Mấy ngày nay, câu chuyện về "thần xà" hiển linh, "báo ân, báo oán" đang trở thành tâm điểm của dư luận miền tây xứ Thanh.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi ông Trần Sỹ Thuận (58 tuổi, người thôn 3, xã Hợp Lý) phát hiện ra một con rắn lạ xuất hiện trên mặt giếng cổ trong khu vực có ngôi miếu thờ.
Câu chuyện "thần xà" hiển linh xuất hiện mấy ngày nay đã làm náo loạn cả một vùng quê vốn yên bình ở xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Sự việc, đã thu hút hàng nghìn người dân hiếu kỳ kéo về để được "mục sở thị" vị "thần" mà theo lời đồn thổi là đã hàng trăm năm tuổi.
Người dân hiếu kỳ đang kéo về chiêm bái "thần xà".
Nhiều người kể lại rằng, hễ ai đến thắp hương, khấn vái xong thì "thần" lại nổi lên như một lời cảm tạ. Thậm chí, có người thắp hương xong ở ngôi miếu, ra xin được chiêm bái thì "thần" cũng chẳng tiếc gì mà không "trình diễn" vài pha đẹp mắt.
"Thần xà" xuất hiện
Anh Trần Văn Nghị (28 tuổi, quê xã Xuân Du, huyện Như Thanh) cho biết: "Mấy ngày qua, tôi nghe tin có "rắn thần" xuất hiện với những lời đồn như "thần xà" biết múa, biết đổi màu sắc và biết phun nước. Tò mò, tôi tìm đến xem nhưng vẫn chưa được thấy "pha trình diễn" nào của "ngài" cả. Có thể là do "ngài" mệt vì đã phải "biểu diễn" suốt mấy ngày qua.
Ông Trần Sỹ Thuận (58 tuổi, người thôn 3, xã Hợp Lý) cho biết: "Năm ngoái, sau nhiều lần gia đình gặp phải "sự cố", tôi đi Đền Trần (ở Nam Định) thì được một ông thầy nói nhà tôi vốn ở trên phần "đất thánh". Ngày trước mọi người đã bảo gia đình tôi xây miếu nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép nên mãi đến cuối tháng trước, tôi mới làm được ngôi miếu tạm trên nền đất cũ.
Công trình bắt đầu xây từ ngày 26.3.2013 và đến ngày 31.3 thì hoàn thành. Chỉ sau đó ít hôm, vào khoảng buổi chiều ngày 10.4, tôi ra miếu thắp hương rồi xuống giếng múc nước lên cúng. Khi tôi quay ra thì thấy có sự lạ, nước giếng bỗng nhiên nổi sóng. Ban đầu, sóng gợn nhẹ, về sau mạnh dần khiến nước giếng đục ngầu. Cùng lúc đó thì tôi nhìn thấy "thần rắn" xuất hiện".
Con rắn hổ mang đang yếu dần vì không chịu ăn và bị ngâm nước.
Khi nghe tin nhà ông Thuận có "thần" hiển linh, người dân xung quanh kéo nhau đến xem rất đông. Trong số đó có ông Phạm Tắc Đắc là người cùng quê với ông Thuận mạnh miệng bảo: "Thần thánh gì, bắt lên mà nhắm rượu".
Nói rồi ông này dùng gậy gắp con rắn lên bờ. Nhưng vì có nhiều người can ngăn nên ông Đắc lại bỏ con rắn trở lại giếng. Sau đó, ông này về nhà bỗng nhiên bị đau bụng. Con trai ông đang đi làm ở xa cũng bị mắc chứng đau bụng như ông. Người nhà đưa ông vào bệnh viện điều trị cũng không khỏi. Chỉ khi gia đình sắm lễ lạt đến thắp hương ở miếu xin tạ tội thì những người bệnh mới hết đau.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trước đây cũng đã có nhiều chuyện xảy ra trùng hợp. Sau khi lấp ngôi miếu cũ để trồng cây, ông Thuận sinh được 4 người con, đến nay dù đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có ai lập gia đình. Cậu con trai cả thì mới phải lĩnh án tù 17 năm vì tội giết người.
Cô con gái thứ 2 thì bị hỏng 1 mắt. Còn cô thứ 3 đi làm trong miền Nam đã được dạm ngõ và bỏ trầu đến 3 lần nhưng vẫn chưa cưới được chồng. Có người đồn rằng, gia đình ông Thuận đi xem bói thì thầy phán rằng, những "tai ương" này xuất phát từ việc gia đình ông tự ý lấp miếu nên bị trời hành, nay phải xây lại miếu mới.
Đi tìm lời giải
Theo tích xưa kể lại, vùng đất ông Thuận xây miếu trước kia vốn là nền của một ngôi đền thiêng có từ thời xa xưa. Cách ngôi đền khoảng 500m là "cồn mặt trận" - nơi đã có người đào được rất nhiều mũi tên cổ. Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng đi đánh giặc về đến khu vực này thì có một vị quan cận thần bị thương và qua đời. Nhà vua cho lập miếu thờ tại đây, đồng thời cho đào giếng nước vừa để lấy nước thờ cúng, vừa phục vụ cho quân lính sinh hoạt.
Miếu thờ "thần xà".
Người dân nơi đây cho biết, giếng chỉ sâu hơn 1 mét nhưng không bao giờ cạn. Uống nước giếng ở đây có vị ngọt mát rất lạ kỳ. Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây bên cạnh giếng nước còn có một cái hang sâu bằng cả cây luồng dài, rộng chừng 1,5m và rất mát. Hang này có rất nhiều cá quả. Bà con trong vùng tát cá phải dùng đến cả 2 - 3 cái gầu mà tát mãi vẫn không hết nước. Về sau, phần vì mưa xối, phần vì gia đình ông Thuận canh tác đất nên đã lấp dần cửa hang.
Còn có người truyền rằng, vị cận thần của nhà vua sau khi chết đã hóa thành một đôi "rắn thần" bảo vệ dân làng thoát khỏi những trận chiến kinh hoàng và tránh được giặc dữ. Vì thế việc xuất hiện "thần xà" ở đây đã hút hàng trăm người đến xem và thắp hương cúng vái cầu may mắn, xin "lộc thánh" mỗi ngày. Hương được người dân thắp xung quanh giếng nước, trong miếu và cả ở bụi tre gần đó.
Để có được lời giải cho câu chuyện "thần xà" hiển linh, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Tuyến (Phó chủ tịch UBND xã Hợp Lý) về sự việc này.
Ông Tuyến khẳng định: "Không có chuyện "thần rắn" xuất hiện trên địa bàn của chúng tôi. Đây là một con rắn hổ mang, nặng tầm 3 - 4 lạng, bị một ông thợ đánh cá bắt được trong khu cánh đồng Ải Đền. Ông ta mang ra chợ nhưng không bán được nên mang về thả xuống giếng để "lấy lộc".
Câu chuyện "thần xà" hiển linh xuất hiện từ đó. Chắc con rắn cũng sắp chết rồi vì đây là loại rắn vốn không thể sống được dưới nước". Ông Tuyến cho biết thêm, những chuyện thần linh báo oán lưu truyền trong dân chỉ là những lời đồn thổi vô căn cứ hoặc là những sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng được những người mê tín phủ lên một màu sắc tâm linh thái quá.