Từ trước đến nay, cần sa chưa bao giờ được sử dụng là một loại thuốc để chữa trị kể cả ung thư. Tất cả các bệnh đều có các loại thuốc chuyên dụng để chữa trị.
Thần dược?
Mấy ngày gần đây, cư dân mạng tại Việt Nam xôn xao về một facebook có tên Cần sa y tế. Dù chỉ mới xuất hiện nhưng đến sáng 11/12, facebook này đã có hơn 9.000 người theo dõi.
Trang này thường xuyên “tung” lên những bài viết về tác dụng “tốt” của cần sa. Trong đó, có bài viết dẫn lời bác sĩ Dreher. Ông này khẳng định là người đã có thời gian nghiên cứu tác dụng của cần sa suốt 40 năm.
Trang facebook Cần sa y tế khiến cư dân mạng dân xao
Theo lời bác sĩ này, sau nhiều năm quan sát, ông phát hiện, những phụ nữ khi mang thai có sử dụng cần sa thường xuyên sẽ sinh được những đứa trẻ vui tươi, thích nghi và miễn dịch tốt hơn những đứa trẻ khác. Ông cũng đưa ra kết quả cho thấy, các bà bầu dùng cần sa không có ảnh hưởng xấu nào đến đứa trẻ khi ra đời.
Các bài viết được đăng lên trang này có nội dung cần sa chữa được bách bệnh được nhiều người like (thích) nhất. Nội dung các bài viết này chủ yếu tuyên truyền về khả năng chữa bệnh kì diệu của cần sa từ bệnh vảy nến, cai nghiện rượu, đến chữa các loại bệnh ung thư…
Quản trị trang không quên đăng tải bài viết về các nhân vật đã được khỏi bệnh nan y như ung thư máu, ung thư trực tràng… để tạo sức tin tưởng về sự kì diệu của cần sa. Vẫn chưa hết, trang này còn dẫn bài về việc cần sa y tế còn được sử dụng vào việc kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân…
Facebook này khẳng định “không buôn hay bán bất cứ một món gì liên quan đến cần sa”. Nhưng, nó thường dẫn lại các bài có nội dung tác dụng tốt của cần sa, cách chiết xuất tinh chất cần sa của một trang web... Quản trị trang cũng giới thiệu cần sa y tế là loại dầu được chiết xuất từ cây cần sa. Từ đó, nhiều người không khỏi nghi ngờ, trang facebook này được lập ra là để quảng cáo cho trang web nói trên.
Những chuyên gia được facebook này dẫn lời hầu hết là những người nổi tiếng, đầu ngành về lĩnh vực y tế. Ngoài ra, trang còn dẫn các bài quảng cáo từ miền của một số bệnh viện trên địa bàn Việt Nam với khẳng định cần sa chữa được nhiều bệnh, có tác dụng tốt nhưng khi người viết vào thì link dẫn không có bài quảng cáo.
Không dùng để chữa bệnh
Theo một kĩ sư công nghệ thông tin, trang web nói về tác dụng của cần sa có tên miền nằm ở nước ngoài chứ không ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, trang web không được đăng ký ở nước ta. Anh này đưa ra nhận định, có thể, trang web này được lập ra để trốn tránh giấy phép trong nước. Rồi họ sử dụng ngôn ngữ và hướng tới đối tượng là người Việt để quảng bá tác dụng và buôn bán cây hay tinh dầu cần sa.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa (Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám và chữa bệnh – Bộ Y tế) cho rằng, quản lý facebook Cần sa y tế này có nhiều điều bất minh như không có chút thông tin gì về người quản trị. Các trang web khoa học nghiêm túc thường ghi rõ trụ sở, địa điểm, thành viên… đàng hoàng chứ không thiết kế như trang web người viết vừa đề cập.
Việc buôn bán, trồng và sử dụng cần sa bị pháp luật cấm
Ông Khoa cho hay, cần sa hiện tại đang là chất cấm tại Việt Nam. Trong y tế, chất chiết xuất từ cần sa có thể dùng đối với các bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối, giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, cần sa chưa bao giờ được sử dụng là một loại thuốc để chữa trị kể cả ung thư. Tất cả những bệnh này đều có các loại thuốc chuyên dụng để chữa trị. Riêng việc sử dụng cần sa đối với các bà bầu tuyệt đối không nên. Ông khuyên, người bệnh không nên nghe những thông tin không chính xác rồi sử dụng tùy tiện.
Ông cho biết, trang web người viết vừa nêu có nguồn gốc từ nước ngoài, đưa ra những thông tin về cần sa. Đối với việc chữa bệnh dù bằng thuốc hay không cũng cần có sự đồng ý, cấp phép của cơ quan chức năng. Do đó, ông sẽ báo cáo với Cục, đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, thông tin cảnh báo cho người dân.
Ông khuyên, nếu có bệnh, người dân nên tìm đến các cơ sở y tế, không nên tin vào những lời, bài viết được chia sẻ trên facebook hay các trang mạng, tránh trường hợp không hay xảy ra đối với bản thân và người thân.
Luật sư Trương Thị Thu Hà (đoàn luật sư TP HCM) cho biết, việc trồng cây cần sa là trái pháp luật. Đối với những người trồng cây cần sa ít, có thể bị phạt hành chính từ 2 đến 5 triệu đồng. Đối với những người tái phạm, trồng cần sa nhiều, có tổ chức có thể bị khởi tố hình sự và bị phạt từ 6 tháng đến 7 năm, ngoài ra bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Nhiều trường hợp trồng cần sa bị bắt Vào ngày 10/8, công an TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) phát hiện ông Lê Trọng Nghĩa (SN 1971, quận 1, TP HCM) trồng trong vườn cần sa gồm 175 cây lớn và con vừa mới sang chiết, nhân giống. Các cây cần sa trồng trong nhà kính diện tích khoảng 100 m2. Ông khai trồng cần sa để dùng cá nhân và bào chế thuốc. Toàn bộ số cây cần sa đều bị thu giữ và tiêu hủy. Đầu tháng 8/2015, công an huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk phát hiện Lê Ngọc Lãnh (huyện quảng Điền) trồng hơn 2.500 cây cần sa trên diện tích 2.000 m2. Lãnh khai trước đây có hai người tại tỉnh Bình Phước nhờ trồng giúp số cần sa này với số tiền công 7 triệu đồng. Trước đó, tỉnh Đắk Nông cũng đã nhỏ và tiêu hủy 5.072 cây cần sa, 3.086 bịch ươm, hàng trăm ký cần sa khô. |