Nhiều người cho rằng, khi đến trước bức tượng, cầu gì sẽ được nấy. Lời đồn thổi lan nhanh như gió nên đã thu hút hàng nghìn người đến chiêm bái.
Hơn hai tháng qua, mỗi ngày, có hàng trăm người dân đổ về xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) để tận mắt xem bức tượng Phật được cho là “linh thiêng bậc nhất miền Tây”. Xung quanh bức tượng xuất hiện rất nhiều lời đồn thổi về Phật tái thế lan truyền nhanh chóng mặt gây hoang mang dư luận.
Bức tượng này được gia đình cụ Nguyễn Văn Của (SN 1930) tìm thấy. Con thứ tám của cụ Của là ông Nguyễn Văn Trì (SN 1969) cho biết, gia đình có mảnh đất khẩn hoang hơn 50 năm, nhiều năm qua, vùng đất này được cải tạo làm đầm tôm. Vào ngày 26/12/2014, gia đình ông thuê người, phương tiện nạo vét.
Bức tượng Phật được đồn đoán cầu gì được nấy
Trong lúc xe cuốc đào đất, người điều khiển hốt hoảng bỏ chạy lên bờ vì phát hiện một bàn chân làm bằng đá. Sau đó, dù động viên nhiều nhưng người này vẫn không chịu trở lại làm việc. Gia đình bàn tính, tự ngụp lặn trong đầm tôm, tìm thấy thêm hai phần đứt rời nữa của tượng Phật và đem ghép lại được một bức tượng hoàn chỉnh. Ngay sau đó, gia đình đã đến báo với chính quyền địa phương.
Ông Trì còn cho hay, do tìm được tượng Phật trong đầm tôm nên gia đình dựng một lán nhỏ để thờ. Vì lời đồn, có ngày có hàng nghìn người tìm đến bái cúng bức tượng. Số người đến đông làm sạt lở cả bờ nên gia đình phải thuê người đắp lại.
Khi được hỏi: “Có hay không khi một số thông tin cho rằng gia đình cụ Cư tự lập lán thờ bức tượng để lấy tiền?”. Ông Trì phân trần: “Điều này làm gì có thật. Gia đình chỉ có mong muốn được thờ bức tượng. Chúng tôi chẳng biết những lời đồn thổi về bức tượng từ đâu mà và thu hút nhiều người dân đến vậy. Họ đến, chúng tôi phải nấu nước mời. Lắm người mua nhang đèn, trái cây đến xin cúng, chúng tôi cũng không đồng ý”.
Khi đến xã Ninh Thạnh Lợi A, chúng tôi được nghe rất câu chuyện huyễn hoặc về bức tượng. Không ít người cho rằng, bức tượng này rất linh thiêng, cứ hễ cầu khấn gì đều trở thành hiện thực. Do đó, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn ở xa nghe tiếng lành lặn lội đến đây xin con. Lắm người bị bệnh nặng cũng đến cầu bái bức tượng xin được khỏe mạnh. Một số người dân đến cầu xin được tìm thấy người thân đã thất lạc lâu ngày.
Chị Nguyễn Thị Chinh (SN 1986, Sóc Trăng) cho biết, cha của chị bị ung thư giai đoạn cuối, nghe mọi người nói bức tượng này linh thiêng nên tìm đến cầu khấn. Chị chỉ hy vọng cha hồi phục trở lại. Khi được hỏi: “Bác sĩ cũng không chữa được thì tìm đến đây làm gì?”. Chị buồn rầu bảo: “Cứ cầu khấn, có tin ắt có thiêng. Biết đâu, bức tượng linh thiêng thật”.
Cũng vì những lời đồn thổi này, hàng ngày, có hàng chục người dân đến đây cầu khấn để xin được trúng số đề, vé số, cá độ bóng đá. Anh Trương Văn Sang (SN 1976, Kiên Giang) chia sẻ: “Nhà tôi nghèo, canh tác vườn mãi mà vẫn không thoát cảnh túng thiếu. Nghe bà con bàn tán, bức tượng này linh lắm, cầu gì được nấy. Vừa ăn tết xong, vườn tược cũng không có gì làm, tôi lên đây xin được trúng vé số để lo cho hai đứa con ăn học”.
Ông Dư Hoàng Lục (Chủ tịch UBND xã) cho biết, lúc mới phát hiện bức tượng, gia đình cụ Cư đã thông báo với chính quyền địa phương. Lúc đầu, gia đình chấp thuận lời khuyên của chính quyền là đưa bức tượng vào chùa thờ. Tuy nhiên, về sau, gia đình đổi ý, ngỏ ý muốn được thờ bức tượng.
Một phần của bức tượng bị đập vì người dân ngỡ là đồng đen
Do người dân đến nhiều, tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp, địa phương cử công an đến túc trực, vận động người dân không nên sa đà vào mê tín dị đoan.
Ông Lục còn cho hay, ban đầu khi mới tìm thấy, nhóm làm công của gia đình ông Cư cứ tưởng bức tượng được làm bằng đồng đen nên đã đập vỡ một góc phía dưới để kiểm tra. Về sau, bức tượng được xác định làm bằng đá sa huỳnh. Riêng những lời đồn thổi về Phật tái thế, cầu gì được nấy, ông Lục cho rằng là không có cơ sở chỉ là do người dân mê tín dị đoan mà có.
Ông Võ Văn Út (Bí thư huyện ủy huyện Hồng Dân) cho biết, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đã cử người xuống khảo sát, đề xuất giám định niên đại của bức tượng Phật. Phía chính quyền địa phương đến thuyết phục gia đình cụ Cư giao lại bức tượng cho cơ quan chức năng theo Luật di sản. Nếu gia đình cụ Cư vẫn không chấp thuận thì cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vận động.