“Nhiều người đã bỏ cuộc, nhưng tôi không nản chí, kể cả bị “ném đá” như hiện tại tôi vẫn cố gắng làm đến cùng để đưa ra công trình hoàn chỉnh. Được dùng hay không đó vẫn là tâm huyết của tôi muốn đóng góp cho đất nước” - PGS Bùi Hiền quả quyết.
Đề xuất cải tiến “Tiếq Việt” từ 38 chữ giảm còn 31 ký tự đón nhận sự “ném đá” rất nhiều từ cộng đồng mạng, xung quanh vấn đề này, PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trò truyện với PGS. Bùi Hiền - nguyên Hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông về đề xuất cải tiến tiếng Việt mà ông đang nghiên cứu.
Cải tiến nhằm dễ viết, dễ hiểu
- PV: Thưa ông, lý do gì khiến ông quyết tâm theo đuổi một công trình được coi là rất khó đó là cải tiếng chữ viết quốc ngữ?
PGS. Bùi Hiền: Trước tiên, tôi muốn giải thích sở dĩ đề xuất của tôi trở thành tâm điểm chú ý đó là bài viết trong cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học. Báo chí lúc đầu quan tâm đưa lên, nhưng đưa chưa đầy đủ, vì chỉ chủ yếu xoáy vào cái đoạn trích “Luật Záo Zụk”, đưa kết quả trước, đưa giải thích sau, dẫn đến nhiều người không hiểu và “ném đá”.
Về lý do, trước đây đã có nhiều người bắt tay vào làm, cải tiến chữ viết quốc ngữ song đều thất bại. Cách đây mấy chục năm, tôi đã nhận ra một điều với Tiếng Việt, ngay cả nhiều người lớn, học bao nhiêu năm vẫn không “sạch nước cản”, viết sai chính tả, nhầm lẫn. Cần giản lược, bỏ hết những cái “rườm rà”, nên tôi nghĩ cần phải cải tiến hết.
- PV: Điểm mới của chữ viết Tiếng Việt mới khác với trước ở những điểm gì, thưa PGS?
PGS. Bùi Hiền: Chúng ta đều thấy, bảng chữ cái, phụ âm… chúng ta đang dùng hiện nay đều là quy ước, quy ước ký hiệu này thì nghĩa thế này, quy ước kí hiệu kia thì lại nghĩa thế kia… Các phụ âm như “ng”, “kh”… dùng nhiều, nhưng nó lại là thừa thãi, nhầm lẫn. Do đó, tôi quy ước lại, giản đơn đi cho dễ đọc, dễ hiểu hơn.
Giản lược của tôi theo nguyên tắc một ký tự một âm, chứ một ký tự không còn 2 – 3 âm như cũ. Tất cả các phụ âm ghép đều lược hết như “ng”, “nh”, “gh”, “kh”… đều không còn nữa, thay vào đó là các ký tự ví dụ như “q” hay “k”. Cách đọc thì vẫn như cũ, chỉ khác là ký tự thôi, không thay đổi về cách hiểu, cách đọc.
PGS Bùi Hiền và cuốn Kỷ yếu hội thảo có bài tham luận cải tiến chữ viết Tiếng Việt. Ảnh: Q.Anh
Vẫn tiếp tục nghiên cứu và… “trình làng”
- PV: Nhiều người nói rằng đề xuất của ông khó học, khó hiểu và nhiều người sẽ phải đi học lại như lớp 1, ông nghĩ sao về điều này?
PGS Bùi Hiền: Ai đó nói rằng sẽ phải “luộc lại” hết đội ngũ giáo viên, phải học lớp 1… Theo tôi, đã là cái mới thì phải học cái đó là bắt buộc, còn học bao lâu, có khó không mới đáng bàn. Theo cảm nhận của tôi, với những người lớn thì chắc mất khoảng vài giờ học nghiêm túc sẽ nhớ hết, đọc được, viết được.
Không phải bỏ cái này, thêm cái kia mà tôi không bỏ, tôi chỉ thay đổi giá trị, khi ghép lại sẽ đọc được ngay. Ngay cả một số người nói sẽ phải in lại sách, báo… tôi nghĩ, những cái cũ vẫn giữ lại, chúng ta đều đọc được, còn cái mới nếu áp dụng ta sẽ dùng cho in sách, hay văn bản mới.
- PV: Ông có bất ngờ về việc mình bỗng dưng nổi tiếng và nhận được sự quan tâm, cũng như bị “ném đá”?
PGS Bùi Hiền: Bất đắc dĩ trở thành người nổi tiếng, điều này khiến tôi bất ngờ vì tôi chưa công bố rộng rãi công trình. Những ngày đầu, tôi có vào mạng để đọc, tôi tìm hiểu xem lý do phản đối là gì để tôi chỉnh sửa, phản biện. Nhưng tôi không nhận được những góp ý nào cụ thể, mà chỉ có những ý kiến nói là khó, rắc rối, lãng phí…
Ngoài ra, rất nhiều người chửi bới, thóa mạ tôi trên mạng xã hội, nên tôi đã không còn vào mạng đọc nữa. Tôi già rồi, về hưu không màng chuyện tiếng tăm, mà đó là tai tiếng thì đúng hơn. Còn những người thân của tôi một số người ủng hộ, một số người lại lo cho sức khỏe của tôi.
Bảng quy ước rút ngắn ký tự phiên âm của PGS Bùi Hiền.
- PV: Ông có dự định gì cho công trình của mình và cảm thấy nhụt chí sau khi hứng luồng dư luận phản đối?
PGS Bùi Hiền: Với tất cả những gì mọi người đọc được, đó chỉ là một phần nằm trong báo cáo hội thảo khoa học, đây là phần 1, còn một phần nữa tôi đang tiếp tục làm.
Tôi không còn quan tâm tới những ý kiến chửi bới, phản đối. Tôi còn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cho phần 2 là phần nguyên âm. Khi nào làm xong tôi sẽ “trình làng” xin ý kiến các nhà khoa học trước để xin ý kiến, góp ý.
Việc tôi làm là vì thấy bất hợp lý thì tôi làm, từ 40 năm rồi, tự tôi làm, không nhận bất kỳ một nguồn tài trợ, viện trợ nào cả. Nhiều người gọi tôi là “tiến sĩ ăn hại”, tôi thấy mình chưa làm hại ai cả, công trình nghiên cứu của tôi hoàn toàn góc độ cá nhân. Có ứng dụng hay không còn nhiều khâu thẩm định, nhưng triển khai hay không đó cũng là nghiên cứu tâm huyết, hoàn toàn không ảnh hưởng tới ai cả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!