Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong đó, Tiếng Việt đóng vai trò một ngôn ngữ có tính phổ thông, dùng làm công cụ giao tiếp chung, và là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam.
Tiếng Việt có nguồn gốc rất cổ xưa. Cùng với dân tộc Việt, tiếng Việt có nguồn gốc bản địa rất đậm nét, xuất hiện và trưởng thành từ rất sớm trên lưu vực sông Hồng và sông Mã. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Tiếng Việt đã có nhiều sự thay đổi, tiếp biến để ngày càng phù hợp hơn với đời sống lịch sử, chính trị, văn hóa của đất nước.
PGS-TS Bùi Hiền, người đề xuất cải cách tiếng Việt
Kể từ khi tiếng Việt được hình thành tới nay, có rất nhiều nhà ngôn ngữ học và những người tâm huyết với ngôn ngữ nước nhà đề xướng thay đổi nó. Nhà văn Nguyễn Trọng Thuật, tác giả tiểu thuyết Quả Dưa Ðỏ, trong bộ Việt Văn Tinh Nghĩa xuất bản năm 1928 có nhiều nhận xét về tiếng Việt thời đó, đồng thời đề nghị một số cải cách. Thời điểm này, tiếng Việt mới ổn định và bắt đầu có những tờ báo đầu tiên viết bằng tiếng Việt. Bộ sách của Nguyễn Trọng Thuật được coi như một bộ văn phạm tiếng Việt đầu tiên, tuy còn sơ lược nhưng tác giả đã có nhiều ý tưởng đổi mới.
Dẫu vậy, những cải cách của ông bị văn phạm Pháp văn ảnh hưởng khá sâu đậm. Thấy tiếng Pháp có số nhiều, số ít, giống đực, giống cái, ông đề nghị tiếng Việt cũng nên có những chữ câm đằng sau để phân biệt khi chúng đi kèm với các từ khác và mang nghĩa khác nhau. Ví dụ chữ "kinh" có nhiều nghĩa khác nhau nên mỗi khi viết chữ kinh theo nghĩa nào phải viết khác nhau cho chính xác như viết kinhs sợ, kynhp đô, Kynh Thánh, kinh nghiệm, v.v...
Nhiều người cho rằng những đề nghị của Nguyễn Trọng Thuật chỉ gây thêm rắc rối, phức tạp vì tất cả mọi nghĩa của chữ “kinh" khi đọc nguyên một câu văn hoặc có kèm theo một chữ khác là đủ nghĩa rồi. Do đó cuốn Việt Văn Tinh Nghĩa của ông dù có nhiều nhận xét, phân tích rất hay nhưng những đề nghị của ông không được mấy người tán thành cả.
Một cuốn sách được khá nhiều người nhắc đến như một nỗ lực lớn về cải cách tiếng Việt là cuốn Việt Nam Văn Phạm của Trần Trọng Kim (viết chung với Phạm Duy Khiêm và Bùi Ký). Cuốn sách này gây một tiếng vang thời đó, và được đánh giá là có những tiến bộ rõ rệt. Nhiều người đánh giá Việt Nam Văn Phạm là một cuốn kỹ càng hơn quyển Việt Văn Tinh Nghĩa của Nguyễn Trọng Thuật. Trần Trọng Kim cũng không bằng lòng khi soạn văn phạm tiếng Việt mà nương tựa hẳn vào văn phạm pháp, coi đó là việc làm sai lầm. Ngay trong lời TỰA, Trần Trọng Kim đã công bố minh bạch rằng Việt ngữ là một ngôn ngữ đơn giản, không nên mô phỏng văn phạm Pháp văn để áp đặt cho tiếng Việt.
Đoạn văn bản sau khi Tiếng Việt được cải cách theo nghiên cứu của PGS. TS Bùi Hiền.
Cuốn sách chia làm 18 chương, xét đủ các thứ tự - loại, cách đặt câu, cách dùng tiếng làm văn và các cách làm thơ, làm phú. Nhóm tác giả cho rằng, tiếng Việt là tiếng đan âm, không biến hình biến dạng, có khi một tiếng biến ra nhiều nghĩa, có khi một tiếng biến ra nhiều thứ tiếng khác. Vì thế, “chúng tôi lấy cái nghĩa và cách dùng của nó mà định ra từng loại. Cũng có khi người ta lấy một tiếng đệm đặt thêm ở đằng trước hay đằng sau tiếng khác, để biểu diễn cái nghĩa hơi khác nghĩa chính. Những biến đổi như thế đều có lề lối nhất định, chúng tôi cố đem giải diễn ra rõ ràng để học giả nhận biết cho dễ” (Lời TỰA cuốn Việt Nam Văn Phạm - Trần Trọng Kim viết). Ví dụ: chữ cái “nhà ở”, Trần Trọng Kim phân loại và cho là động từ vì có chữ “ở”.
Như vậy, xét về nội dung, Việt Nam Văn Phạm cũng chia ra danh từ, động từ, tính từ, và có nhiều dấu hiệu của văn phạm Pháp... Thành ra chủ trương không theo văn phạm Pháp khi soạn tiếng Việt nhưng vô hình chung các tác giả đã bị ảnh hưởng nặng nề văn phạm Pháp mà không hay.
Sau Nguyễn Trọng Thuật và Trần Trọng Kim, vấn đề cải cách tiếng Việt cũng nhiều lần được đề ra. Tuy nhiên, những đề xuất cải cách thời này thường nhỏ lẻ và chưa gây được ấn tượng. Vào thập niên 1960, nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn khi in tập phiếm luận Chuyện vô lý của Lãng Nhân, đã áp dụng lối viết các từ kép bỏ dấu nối và viết liền vào nhau như ânái, hạnhphúc, chínhchuyên, giađình,...
Lối viết này tuy có mới mẻ nhưng lại có một trở ngại là khi viết nối như vậy sẽ dễ bị nhầm lẫn với các từ khác, và khó phân biệt đâu là một từ, đâu là hai từ.
Người ta đồn đãi rằng, vì thấy chuyện thí nghiệm này cũng gian nan nên bút ký Chuyện vô lý lần đầu chỉ in 160 bản tặng bạn bè và câu chuyện thử đổi mới cách viết tiếng Việt cũng rơi vào quên lãng một thời gian khá dài.
Một cái tên được nhắc đến nhiều với lối viết tiếng Việt đặc biệt, đó là nhà văn, nhà báo Nguyễn Hữu Ngư (1921-1979). Ông có nhiều bút danh, trong đó bút danh Nguiễn Ngu Í (với I cụt) được nhiều người biết với lọat bài phỏng vấn văn nghệ sĩ rất nổi tiếng trên báo Bách Khoa thập niên 60 tại Sài Gòn. Ông có lối viết tiếng Việt rất đặc biệt, rất riêng, gây ít nhiều tranh cãi, ít nhiều khó chịu cho người đọc, nhưng vẫn có cái lý riêng của ông.
Thí dụ ông đưa ra nhiều thay đổi cách viết tiếng Việt như bỏ Y dài thay bằng I ngắn, bỏ phụ âm H trong GH, NGH… Không ai nghe theo ông thì ông tự mình làm trước. Ông bỏ tên Nguyễn Hữu Ngư của cha mẹ đặt để ký biệt hiệu là Nguiễn Ngu Í. Ông cũng triệt để áp dụng lối viết ấy trong các tác phẩm của mình. Thí dụ ông viết Nam cì tuần báo, thư cí, diễn cịch, cêu gọi, cí giả… tất cả các chữ “k” ông đều thay bằng chữ “c”, và một số chữ khác nữa, như chữ “p” thành “b” (Tân Fong Hiệb)… Trên danh thiếp, ông tự nhận mình là một “cí jả kông chuiên ngiệb” (ký giả không chuyên nghiệp).
Sau năm 1975, một số học giả ở hải ngoại cũng đưa ra những cải cách đáng chú ý. Đáng kể đến là việc viết I ngắn thay thế Y dài do hai nhà biên khảo Lê Hữu Mục, Nguyễn Ðình Hòa khởi xướng lại. Có nhiều người không đồng ý chuyện thay đổi này, nhưng cũng có không ít người ủng hộ, mạnh mẽ nhất là phải kể đến Dương Ðức Nhự. Không chỉ ủng hộ thay Y bằng I, ông còn đề nghị cả chuyện viết dính liền, bỏ phụ âm H du nhập chữ cái F, J, W, Z. Ông đề nghị viết ngẫm ngĩ, ngễnh ngãng, gồ gề thay cho ngẫm nghĩ, nghễnh ngãng, gồ ghề; viết zễ zàng, zu dương thay cho dễ dàng, du dương.
Những thay đổi này cũng đã có lần xuất hiện trong các văn bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự thay đổi chữ nghĩa đó sau này đã được ban hành bằng một pháp lệnh của chính quyền và được thực hiện trong Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê) từ ấn bản 1988 và trong Ðại Từ Ðiển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý) do Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo xuất bản năm 1998.
Người ta cho rằng, điều trở ngại là tiếng Việt có năm dấu (sắc, bằng, nặng, ngã, hỏi), những chữ cái mà vần Pháp ngữ không có dấu, trong khi chúng ta đang sống dưới thời Pháp thuộc. Báo Tuổi Trẻ Chủ nhật, xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1990 nêu vấn đề là hai dấu hỏi ngã nên nhập chung làm một cho tiện, hỏi ngã gì cũng được hay không. Tác giả Phụng Nghi trong cuốn 100 Năm Phát triển tiếng Việt (Nxb Văn Nghệ, 1999: 137) cũng đã dành hẳn một chương để bàn chuyện có nên bỏ một trong hai dấu hỏi (?) ngã (~) tiếng Việt không?
Học giả Hoàng Xuân Hãn chắc chắn đã nghiên cứu những đề nghị cải cách tiếng Việt của các tác giả trước ông, đã biết sự khó khăn khi cải cách nên năm 1942 ông đã viết trong cuốn Danh Từ Khoa Học rằng: Tiếng hiện thời của các nước đều đầy những sự vô lý. Nhưng đố ai cải cách nó được.