Sữa mẹ: 'Liều thuốc' phòng bệnh cả cuộc đời cho con

Ngày 04/08/2015 08:43 AM (GMT+7)

Sữa mẹ không chỉ là dinh dưỡng thiết yếu khi trẻ còn nhỏ mà còn là "liều thuốc" phòng bệnh cho cả cuộc đời, trong đó có những căn bệnh nguy hiểm như ung thư.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tối thiểu 24 tháng không chỉ giúp trẻ bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng mà còn giúp trẻ hoàn thiện được trí não cũng như làm giảm khả năng mắc bệnh khi trường thành.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều bà mẹ đang có những quan điểm sai lầm trong cách chăm con, nhất là ở độ tuổi cần phải cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Nhân Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ (từ 1 đến 7/8) phóng viên đã có cuộc trao đổi với Th.S Lê Nhất Phương Hồng - Chuyên gia tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ của Viện Sữa mẹ Quốc tế xung quanh vấn đề này.

- Thưa bà! Được biết, chương trình Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ mới được phát động trong phạm vi cả nước, vậy chương trình năm này có chủ đề là gì?

- Đây là chương trình được thực hiện bởi cộng đồng theo chủ đề có sẵn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hưởng ứng tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ trên toàn cầu. Theo đó, chủ đề năm này là nuôi con sữa mẹ thành công, duy trì sữa mẹ nơi làm việc. Đây là chủ đề rất phù hợp với Việt Nam, bởi nhiều người đang ngộ nhận, khi mẹ bắt đầu đi làm sau nghỉ đẻ thì không thể nuôi con bằng sữa mẹ được nữa.

Sữa mẹ: #039;Liều thuốc#039; phòng bệnh cả cuộc đời cho con - 1

Ths Lê Nhất Phương Hồng - Chuyên gia về sữa mẹ hàng đầu Việt Nam. 

- Theo đánh giá của WHO, hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời còn rất thấp. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ theo đánh giá của WHO thấp, lý do là nhiều bà mẹ không hiểu định nghĩa nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu (180 ngày) kể từ ngày sinh. Theo đó, trong 6 tháng đầu đời của trẻ khi nuôi con bằng sữa mẹ, không nên cho bé uống nước, không dùng bất cứ loại thực phẩm nào khác ngoài bú mẹ hoàn toàn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam nhiều bà mẹ lại có suy nghĩ sai, đó là trong những ngày đầu nhiều người cho rằng, sữa mẹ chưa về nhiều nên cho con ăn sữa ngoài, như vậy là không tuân thủ đúng tiêu chí.

Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng, do thời tiết nắng nóng nên bé phải uống nước. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không cần thiết vì sữa mẹ đã cung cấp đầy đủ lượng nước cho bé. Nếu trẻ uống nước trong thời kỳ này sẽ làm giảm tỷ lệ sữa khi bé bú.

Một điều ngộ nhận nữa là cho trẻ ăn dặm sớm. Trước đây, trong hướng dẫn cũ có khuyên các bà nên cho trẻ ăn dặm bổ sung khi được 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, từ năm 2000 trở đi, hướng dẫn mới đã chỉ rõ rằng, nên cho trẻ ăn dặm khi đủ 180 ngày.

Đó là những ngộ nhận cơ bản, khiến tỉ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời ở Việt Nam còn thấp.

- Thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhiều gia đình không đặt niềm tin tuyệt đối vào sữa mẹ và cho rằng, sữa mẹ không đủ chất dinh dưỡng cho con nên bổ sung bằng cách cho ăn sữa công thức. Bà đánh giá như thế nào về quan niệm trên?

- Theo khuyên cáo của WHO, muốn nuôi con bằng sữa mẹ thành công thì chúng ta phải hiểu sự phát triển của trẻ, vấn đề áp lực ở đây chính là việc chúng ta hiểu sai sự phát triển của trẻ.

Có thể bé bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ nhỏ hơn, gầy hơn những bé ăn bổ sung sữa công thức, nhưng bé lại có cơ thể cân đối, có phát triển vận động và nhận thức tốt hơn. Đây là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về những kiến thức đó và quá coi cân nặng nên đã mắc sai lầm.

Khi bổ sung các loại sữa công thức khác, thông thường chúng ta sẽ nhìn thấy sự phát triển về cân nặng của trẻ. Nhiều người nhầm tưởng như vậy là trẻ phát triển, nhưng đó lại là sai lầm, vì sữa công thức hay các thực phẩm bổ sung chỉ làm cho trẻ tăng cân, còn các chỉ số khác không thể phát triển bằng sữa mẹ.

Sữa mẹ: #039;Liều thuốc#039; phòng bệnh cả cuộc đời cho con - 2

Các bà mẹ nên cho trẻ ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.

- Nhiều phụ nữ sau thời gian nghỉ sinh (6 tháng), khi bắt đầu đi làm thường rất khó khăn trong việc cho con bú, bởi vậy họ dần thay thế sữa mẹ bằng sữa ngoài. Như vậy, liệu có đảm bảo được cho trẻ?

- Trong 6 tháng đầu đời, kể cả là sau 6 tháng, sữa mẹ vẫn luôn là nguồn dinh dưỡng cần thiết để giúp con phát triển cả về thể lực và trí lực, nên các bà mẹ nên duy trì cho con bú sữa mẹ tối thiểu đến 24 tháng.

Tất nhiên, sau 6 tháng các bà mẹ có thể cho con ăn dặm bằng các loại thức ăn tự nhiên được dùng trong gia đình hàng ngày như các loại rau, củ quả…đã được nấu mềm.

Nếu sau 6 tháng thay thế sữa mẹ hoàn toàn bằng sữa công thức, thì đó là sự thay thế toàn diện bằng một loại thực phẩm bổ sung chứ không thúc đẩy sự phát triển được như sữa mẹ.

Ví dụ như sự phát triển của não bộ, khi đã phát triển đến 80% nhờ bú sữa mẹ, nhưng khi chuyển sang sữa công thức thì não bộ chỉ dừng lại ở 80%, chứ không thể phát triển tối đa.

Trong thời gian này, nếu dùng sữa bột thay thế thì sự phát triển về cơ thể vẫn có nhưng sự phát triển toàn diện nhất sẽ không còn. Đó là lý do vì sao những bệnh khi về già liên quan đến trí nhớ, tiêu hóa, kể cả ung thư ngày càng gia tăng. Bởi, nhiều người nghĩ: Cho ăn có làm sao đâu? Nếu thật sự không sao thì WHO đã không có khuyến cáo nâng cao việc cho con bú sữa mẹ như hiện nay.

Tóm lại, việc trẻ được bú mẹ hoàn toàn sẽ giảm được một số bệnh mãn tính, ung thư và giúp trẻ phát triển toàn diện từ cơ thế đến trí tuệ. Thực tế qua các nghiên cứu, nhiều nhà khoa học đã chứng minh tỷ lệ trẻ từ 0-5 tuổi sống sót nhờ bú sữa mẹ cao hơn gấp nhiều lần so với nhóm trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan