bị tai nạn người dân gọi xe cấp cứu nhưng sau 40 phút tổng đài 115 mới điện thoại lại "hỏi thăm". Thực hư câu chuyện này ra sao?
Mới đây trên Facebook chia sẻ hình ảnh kèm theo câu chuyện về một nam thanh niên (được cho là sinh viên) bị tai nạn giao thông ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) nằm bất tỉnh trên đường. Sau đó, người dân gọi xe cứu thương nhưng chờ 40 phút vẫn không thấy xe tới gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, Facebook có tên V.N. chia sẻ: "21h30, một em sinh viên bị tai nạn ở 508 Kim Giang. Bị chảy máu mồn, nằm bất tỉnh, người dân chỉ dám bông băng cầm máu, không dám dựng dậy sợ chấn thương sọ não. Do điện thoại đặt mật khẩu nên không gọi được cho người nhà.
Thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội khiến dư luận dậy sóng.
Sau đó, 21h33 chồng em có gọi 115, tổng đài báo đợi. Trời rét căm căm, chờ mãi không thấy đâu, người bị nạn vẫn nằm đó. Lúc này đông người trông nom rồi, em sinh viên đã tỉnh nhưng không nhớ gì cả. Khi đó chồng em về nhà.
Đến 22h11, sau gần 40 phút đợi xe, 115 gọi lại cho chồng em bằng 1 số cố định để hỏi xem có gần người bị thương không? Tình trạng thế nào? Khi biết chồng em không còn ở đó, họ cũng cúp máy luôn, không thông báo về việc điều xe đến hay không.
Gọi tổng đài báo 115 gần 40 phút mới điện thoại lại "hỏi thăm" không biết giờ nào mới điều xe đến, như vậy gọi gì là cấp cứu nữa? Chẳng nhẽ mạng sống 1 con người không quan trọng bằng mấy thủ tục rề rà?"
Sau khi hình ảnh kèm theo dòng trạng thái được đăng tải lên Facebook rất nhiều người vào bình luận, lên án và không đồng tình với cách phục vụ của 115. Hầu hết mọi người cho rằng, cứu một người là quan trọng, nếu chờ lâu bệnh nhân có mệnh hệ gì thì đổ lỗi tại đâu?
Hình ảnh nam thanh niên bị nạn đợi xe cấp cứu.
Trước những thông tin trên, ông Nguyễn Thành (GĐ Trung tâm 115 Thành phố Hà Nội) cho biết, hiện ông đã nắm được thông tin chia sẻ trên mạng xã hội và đã xác minh cụ thể sự việc này.
“21 giờ 35 phút ngày 15/12 hệ thống tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội có nhận được thông báo về vụ tai nạn tại 508 đường Kim Giang và có nạn nhân cần phải đưa đi cấp cứu.
Nhận được thông báo đúng 5 phút sau (21 giờ 40 phút) xe cấp cứu của Trung tâm bắt đầu từ trạm Thanh Trì (Hà Nội) xuất phát đi đón bệnh nhân. Mất khoảng 10 phút di chuyển, tức khoảng 21 giờ 53 phút nhân viên y tế đã tiếp cận bệnh nhân và đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bưu điện cấp cứu”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Thành khẳng định xe cứu thương đến ngay sau khi nhận cuộc gọi 10 phút.
Ông Thành cũng cho biết, theo như bác sĩ phản ánh lại trong hơi thở bệnh nhân có mùi rượu và tự ngã xe máy. Sau khi đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bưu Điện, có một số thanh niên đến xưng là bạn bè của bệnh nhân, đồng thời không cho bệnh nhân vào nhập viện và đưa bệnh nhân quay lại chỗ bị tai nạn để lấy một chiếc xe máy của bệnh nhân đang gửi ở nhà nghỉ.
“Hiện nay chúng tôi có đầy đủ giấy tờ sổ sách giờ nào xuất xe, giờ nào xe đến chỗ người bệnh và có hệ thông GPS ghi lại quãng đường xe đi. Thậm chí tất cả các cuộc gọi thông báo chúng tôi còn đầy đủ ghi âm, nếu cần thiết chúng tôi sẽ cung cấp”, ông Thành nói.
Đối với thông tin 22 giờ 11 phút số cố định của Trung tâm 115 điện lại cho người gọi xe cấp cứu. Ông Thành lý giải: “Đó là số gọi từ tổng đài, để xác nhận 2 chiều từ phía người dân xem xe đã đến địa điểm đón chưa. Khi biết người gọi báo tai nạn đã về nhà, thì chúng tôi tắt máy”.
Theo ông Thành, có thể người gọi báo tin sau đó đi khỏi hiện trường luôn, nên không biết xe cấp cứu sau đó đến đón người bị nạn. Đến 40 phút sau tổng đài gọi điện xác minh, thì lại nghĩ xe cứu thương chưa đến nên đã chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.